Đoàn voi "ra quân" đón khách du lịch Tết

17/02/2015 20:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày sắp bước sang năm Ất Mùi 2015, bà con xã viên Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk) lại quét dọn nhà cửa sạch đẹp, chăm sóc tốt hơn cho đàn voi… để chuẩn bị đón du khách. Đây là Hợp tác xã có một không hai ở Việt Nam có dịch vụ du lịch “trên lưng voi”.

Đắk Lắk có Hồ Lắk rộng trên 500 ha, là một trong những hồ lớn nhất ở Tây Nguyên, nằm ở độ cao trung bình trên 500 mét so với mặt nước biển, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Tây Nguyên. Đây cũng chính là địa danh Đắk Lắk được hình thành, “Đắk” theo tiếng M’nông là nước, hồ, sông, suối, Lắk là tên riêng của một chàng trai theo truyền thuyết rất dũng mãnh đầy ý chí đã tìm ra nguồn nước cho dân làng. Như vậy, Đắk Lắk có nghĩa là “hồ Lắk”. Đây cũng là địa phương có Biệt điện Bảo Đại, thác 3 tầng cùng với những danh lam thắng cảnh kỳ thú và giá trị văn hóa nguyên sơ của đồng bào M’nông … đang ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước.

Phát huy lợi thế của địa phương, Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun ra đời với 24 xã viên. Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, đơn vị ưu tiên kết nạp các xã viên là người dân tộc M’nông tại chỗ, nhất là những hộ gia đình có voi, thuyền độc mộc. Hiện nay, Hợp tác xã đang quản lý 21 con voi nhà, với 16 thuyền độc mộc. Tuy bà con xã viên đưa voi, thuyền độc mộc vào hợp tác, nhưng voi và thuyền vẫn là tài sản riêng của các hộ gia đình. Voi và thuyền độc mộc như là sản phẩm du lịch độc đáo để phục vụ du khách trong, ngoài nước. Du khách ngồi trên lưng voi khám phá những nguyên sơ hùng vĩ của dãy núi Chư Yang Sin, cảnh đẹp Hồ Lắk từ ánh bình minh, hay chiều tà, xem khu di tích lịch sử văn hóa Biệt điện Bảo Đại hay ngắm thác 3 tầng ở buôn Píp, xã Yang Mao, thăm buôn cổ M’Liêng của đồng bào M’nông, thăm rừng đặc dụng Nam Ka…


Du lịch trên lưng voi đã trở thành một đặc sản của du lịch Tây Nguyên

Trong những ngày lễ, Tết, Hợp tác xã huy động cả “đoàn quân” 21 voi ra phục vụ khách tham quan, du lịch. Mỗi lượt chở khách du lịch với thời gian từ 1 đến 1,5 giờ đồng hồ, các chủ voi thu được từ 250.000 đến 300.000 đồng. Hợp tác xã cũng quy định và được bà con xã viên, chủ yếu là chủ voi đồng tình ủng hộ, thống nhất là mỗi ngày, voi chỉ phục vụ đưa đón khách tham quan du lịch không quá 6 tiếng đồng hồ, mỗi khi ốm đau, voi được nghỉ ngơi, đầu tư chăm sóc, điều trị chu đáo, tăng thêm khẩu phần ăn… để nhanh chóng phục hồi sức lực.

Cũng theo ông Đức, trước đây kinh tế các gia đình xã viên khi chưa vào Hợp tác xã chỉ trông chờ vào 1-2 sào lúa nước, những lúc nông nhàn đi đánh bắt cá trên hồ Lắk nên đời sống chưa được ổn định. Từ năm 2005 đến nay, khi tham gia làm du lịch, đời sống của đồng bào nơi đây đã từng bước có của ăn của để. Bình quân mỗi chú voi mang về cho xã viên từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng, có thêm thuyền độc mộc thu nhập tăng thêm từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Hợp tác xã còn khai thác khá tốt vốn văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông tại chỗ để làm du lịch, như giữ nguyên kiểu dáng các ngôi nhà sàn của đồng bào buôn Jun để du khách tham quan, trải nghiệm không gian sinh hoạt của đồng bào qua việc cùng ăn, cùng ở với hộ gia đình trong buôn, duy trì đội cồng chiêng với 12 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng múa hát, phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe cho voi… phục vụ tốt yêu cầu của khách du lịch, tăng thêm thu nhập cho đồng bào.

Một mùa Xuân nữa lại về, du lịch “trên lưng voi” ở buôn Jun càng thêm khởi sắc….

Quang Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link