'Cảm hứng' của Quang Việt - một kỷ vật cho mỹ thuật

30/01/2023 17:18 GMT+7 | Văn hoá

Đây không chỉ là sách viết về mỹ thuật Việt Nam, mà còn là cuốn hồi ký đầy ắp những ký ức rất chi tiết về xã hội Việt qua đời sống mỹ thuật của những thập niên trước. Đó là cuốn Cảm hứng của nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt.

Được NXB Mỹ thuật cho ra mắt cách đây chưa lâu, hình thức trình bày giản dị, nhưng nội dung Cảm hứng thì đầy ắp thông tin và những câu chuyện mà bạn sẽ nhớ mãi. Nếu đọc hết cuốn sách, có lẽ bạn đọc cũng sẽ muốn lưu giữ nó như một kỷ vật!

Những câu chuyện sống động như ngày hôm qua

Cuốn sách là một phần nhỏ những bài viết đã từng được xuất bản trên các báo, trên tạp chí Mỹ thuật của tác giả Quang Việt - người đi qua hai thời kỳ của mỹ thuật Việt hiện đại và đương đại. Đây còn là những bài viết được chọn lựa rải rác trong suốt sự nghiệp cầm bút trên dưới ba chục năm của Quang Việt.

Sách được chia làm ba phần: phỏng vấn, chân dung, ghi chú lịch sử. Câu chuyện của sách dẫn bạn đọc từ hiện tại trở về quá khứ. 

'Cảm hứng' của Quang Việt - một kỷ vật cho mỹ thuật - Ảnh 1.

Chân dung Quang Việt do Trần Tuy ký họa năm 2002

Ở phần đầu tiên, tác giả lựa chọn những nhân vật quan trọng đương thời là những người chứng kiến nhiều sự đổi thay của nền mỹ thuật. Trong đó, Mộng Bích là nữ họa sĩ đặc biệt với chất liệu lụa. Cuộc phỏng vấn bà được đặt trong bối cảnh nhẹ nhàng, một dịp tác giả về chơi nhà họa sĩ sau triển lãm đầu tiên ở tuổi chín mươi của bà. Câu chuyện dẫn bạn đọc quay về quá khứ của họa sĩ, từ đó khơi gợi lại cả cuộc đời vẽ lụa của bà trong bối cảnh mỹ thuật Việt Nam những năm trong và sau kháng chiến.

Nguyễn Tư Nghiêm là một nhân vật độc đáo trong bộ tứ của mỹ thuật Đông Dương: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Tác giả Quang Việt đã may mắn có được cuộc trò chuyện với người họa sĩ còn lại sau cùng của bộ tứ Đông Dương này. Qua bài phỏng vấn này, ta được nghe những quan điểm thẳng thắn, đầy cá tính, cũng như hiểu thêm cách mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã sống và sáng tác.

Bên cạnh hai nhân vật với những sáng tác đậm chất dân tộc Việt Nam, bài phỏng vấn nhà điêu khắc Đào Châu Hải và nghệ sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi với sơn mài mang đến sự tiếp nối của những thực hành nghệ thuật đương đại trong mạch câu chuyện của tác giả. Việc lựa chọn các nhân vật độc đáo trong các lĩnh vực quan trọng như sơn mài, lụa, điêu khắc thể hiện sự nhạy bén của tác giả trong việc nghiên cứu mỹ thuật đương đại Việt Nam.

'Cảm hứng' của Quang Việt - một kỷ vật cho mỹ thuật - Ảnh 2.

Quang Việt và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm năm 2003 tại xưởng vẽ của họa sĩ

Hai bài phỏng vấn Đào Châu Hải và Nguyễn Oanh Phi Phi đều là những câu chuyện ý nghĩa, có nhiều chi tiết gợi mở cho giới nghiên cứu, cho các nghệ sĩ lẫn độc giả yêu nghệ thuật Việt Nam.

Trong bài phỏng vấn Oanh Phi Phi, tác giả khai thác từ triển lãm quan trọng của nữ nghệ sĩ đến cách suy nghĩ, con đường thực hành sáng tạo trong bối cảnh sống có yếu tố quốc tế.

Đào Châu Hải là nhà điêu khắc chứng kiến nhiều sự đổi thay, phát triển và cả những lạc hậu, bảo thủ của điêu khắc trong thời cuộc chung của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại. Với sự thẳng thắn của mình, nhà điêu khắc đã nói lên các vấn đề đang tồn tại trong giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam qua sự chứng kiến và quá trình thực hành nghệ thuật của bản thân.

Chân dung có lẽ là phần đặc biệt của cuốn sách, khá hài hước và ấn tượng. Quay về với mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, có cảm giác như đây là thời kỳ tươi mới trong ký ức được Quang Việt khắc họa rõ nét, đầy hài hước. Trong phần chân dung, có hai mạch quan trọng tạo nên ý nghĩa của những câu chuyện. Thứ nhất là tư liệu hoặc lời của nhân vật, thứ hai là mạch kể và suy tư của tác giả. Trong đó, thật ngạc nhiên, những câu chuyện của Quang Việt từ cách đây vài chục năm ở thủa giao thời của tác giả với những nhân vật nay đã không còn, lại sống động như câu chuyện ngày hôm qua.

'Cảm hứng' của Quang Việt - một kỷ vật cho mỹ thuật - Ảnh 3.

Cuốn “Cảm hứng” (NXB Mỹ thuật) của Quang Việt

Nhân vật của Cảm hứng là những thế hệ nghệ sĩ từ già tới trẻ của mỹ thuật ngày ấy như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng, Hoàng Lập Ngôn, Lê Thanh Đức, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Khánh Chương…

Trong đó có những câu chuyện thật sự cảm động như Một buổi trưa của Bùi Xuân Phái, kể về một trải nghiệm "quá buồn" của người họa sĩ lớn bị cái nghèo bao trùm, nhưng đầy lòng tự trọng. Hoặc khắc họa một chân dung Nguyễn Sáng - Đệ nhất tài, đệ nhất tính - vừa bi vừa hài, qua một phần lời kể của những nhân vật đương thời và một phần là cái tài ghép nối các câu chuyện, với giọng văn lúc thì dửng dưng, lúc lại ngậm ngùi sắc sảo.

Quang Việt cũng không quên viết về câu chuyện của thị trường tranh ở Hà Nội khi ấy. Nó cũng cho thấy mối quan tâm sát sao của ông tới những câu chuyện bên lề, mà không thể thiếu của nghệ thuật.

Giọng văn thay đổi và linh hoạt

Phải nói rằng Quang Việt thật may mắn, cũng thật tài, bởi ông biết quá nhiều thứ, quen biết được rất nhiều nhân vật của mỹ thuật Việt Nam từ khi còn bé (qua các mối quan hệ trong giới văn nghệ sĩ của bố ông là họa sĩ Quang Phòng), rồi lăn lộn với mỹ thuật cho tới tận bây giờ.

Qua những hồi ức, những suy nghĩ về những nhân vật ông nói tới, cho thấy ngay từ khi còn nhỏ đã là người tinh ý, nhạy cảm và bạo dạn với những người đồng nghiệp của bố, để sau này ông có thể viết về họ, nhận xét về tính cách, cuộc đời họ một cách sâu sắc.

'Cảm hứng' của Quang Việt - một kỷ vật cho mỹ thuật - Ảnh 4.

Tác giả Quang Việt chụp với bà Alix Turolla Tardieu (cháu nội của cụ Victor Tardieu) tại Hà Nội năm 1997

Quang Việt dựng nên được những chân dung sống động của các cá nhân trong quan hệ mật thiết của họ với nhau, từ đó dựng nên cả một góc của đời sống văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Tất nhiên, qua góc nhìn của Quang Việt.

Một điều đáng nói là những lời văn miêu tả của Quang Việt về cảnh vật, con người, không gian, thời gian của những năm tháng xa xưa cũng lãng mạn không khác nào trong một tác phẩm văn học viết về Hà Nội thế kỷ 20. Giọng văn của Quang Việt thay đổi và linh hoạt. Lúc thì khô khan, nhát gừng, lúc thì sâu sắc và đầy suy tư. Chính vì sự thay đổi thường xuyên các giọng văn trong ngay một bài viết, đã khiến cuốn sách cuốn hút, đọc không bị mệt, dễ đi vào lòng người.

Cuối cùng, phần Ghi chú lịch sử là những ghi chép, thông tin khá đầy đủ về các chất liệu quan trọng của mỹ thuật Việt Nam như sơn mài, lụa, gắn liền với lịch sử của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Và sau đó, ở đoạn kết Đời sống văn nghệ Hà Nội "Thời xa vắng" lại là những câu chuyện tổng hợp, miên man, đầy ký ức của Quang Việt về giới văn nghệ sĩ Hà thành lúc bấy giờ, nhưng lần này một phần không nhỏ là qua con mắt của bố tác giả: họa sĩ Quang Phòng.

Tác giả thể hiện vai trò nghiên cứu mỹ thuật đương đại thông qua những chủ đề/ nghệ sĩ quan trọng mà ông lựa chọn ở phần phỏng vấn đầu tiên. Những vấn đề mà Quang Việt tập trung khai thác cũng là những vấn đề còn đau đáu của mỹ thuật Việt Nam đương thời trên con đường thay đổi, phát triển. Bên cạnh đó, một phần lớn cuốn sách tác giả dành cho mỹ thuật hiện đại.

Qua con mắt hài hước, sự nhạy cảm và sắc bén, cùng một cuộc đời gắn bó với mỹ thuật ở Hà Nội, Quang Việt cùng Cảm hứng đã góp thêm rất nhiều câu chuyện quý hiếm và thú vị về đời sống văn nghệ sĩ Hà Nội một thời đã xa. Giữ một bản, bạn đọc như có được một kỷ vật.

Trong sách, có những câu chuyện thật sự cảm động như Một buổi trưa của Bùi Xuân Phái, kể về một trải nghiệm "quá buồn" của người họa sĩ lớn bị cái nghèo bao trùm, nhưng đầy lòng tự trọng.

Huyền T. Trần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link