Những cái khó của Cánh diều vàng 2008

24/02/2009 16:30 GMT+7 | Phim

Ít phim tham gia dự giải, ban tổ chức phải thay đổi địa điểm trao giải tới 3 lần… xem ra, giải Cánh diều 2008 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để có được một đêm trao giải toàn vẹn.
 
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân - Chánh Văn phòng Hội điện ảnh Việt Nam trước thềm trao giải.
 
* Chỉ còn chưa tới một tuần nữa, giải Cánh diều vàng sẽ chính thức được trao tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Còn những vấn đề nào khiến ban tổ chức phải thấy băn khoăn?

Chuyện báo chí nói Cánh diều xoay như chong chóng về mặt địa điểm hoàn toàn là lý do khách quan. Quá trình tổ chức mang tính chất biểu diễn với sự tham gia của nhiều thành phần đòi hỏi sự chuẩn bị phức tạp mà Hội không thể lường trước hết được.

Hội cũng đã dự kiến về địa điểm tổ chức từ đầu năm 2008 và đã ký hợp đồng với Cung Văn hóa Hữu nghị từ thời điểm đó vì chỉ duy nhất nơi này đáp ứng đầy đủ tiêu chí chỗ ngồi, gần trung tâm, phục vụ tốt cho công tác truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, Đài THVN - đơn vị phát sóng trực tiếp lễ trao giải đến tận tháng 2 mới sắp xếp được lịch nên buộc phải lùi thời gian xuống ngày 1-3.

Khó khăn này kéo theo khó khăn khác. Chúng tôi đã phải tìm gấp các địa điểm khác nhưng Nhà hát Lớn thì kẹt lịch, Cung thể thao Quần ngựa không phù hợp, Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì quá xa, Khách sạn Sofitel Plaza cũng không phù hợp. Đúng lúc đó, may mắn là đơn vị đăng ký với Cung hữu nghị vào ngày 1-3 đã dời lịch và chúng tôi có cơ hội tiếp quản địa điểm này đúng đêm 28-2 tổng duyệt lễ trao giải.

* Năm ngoái Cánh diều "du nam" đã thu được nhiều thành công đáng ghi nhận trong công tác xã hội hóa tổ chức giải thưởng. Năm nay, giải thưởng được trao ngoài bắc và không còn công ty truyền thông nào đứng ra giúp đỡ Hội. Đây có phải là một khó khăn?

Những năm trước, Đài THVN đã giúp Hội tổ chức rất tốt toàn bộ đêm trao giải. Riêng năm ngoái, khi trao giải tại miền nam, Hội đã tự tổ chức với công ty truyền thông Mêkông và cũng đã có được thành công nhất định.

Nhưng năm nay kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư cũng đắn đo đối với việc tài trợ. Họ cũng có kế hoạch tự quảng bá hình ảnh trong chương trình truyền hình trực tiếp nhưng lịch phát sóng quá muộn nên nhiều doanh nghiệp bị động với kế hoạch kinh doanh, truyền thông của họ. Hiện nay, Hội vẫn đang tiếp tục kêu gọi tài trợ.

Cũng do tình hình kinh tế khó khăn, kinh phí cho lễ trao giải thưởng cũng bị cắt giảm 10% so với 400 triệu đồng như mọi năm. Chúng tôi chỉ được trích 20% cho khâu tổ chức lễ trao giải mà hệ thống giải thưởng vẫn phải đảm bảo giá trị bằng tiền mặt.

* Giải do khán giả bình chọn của Cánh diều vàng 2008 - một trong những điểm tích cực, mới mẻ của ban tổ chức - sẽ được xét theo tiêu chí nào?

Thật ra đầu tiên Hội cũng không tính được việc có thêm giải do khán giả bình chọn vì phụ thuộc vào hai yếu tố: các nhà sản xuất có đồng ý không và có rạp chiếu phục vụ không. Trong tình hình khó khăn như thế, các nhà sản xuất đã hy sinh quyền lợi kinh tế để đồng ý chiếu phim miễn phí. Thêm nữa, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Viện phim Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để chiếu phim miễn phí dành cho khán giả.

Hội tổ chức chiếu 24 buổi tất cả cho 6 phim truyện nhựa và 8 phim tài liệu nhựa. Chúng tôi phát ra 4.500 vé tương ứng với 4.500 phiếu cho khán giả bình chọn. Khán giả sẽ chấm điểm theo ý thích cá nhân của mình. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp, chia điểm để chọn ra phim được khán giả yêu thích nhất.

* Thành phần Ban giám khảo cho phim truyện nhựa vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm. Năm nay Hội có tránh khỏi tình trạng khó tìm giám khảo cho thể loại này không?

Trong số 9 vị ban giám khảo phim truyện nhựa, chỉ có duy nhất một vị ở phía nam là NSƯT Đào Bá Sơn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao phim ở miền nam nhiều thế mà lại toàn giám khảo phía bắc. Tại sao không có vị giám khảo nào trẻ. Thật sự đây cũng là khó khăn.

Tôi nghĩ, ban giám khảo trong nam hay ngoài bắc, già hay trẻ không quan trọng, miễn là họ đáp ứng được tiêu chí về năng lực chuyên môn, uy tín nghề nghiệp, trình độ cảm thụ tác phẩm và tính công tâm do Hội đặt ra.

Việc mời ban giám khảo cũng khó. Năm nào chấm giải Hội cũng chỉ có ngần ấy gương mặt. Chúng tôi cũng cố gắng mời chị Việt Linh, đạo diễn Lê Hoàng nhưng họ đều bận không thể ra bắc được. Những gương mặt trẻ khác như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng lại có phim tham gia…

* Năm nay, Hội công bố có thêm giải dành cho phim hợp tác với nước ngoài. Giải thưởng này được đánh giá trên tiêu chí nào?

Xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm qua cũng khá mạnh mẽ và tích cực. Trước đây, có năm Hội trao giải hợp tác, có năm không… nhưng năm nay thì hội đưa ra thành giải riêng. Giải này cũng là một cách để biểu dương những nhà làm phim nước ngoài, Việt kiều có tấm lòng với điện ảnh Việt Nam.

Tiêu chí để phân biệt phim hợp tác được đánh giá trên 3 tiêu chí: vốn 51% của nước ngoài, đạo diễn và biên kịch là người nước ngoài. Theo tiêu chí này thì hiện nay có hai phim đang được xem xét là “Cú và Chim se sẻ” và “Chuyện tình xa xứ”.

* Xin cảm ơn ông!
 
Theo Nhân Dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link