02/06/2018 17:10 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải nổ một phát đạn hay hy sinh một mạng sống, các cơ quan an ninh Ukraine đã tung một cú đánh tuyên truyền trực diện nhằm vào Điện Kremlin khi dàn dựng vụ sát hại nhà báo Nga Arkady Babchenko. Nhưng cái giá mà họ phải trả là gì?
"Fake news" chưa từng có tiền lệ
Sự thật sau khi được phơi bày thực sự gây sốc. Mọi người đều nghĩ Babchenko đã chết, kể cả chính gia đình anh. Hôm 29/5, phóng viên chiến trường Nga, nhân vật chỉ trích Tổng thống Putin, Arkady Babchenko được đưa tin bị bắn chết bởi loạt đạn vào lưng ngay khi vừa bước vào nhà mình tại Kiev, Ukraine. Truyền thông cũng đưa tin vợ anh đã phát hiện ra chồng bị bắn và anh qua đời khi đang trên xe cứu thương tới bệnh viện.
Cộng đồng báo chí và người thân của Babchenko đã sững sờ thương tiếc khi nghe tin phóng viên Nga bị sát hại bởi một kẻ tấn công hèn hạ, bắn vào lưng anh 3 phát đạn.
Nhưng chỉ không đầy 24 giờ sau đó, phóng viên 41 tuổi Babchenko xuất hiện khoẻ mạnh trong một cuộc họp báo được tổ chức bởi Cơ quan an ninh Ukraine (SBU). Babchenko cho biết, nhà chức trách Ukraine đã tiếp cận anh một tháng trước, cùng với bằng chứng rằng có một âm mưu sát hại anh đã được lên kế hoạch. Những tên sát thủ được trả 30.000 USD để ám sát Babchenko. Sau đó anh được SBU đề nghị hợp tác để dàn dựng âm mưu sát hại chính mình, nhằm mục đích tóm những nghi phạm chủ mưu và được thuê giết người. Đây là một kế hoạch gần như chưa có tiền lệ của một cơ quan an ninh quốc gia.
"Tôi hiểu rằng, đó hẳn là một chiến dịch của cơ quan đặc nhiệm Nga. Tôi không có lựa chọn nào khác là tham gia vụ việc”, Babchenko phát biểu trong phòng họp báo chật kín người ở Kiev ngày 30/5. "Tôi mặc áo có vết thủng đạn và nằm xuống sàn. Họ đổ máu lên người tôi, tôi cho một chút vào miệng rồi để máu tràn ra...", Babchenko kể lại cuộc dàn dựng.
Hai nghi phạm đã bị bắt và nhà chức trách Ukraine cho biết họ đã thiết lập liên hệ với các lực lượng đặc biệt Nga. Theo kênh truyền hình 112 của Ukraine, một nghi phạm còn âm mưu lập “kho vũ khí” ở Kiev để tiến hành thêm các vụ tấn công khủng bố nữa.
Phản ứng của Nga và truyền thông
Với một số người, chiến dịch này như tái hiện vụ việc ở Ai Cập năm 1984, khi thông tin giết hai nhân vật đối lập hàng đầu của nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi đã được dàn dựng.
Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Nga cho biết, họ vui mừng rằng phóng viên Babchenko còn sống, nhưng gọi vụ việc là một “hành động khiêu khích chống Nga tiếp theo”, đồng thời khẳng định, vụ dàn dựng giết nhà báo “rõ ràng được dựng lên vì mục đích tuyên truyền”.
Nhà báo Nga Anna Nemtsova viết: “Không một 'fake news' nào gây sốc với giới phóng viên đang làm việc tại Nga và Ukraine hơn câu chuyện này”.
Bày tỏ sự nhẹ nhõm khi Babchenko còn sống, nhiều nhà báo và nhà quan sát truyền thông cũng đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch trên. Tổ chức Phóng viên Không biên giới khẳng định, “sẽ luôn nguy hiểm với bất cứ quốc gia nào chơi trò với hiện thực và trên lưng các nhà báo”. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tuyên bố họ đang điều tra về cái gọi là “tình huống không có tiền lệ” này và nói thêm rằng, giới chức trách Ukraine cần tiết lộ điều gì đòi hỏi họ phải dùng tới biện pháp cực đoan là dàn dựng tin giả về vụ giết hại.
Trong khi đó, CNN mô tả vụ việc là “cách ứng xử thảm họa và vô tâm và đối với sự đồng cảm của công chúng, đã làm mất uy tín cùng lúc nhiều thứ: Ukraine, tự do Nga, nhà báo”. Tờ Guardian (Anh) cũng cho rằng với hành động này, Ukraine đã tự gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của chính mình và của báo giới nói chung. Một bài viết được tờ báo này đăng tải nhấn mạnh: “Thực tế, giới chức Ukraine đã làm một việc ‘phi thường’ để tự bôi nhọ chính mình”.
Cái giá đắt
Chiến dịch "khiêu khích Nga" lần này của Kiev bị chỉ trích là giống như một cuộc diễn tập quan hệ công chúng đầy nghiệp dư, thay vì một chiến dịch phản gián nghiêm túc. Hơn nữa, việc đưa Babchenko ra cuộc họp báo ở Kiev chỉ huỷ hoại hơn nữa niềm tin của người dân vào báo chí.
Chưa hết, mức độ tín nhiệm của các cơ quan an ninh Ukraine, vốn đã nhiều lần bị mất mặt, sẽ chịu ảnh hưởng trong một thời gian dài. Bất cứ những gì mà chính phủ Ukraine phát ngôn ra lúc này, người nghe cũng phải kiểm chứng lại hai, ba lần.
Chuyên gia địa chính trị Cyrille Bret, làm việc tại trường Đại học Nghiên cứu Chính trị, cho rằng chính quyền Ukraine đang tự đánh mất uy tín của mình trên trường quốc tế. Ông chỉ ra rằng với quyết định sai lầm này, Kiev đối mặt với 3 rủi ro. Ông nói: “Rủi ro đầu tiên liên quan đến hình ảnh Ukraine. Từ nay, Chính quyền Kiev sẽ bị coi là không ngần ngại nói dối, bịa đặt, dàn dựng chuyện. Rủi ro thứ hai là lòng tin, nhất là trong quan hệ với các đối tác châu Âu. Mọi người đều biết là các đối tác châu Âu tìm cách ủng hộ Kiev trong vụ Nga sáp nhập Crimea và có các hoạt động trong vùng Donbass. Giờ đây, các nước châu Âu tự hỏi liệu có thể tin được vào những tuyên bố của chính quyền Kiev hay không. Rủi ro thứ ba là sự trả đũa của Nga, và giờ sẽ là một chiến dịch bài Ukraine trên các diễn đàn quốc tế”.
Tổng thống Ukraine lúc này đối mặt với câu hỏi điều gì cuối cùng sẽ xảy ra với một thảm kịch truyền thông nghiêm trọng như vậy. Cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong năm tới và tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Poroshenko đã tụt xuống chỉ còn một con số. Ông phải lấy đà cho các cải cách được quốc tế ủng hộ nhằm chia tách Cơ quan an ninh quốc gia SBU thành một tổ chức gọn hơn nhưng chuyên nghiệp, hiệu quả và trong sạch hơn. Trong bối cảnh Ukraine đang tạo dựng vị trí như là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng châu Âu, cũng như đang xin các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ đối phó “fake news”, thì sau vụ việc nói trên, họ đã tự chứng tỏ là chính mình đang góp phần lan rộng thông tin giả mạo, thiếu trung thực.
Về phần Babcheno? "Cái giá" cho cái đầu của anh ta có thể tăng mạnh, phóng viên này nhiều khả năng cần tới sự bảo vệ 24/24 cho đến hết đời.
Babchenko nổi lên tại Nga vào năm 2009 sau khi ra cuốn hồi ký "Chiến tranh của một người lính", kể về cuộc chiến đấu của anh trong quân đội Nga qua cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất và thứ hai. Sau khi rời áo lính, Bachenko trở thành một phóng viên chiến trường, đưa tin về một loạt các cuộc xung đột tại Nga. Babchenko rời Nga sang Ukraine vào năm 2017 sau khi tuyên bố anh ta không đồng cảm với những người thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay quân sự Nga. Gần đây Babchenko có nhiều phát ngôn phản đối Kremlin, mà gần nhất là bài diễn văn tại hội nghị PutinCon ở New York, một hội nghị chuyên chỉ trích Tổng thống Nga Putin. |
Theo Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất