Giải mã sự 'ảo diệu' của kiếm Việt Nam

06/06/2015 15:35 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Đâu là bí quyết giúp các kiếm thủ Việt Nam đang gây ấn tượng đặc biệt tại Singapore trong những ngày này với hàng loạt chiến công rất đáng khâm phục (giành 4 HCV) cho đoàn TTVN ở SEA Games 2015?

Mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 thập kỷ và phát triển thực sự mạnh mẽ trong hơn 20 năm trở lại đây, đấu kiếm có 2 yếu tố để thành công: Tầm nhìn chiến lược, và sự phù hợp với tố chất người Việt.  

Người Việt phù hợp với môn đấu kiếm

Môn đấu kiếm đòi hỏi rất nhiều tố chất, mà phải là tố chất đặc biệt thì mới có thể tập luyện và thành tài. Tối thiểu với 1 VĐV kiếm, đó là thể lực dồi dào, thể hình tốt, đặc biệt là phải nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh và có sức chịu đựng cực cao. “Đây là một đòi hỏi khắt khe nhưng đến được với đấu kiếm là phải như thế. Ở Việt Nam, khi đi tuyển các VĐV năng khiếu, không dễ để tìm ra những người đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí này, tuy nhiên, về cơ bản các VĐV của chúng ta đã có những lợi thế nhất định về sự khéo léo, nhanh nhẹn và có sức chịu đựng khó khăn”, Trưởng bộ môn Đấu kiếm, Tổng cục TDTT Phùng Lê Quang cho biết.

Trong gần 30 năm du nhập và phát triển, số lượng VĐV đấu kiếm không nhiều, thậm chí chưa bao giờ vượt quá con số 100 kiếm thủ trên toàn quốc. Điều này cũng không khó để lý giải nếu căn cứ vào những tiêu chí nói trên. Đến với đấu kiếm đã khó, trụ lại ở môn này và đạt thành tích càng khó khăn. Chính vì thế những VĐV khi xác định gắn bó với đấu kiếm đều nỗ lực hết mình, họ sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho môn thể thao này.

Chiến lược hợp lý  

Trên cơ sở là sự phù hợp nhất định về tố chất con người từ đánh giá và nhìn nhận của những người làm chuyên môn, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã “mạnh dạn” đưa đấu kiếm về Việt Nam phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông Giang là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội nên cũng có nhiều thuận lợi đặt nền móng cho việc phát triển môn này đối với thể thao thủ đô.

Tuy nhiên, cũng phải chờ đến hơn 20 năm sau kể từ khi bắt đầu từ con số 0, đấu kiếm Việt Nam mới có được những tấm huy chương đầu tiên tại SEA Games 2003 khi được tổ chức trên sân nhà. Chính 3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ lúc đó đã tạo nên bước ngoặt thuận lợi, mở đường cho đấu kiếm trở thành môn nhận được sự quan tâm chú ý của những nhà lãnh đạo thể thao. Theo đánh giá của rất nhiều HLV, VĐV kiếm, nếu SEA Games 2003 mà không có huy chương, chưa biết tương lai của đấu kiếm sẽ ra sao, vì lúc đó, TTVN có những “mỏ vàng” khác mà không phải đầu tư quá lớn.

“Với các môn Olympic không thể vội vàng và mong muốn đốt cháy giai đoạn. Cần có sự đầu tư bài bản, cộng với thời gian và không thể thiếu là đầu tư ban đầu. Tính sơ sơ, 1 VĐV tập kiếm vào thời điểm này sẽ phải đầu tư khoảng 1.500 USD cho trang phục và thiết bị tập luyện, chưa kể chi phí khác. Môn này khá tốn kém, trong khi lại không thể giành thành tích ngay nên phải rất kiên trì trong quá trình đào tạo”, ông Phùng Lê Quang cho biết.

* Ngoài những tiêu chí thông thường trong chọn VĐV đấu kiếm, có một tiêu chí rất “dị”, đó là VĐV phải có sải tay dài tối thiểu là 1m70 và chiều dài sải tay phải hơn chiều cao tối thiểu 5cm. Đây là lý do duy nhất khiến cho việc tuyển chọn không có hiệu quả cao và thậm chí có những VĐV đấu kiếm được chuyển sang từ môn bóng chuyền.

* Mức đầu tư kinh phí của Tổng cục TDTT cho việc tập huấn và thi đấu nước ngoài của môn đấu kiếm đang tăng theo cấp số nhân hàng năm. Con số cụ thể không được tiết lộ, nhưng kinh phí năm 2015 đã cao gấp 1,5 lần so với năm 2014 và theo đánh giá, đấu kiếm đang là một trong số những môn nhận đầu tư “khủng” của TTVN.

* 2 kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật và Vũ Thành An hiện là 2 đại diện của môn đấu kiếm trong danh sách đầu tư trọng điểm của Tổng cục TDTT năm 2015. 2 kiếm thủ này được hưởng chế độ ăn 400.000đ/người/ngày và mức tiền công tập luyện 400.000đ/người ngày.


Vũ Lê (Singapore)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link