'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình

11/04/2023 12:00 GMT+7 | Văn hoá

Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình của PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình. Qua 640 trang, tác giả đã dày công sưu tầm, phân tích, kiến giải để sách có thể trở thành một cẩm nang quý cho người viết kịch bản phim truyện truyền hình.

1. Ngay từ phần dẫn nhập của cuốn sách, tác giả cho biết khái niệm kịch bản phim truyền hình được sử dụng trong cuốn sách này là một loại hình phim truyện nhiều tập, có thể là 1 phần và cũng có thể nhiều phần với số lượng hàng chục, hàng trăm tập, thậm chí là hàng nghìn tập. Xác định phim truyện truyền hình là một thành tố của văn hóa, một loại hình quan trọng của văn học nghệ thuật, những người làm phim cần nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng phim sản xuất hàng năm.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, phim truyện truyền hình là 1 trong những khung tiết mục giữ vị trí đặc biệt trong việc làm hấp dẫn, lôi cuốn công chúng đến với truyền hình. Khi đánh giá kênh truyền hình có lượng khán giả đông đảo hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phim phát sóng trên kênh đó.

'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình - Ảnh 1.

Sách chuyên khảo “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” của Đỗ Lệnh Hùng Tú

Hiện số lượng phim truyện truyền hình thế giới và Việt Nam phát trên kênh truyền hình Việt Nam rất lớn. Tác giả đã đưa ra những con số so sánh ấn tượng. Nếu như trước năm 1994, cả nước làm chưa đầy 10 phim truyện truyền hình, chủ yếu là phim 1 tập thì đến năm 2015 chúng ta đã đạt 5.500 tập. Năm 2020 - 2021, đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì phim truyện truyền hình vẫn được sản xuất, phổ biến, trong đó có một số bộ phim thời lượng 50 tập, 70 tập, 80 tập đạt chất lượng, được công chúng hào hứng đón nhận, như phim: Những ngày không quên (tiếp theo Về nhà đi con), 11 tháng 5 ngày, Hương vị tình thân...

'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình - Ảnh 2.

Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú

Tác giả cho rằng người làm phim truyện truyền hình cần nỗ lực làm đầy tri thức, hiểu thấu đáo đặc trưng thể loại, từ đó xây dựng ý thức chuyên nghiệp trong mọi công đoạn từ viết kịch bản đến chế tác (sản xuất) và phổ biến đến công chúng.

'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình - Ảnh 3.

Các đồng nghiệp đến chúc mừng PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (thứ 2 phải sang)tại buổi giới thiệu sách

2. "Không có phim hay nếu như không có kịch bản hay. Không có kịch bản hay nếu không có nhà biên kịch giỏi. Không có biên kịch giỏi nếu không được đào tạo" (nhà biên kịch Peumant). Chính vì thế, khi viết sách, tác giả đã chú ý triển khai cụ thể nội dung về nghề nghiệp, giúp người viết kịch bản tham khảo và coi đây như "bí kíp", "chìa khóa ngón nghề năng động, đa tiện dụng" khi thực hiện công việc khá nhọc nhằn này.

'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình - Ảnh 4.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (thứ 2 trái sang) tại Nha Trang

Sau nhiều năm hướng dẫn học phần "soạn thảo và trình bày kịch bản phim", PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đã dành 1 chương trong sách để "Cùng chia sẻ kinh nghiệm". Đúng như tên chương, đây là những kinh nghiệm quý báu đã được anh chia sẻ "bếp núc" làm nghề chân thành, cởi mở với bao tâm huyết đam mê.

'Cẩm nang' cho sáng tác kịch bản phim truyện truyền hình - Ảnh 5.

Đỗ Lệnh Hùng Tú thời học ở Trường VGIK (Liên Xô cũ)

Một số vấn đề đã được trao đổi rất cụ thể, như: Trong kịch bản, mỗi lần xuống dòng là một cảnh; Đặt tên và gọi tên nhân vật khi nào; Không nên để "bão hòa thông tin"; Cần mô tả khi bắt đầu một phân đoạn mới, xuất hiện một nhân vật mới; Cần đánh số thứ tự và kiểm tra chính xác từng phân đoạn trong kịch bản trước khi in; Cách thể hiện thời gian trôi; Dùng thoại kèm theo biểu cảm khi nhân vật nói; Cần chú ý cách sử dụng từ; Tránh miêu tả ý nghĩ nhân vật thay cho hành động cụ thể cần có...

Trong phần "Giải đáp các câu hỏi của học viên", tác giả đi vào những chi tiết cụ thể, rất bổ ích cho người viết kịch bản: So sánh sự khác nhau của thuật ngữ "Câu chuyện" và "Cốt truyện"; Những kinh nghiệm khác nhau đối với kịch bản phim; Diễn giải rõ hơn về cấu trúc ba hồi trong kịch bản phim; Làm sao để gia tăng kịch tính cho kịch bản hấp dẫn; Vì sao cần tạo dựng "vật cản" trong quá trình kể chuyện?; Thủ pháp "thắt nút" trong kịch bản phim; Mâu thuẫn kịch tính có tạo nên tính hấp dẫn trong kịch bản phim; Cao trào của những mâu thuẫn nhân vật trong kịch bản phim; Nghệ thuật xử lý kết phim; Những thành tố cơ bản tạo nên truyện phim; Những chú ý khi mô tả tâm lý nhân vật; Vai trò của khung cảnh, bối cảnh trong kịch bản phim; Vai trò chi tiết trong phim cần được thể hiện ngay trong kịch bản; Yếu tố bất ngờ cần thiết phải có; Chuyện hồi hộp tạo nên sự hấp dẫn trong phim; Thủ pháp "gieo mầm" cần thiết thế nào; Có nên lạm dụng kỹ thuật "phục hiện"; Vai trò của ca khúc trong kịch bản phim; Vận dụng tư duy tạo hình vào kịch bản phim truyện hoạt hình.

Nói như nhà biên kịch Lê Ngọc Minh,Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình là cuốn sách đáng đọc, cần thiết và dễ đọc. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác đào tạo, cho những người được đào tạo, hoặc bạn đọc theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình.

Vài nét về tác giả Đỗ Lệnh Hùng Tú


Đỗ Lệnh Hùng Tú sinh năm 1957 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội.


Năm 1976, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội, anh về nhận công tác ở Xưởng thiết kế mỹ thuật Hãng phim truyện Việt Nam. Từ 1979-1985, anh học chuyên ngành họa sĩ thiết kế điện ảnh - truyền hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Xô viết (VGIK). Năm 1985 tốt nghiệp, về nước, Đỗ Lệnh Hùng Tú tham gia giảng dạy điện ảnh - truyền hình, mỹ thuật. Năm 2008 anh nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật học, năm 2015, nhận bằng Tiến sĩ và sau 4 năm (2019), anh được phong hàm Phó Giáo sư.


Các kịch bản được dựng thành phim gồm có kịch bản phim truyện điện ảnh: Trái tim không ngủ yên(1998), Những ngôi sao biển (2002); kịch bản phim truyện truyền hình: Đảo ngọt (2014), Tình yêu mong manh; kịch bản phim tài liệu: Ký ức hào hùng (2005), Tấm lòng nhân ái (2005), Rừng thiêng Kiến An (2019), Cảo thơm lần giở trước đèn (2022); kịch bản phim hoạt hình: Ai là đồ ngốc (2003), Ngọn gió bất trị (2022).


Tác giả thiết kế mỹ thuật cho các bộ phim: Trang giấy trắng (1990), Trái tim không ngủ yên (1998), Hải đường trắng (1992), Giận hờn (1994), Cô người mẫu của tôi (1994), Lời tạ từ trong mưa (1995), Mặt trận không tiếng súng (2000), Sống lại quê hương (2002), Rặng trâm bầu (2004), Bước khẽ tới hạnh phúc (2012), Kiều @ (2019)...


Công trình nghiên cứu lý luận: Nghệ thuật tạo hình trong sáng tác điện ảnh, Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện, Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình.


Giải thưởng: Giải Cánh Diều Vàng 2015 cho chuyên khảo Nghệ thuật tạo hình trong sáng tác điện ảnh; Giải thưởng Cánh Diều Bạc 2009 cho chuyên khảo Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link