Thế giới đối phó với thực phẩm nhiễm xạ

25/03/2011 14:27 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nga, Australia, Canada và Singapore đã trở thành những quốc gia mới nhất từ chối thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, sau khi phóng xạ được phát hiện tại một số mặt hàng có nguồn gốc từ nước này.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Ngày 25/3, Cơ quan Nông Lương và Thú y Singapore đã đình chỉ việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm liên quan tới sữa, rau quả, hải sản và thịt thuộc 4 tỉnh có nguy cơ nhiễm xạ ở Nhật là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma.

Hàng loạt nước cấm nhập thực phẩm

Các biện pháp tăng cường kiểm soát được Singapore triển khai, sau khi nhà chức trách hòn đảo Đài Loan phát hiện phóng xạ có trong các quả đậu tằm tới từ Nhật. Số đậu trên được nhập vào Đài Loan trong ngày 19/3.

Sau khi tuyên bố cấm nhập thực phẩm, giới chức Singapore cũng nói rằng họ chưa từng nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào từ các khu vực bị ảnh hưởng, sau thảm họa. Nước này sẽ thử nghiệm và kiểm tra trên mọi loại thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Nhật.

Cùng ngày, cơ quan An toàn thực phẩm Australia và New Zealand đã thông báo việc tạm ngừng nhập thực phẩm xuất phát từ các tỉnh có khả năng nhiễm xạ. Các sản phẩm bị ngừng nhập bao gồm tảo, hải sản, sữa, các sản phẩm liên quan tới sữa và rau quả tươi. Theo nhà chức trách Australia, thực phẩm của Nhật đang bày bán sẵn trên các quầy hàng trong nước đều an toàn do chúng đã được nhập khẩu trước thảm họa. Họ khẳng định “khả năng người tiêu dùng Australia bị nhiễm xạ từ thực phẩm đến từ Nhật Bản là rất nhỏ”.

Nhà chức trách Tokyo phát nước đóng chai
cho các bà mẹ có con nhỏ vì nước máy đã nhiễm xạ


Tương tự, Nga thông báo đình chỉ việc nhập thực phẩm từ 6 tỉnh của Nhật Bản. Các tỉnh bị đưa vào danh sách đen gồm Gunma, Fukushima, Chiba, Ibaraki, Nagano và Tochigi.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban lệnh cấm nhập các sản phẩm sữa, một số loại rau và củ trồng quanh tỉnh Fukushima của Nhật, nơi nồng độ phóng xạ có lúc đã lên rất cao. FDA hiện chưa cấm hải sản Nhật, vốn chiếm chưa đầy 2% tổng lượng tiêu thụ hải sản ở Mỹ.

Dấu vết phóng xạ ở nhiều nơi

Mối lo sợ của dư luận quốc tế xuất phát từ việc dấu vết phóng xạ đã được tìm thấy ở nhiều nơi tại Nhật Bản. Đầu tuần này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận rằng, sữa và rau chân vịt được sản xuất tại các trang trại cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 từ 30-120km đã được phát hiện là nhiễm phóng xạ vượt quá mức an toàn. Ngay sau đó, Bộ Y tế Nhật đã ra lệnh cấm tiêu thụ các sản phẩm trên.

Hôm 24/3, tới lượt Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thông báo hàm lượng phóng xạ iốt đo được trong nước biển gần nhà máy này đã cao gấp 147 lần mức cho phép.

Trước đó, lượng phóng xạ iốt cao cũng được phát hiện trong nước máy ở thủ đô Tokyo. Các đo đếm trong mẫu nước lấy từ nhà máy nước thuộc quận Kanamachi đã phát hiện lượng phóng xạ iốt. Tin này khi được tung ra đã lập tức khiến toàn bộ số nước đóng chai trong các siêu thị, cửa hàng, máy bán nước tự động ở Tokyo bị “bốc hơi”.

Hiện tình hình đã ổn định trở lại, khi các kiểm tra mới nhất thấy lượng phóng xạ giảm xuống, trong bối cảnh chính quyền Tokyo đã phân phát tổng cộng 240.000 chai nước loại 550 ml tới các gia đình có trẻ sơ sinh trong thành phố, với mỗi đứa trẻ được 3 chai nước.

Không tác động lớn đến nông nghiệp Nhật

Trước việc thực phẩm Nhật Bản bị cấm nhập ở nhiều nơi, một số nhà phân tích vẫn cho rằng tác động của việc này lên nền kinh tế Nhật Bản sẽ rất hạn chế.

Nguyên nhân do xuất khẩu nông sản chiếm một tỉ trọng nhỏ trong nền kinh tế Nhật Bản. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (ETO), nước này chỉ xuất khẩu lượng thực phẩm trị giá 3,27 tỉ USD trong năm 2009. Trong khi đó tổng lượng thực phẩm nhập khẩu lên tới 53,5 tỉ USD.

Theo tiến sĩ James Cox, một giáo sư ung thư học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson ở Texas nói, phóng xạ iốt sẽ tập trung ở tuyến tụy và có thể gây ung thư bộ phận này. Tương tự, cesium- 137 tấn công và phá hủy các tế bào non trong tủy xương, gây ung thư máu và ung thư xương. Tuy nhiên Cox, một chuyên gia về tác động của phóng xạ lên người sống sót sau thảm họa ném bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima, cho biết mức phóng xạ đo được trong sữa và rau chân vịt ở Nhật hiện không chứa các “mối đe dọa tức thời” với sức khỏe con người và chỉ có các tác động rất thấp trong dài hạn. “Tôi không tin ai đó có thể ăn lượng rau chân vịt nhiễm xạ đủ lớn và uống lượng sữa đủ nhiều để sức khỏe họ bị đe dọa” - Cox tuyên bố.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link