Cần hướng tiếp cận mới trong bảo tồn văn hoá các dân tộc

15/12/2018 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là vấn đề được đặt ra trong hội thảo bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chiều 14/12, tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).

Sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam: Đang nằm ở đâu?

Sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam: Đang nằm ở đâu?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt câu hỏi: “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nằm ở đâu?”. Và ông lưu ý, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của sức mạnh mềm văn hóa, qua đó phải biết chọn lọc những yếu tố đặc sắc và không né tránh mặt yếu kém, tiêu cực.

Tới dự hội thảo có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương và nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, văn hóa dân gian các dân tộc là của cả hệ thống chính trị, của mọi người. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hội thảo nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân gian ở vùng dân tộc thiểu số đồng thời gợi mở, xây dựng các chính sách mới.

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho biết thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ  mai một, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa-du lịch. Đến nay đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, XTiêng,  Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Tà Ôi, Hà Nhì, Cống, Shi La, Rơ Măm, Ê Đê, Bru-Vân Kiều, …. được phục dựng bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. 

Hơn 30 làng/bản/buôn của 25 dân tộc (S’tiêng, Chăm, Ba Na, K’ho, M’Nông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer, Jrai,  Ơ Đu, Chứt, Mạ, Bố Y,  H’rê…) được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa truyền thống, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của các dân tộc.

Nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người (dưới 10.000 người) được mở ra tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... 

Đến nay, đã có 134/271 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của các dân tộc thiểu số; 276/617 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số đặt ra ngày càng cấp bách. 

Sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, ngoài những lợi ích đem lại cho con người cũng gây ra nhiều bất cập, trong đó có nguy cơ làm mai một, biến đổi của không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số như: trang phục, kiến trúc, lối sống của giới trẻ, văn hóa ứng xử trong cộng đồng; việc phục dựng, tổ chức lễ hội còn bất cập; tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi có chiều hướng gia tăng...

Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng “ngoài lề hoá”, “sân khấu, làm mới và thương mại hoá di sản”, cùng với những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân.

GS.TS Lê Hồng Lý (Viện Nghiên cứu văn hoá) nêu thực tế nhiều địa phương tổ chức lễ hội thái quá, mang màu sắc mê tín dị đoan, phản cảm, bỏ qua ý nghĩa nhân văn nguyên bản. Khôi phục, tổ chức lễ hội như thế nào, ai là người khôi phục, lễ hội dành cho ai là những câu hỏi được GS.TS Lê Hồng Lý đặt ra. 

Trong khi đó GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh cấu trúc văn hoá truyền thống đang có những biến đổi trong quá trình tái cấu trúc, xây dựng nền văn hoá đương đại và đặt ra những vấn đề cấp bách đối với chính sách văn hoá hiện nay.

Qua phân tích một số đề án cụ thể hỗ trợ các dân tộc thiểu số rất ít người, PGS.TS Nguyễn Văn Chính (ĐHQG Hà Nội) đánh giá chưa có chính sách nào tập trung vào bảo tồn ngôn ngữ và sự đa dạng văn hoá mà mới chỉ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nhằm cải thiện đời sống, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân…

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đặt vấn đề có phải giới trẻ dường như thờ ơ hay đứng ngoài việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá. Câu trả lời là thực tế chúng ta đang thiếu cơ chế để thu hút các ý tưởng sáng tạo, cùng khả năng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào bảo tồn văn hoá.

Xét trên góc độ luật pháp, hoạt động giáo dục di sản, quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội trong bảo vệ di sản chưa được đề cập, làm rõ trong Luật Di sản văn hoá. TS. Lương Thị Thu Hằng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất xây dựng khung hướng dẫn thực thi hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy di sản văn hoá dân gian.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhà nước cần tạo môi trường để từng người, từng cộng đồng và toàn xã hội cùng tham gia bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đánh giá cao những ý kiến, tham luận tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lĩnh vực văn hoá nói chung, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hoá nói riêng, có những đặc thù, khó khăn do nguồn lực hiện nay thường được ưu tiên hơn cho các vấn đề cấp bách về phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi các vấn đề, bất cập về văn hoá xuất hiện thường chưa thể khắc phục được ngay mà mất nhiều thời gian, tâm sức, thậm chí nhiều chục năm, để khắc phục. Cùng với đó, nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hoá chưa coi trọng đúng mức các ý kiến chuyên gia.

Theo Phó Thủ tướng, sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với các di sản văn hoá dân tộc hay những hoa văn, hoạ tiết trên thổ cẩm được đưa vào thời trang, kiến trúc… là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước. Để hình thành nên bản sắc văn hoá mỗi cộng đồng, dân tộc phải cần thời gian hàng nghìn năm. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá cần lắng nghe chuyên gia, có tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì từng việc cụ thể, theo lộ trình.

“Nhà nước không chỉ đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hoá mà còn tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác này bảo tồn di sản văn hoá, đặc biệt dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, kết nối mạng di động, cá nhân hoá…”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách dành cho các nghệ nhân, nhất là đối với những di sản vật thể, phi vật thể có nguy cơ mất đi; xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh thiểu số theo xu hướng quốc tế...

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trách nhiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, văn hóa dân gian các dân tộc không chỉ là việc của từng cộng đồng dân tộc mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả mọi người. 

Thông qua việc giao lưu văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc là tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số học hỏi, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được chặn đứng. Một phần do đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Mặt khác chúng ta chưa có cơ chế phát huy toàn xã hội đầu tư cho văn hóa, nhất là trong việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thời gian tới Chính phủ cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp. Đặc biệt chú ý địa bàn, các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa, nhất là các dân tộc còn rất ít người, khu vực biên giới, hải đảo, khu tái định cư do di dân. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, bỏ những hủ tục lạc hậu.

Đồng thời cần có giải pháp đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn phát huy, chú ý coi trọng các chính sách, chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa. Khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa, chú ý phong tặng danh hiệu, tôn vinh nghệ nhân các dân tộc thiểu số.

Theo Đình Nam/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link