13/07/2014 19:11 GMT+7 | Chung kết
Hãy tự trả lời câu hỏi của mình, để nhắc nhớ lại, mình đã bắt đầu yêu bóng đá từ độ tuổi nào và từ ấy tới nay, dù “cuộc đời World Cup” đã theo chân mình bằng những diện mạo khác nhau quá đỗi nhưng ta vẫn luôn chờ đợi, và chờ đợi, và chờ đợi, nhiều khi chỉ một điều duy nhất.
Bóng đá còn đầy rẫy bất công
Tôi đã bắt đầu “cuộc đời World Cup” của mình từ năm 1982, từ một trưa Chủ nhật, xem trận đấu được phát lại trên chiếc TV đen trắng, ở nhà ông nội, bên cạnh ông nội và các chú. Đó là một buổi trưa phản chiếu lại buổi chiều Seville, khi Đức vượt qua Pháp ở bán kết và trọng tài Charles Corver không phạt thẻ đỏ thủ thành Schumacher ở phút 50, đồng thời cho Pháp được hưởng quả đá phạt khi Battiston bị đánh ngã đến bất tỉnh.
Trong đầu óc non nớt của đứa bé 6 tuổi, tôi đã chưa thể hình dung ra vì sao người trọng tài có thể quyết định như thế. Tôi chưa có quan niệm nào rõ ràng về cái gọi là bất công cả. Tôi chỉ tiếc, tiếc cho đội bóng mà cha chú mình đã truyền lại cho mình một tình yêu về thứ bóng đá ‘hào hoa, lãng mạn’.
Và chính thức, tôi ngập mình trong World Cup từ Mexico 1986, với nỗi thất vọng tràn trề khi Pháp lại thất bại trước Đức, lại ở bán kết, lại vẫn là cái chết của thứ bóng đá hào hoa, phong nhã. Để rồi, 12 năm sau, khi đã trưởng thành, tôi cảm thấy được đáp đền khi Pháp vô địch. Nhưng cũng giật mình nhận ra, cái ‘hào hoa, phong nhã’ đã khiến mình đeo đuổi họ cũng không còn nữa.
Giữa thằng bé 6 tuổi của chiều Seville định mệnh, và người đàn ông ở ngưỡng bốn mươi của Brazil 2014 này, đã có những điều rất khác trong mắt nhìn bóng đá. Thằng bé đã xa rồi, còn người đàn ông thì hiểu, bóng đá vẫn luôn tồn tại đầy những bất công.
Đằng sau cuộc chơi
Ngay từ trận mở màn của Brazil, khi Neymar thúc cùi chỏ vào một cầu thủ Croatia, anh chỉ bị nhận thẻ vàng thay vì thẻ đỏ, tôi đã thấy đó là chuyện bình thường của thế giới bóng đá. Rồi ngay cả khi Pháp gặp Đức, và Griezman bị xô ngã trong vòng cấm nhưng không có tiếng còi nào nổi lên, tôi cũng hiểu những vận động chớp nhoáng trong một trận cầu nhiều khi vượt qua phản xạ thông thường của trọng tài, một người bình thường như muôn người.
Hiểu và chấp nhận rằng, bóng đá vẫn tồn tại những sai lầm dẫn đến bất công. Và chuyện theo đuổi một thứ công bằng, cũng chỉ là điều vô cùng phù phiếm, phù phiếm không khác gì tôi và ai đó cứ còn mơ mãi về bóng đá lãng mạn và hào hoa của người Pháp.
Và tôi, ở cương vị của một người làm nghề báo, cũng cảm thấy cái việc sử dụng công nghệ goal-line là phù phiếm đến nhường nào. Công nghệ mắt thần ấy có thể ứng dụng hiệu quả ở tennis, môn chơi mà bóng trong - bóng ngoài có tác động vô cùng quan trọng và xảy ra thường xuyên. Còn ở bóng đá, nơi người dứt điểm chỉ thích nhìn lưới rung, chuyện bỏ cả chục triệu USD để tìm được dưới 5 bàn thắng ma một mùa giải, rõ ràng cũng phù phiếm quá.
Cuộc đời chúng ta, mỗi World Cup qua đi, rồi ta lại quay về với mưu sinh, với thực tại cuộc sống, những thứ chẳng thể nào có thể phù phiếm được. Ai vô địch? Xứng đáng không? Công bằng không? Tất cả sẽ chỉ là câu hỏi bị lãng quên vì ai cũng cần cơm ăn và áo mặc.
Nhưng bước ra ngoài phố chợ, nhìn người phụ nữ bán rau, vẫn có thể đeo chiếc bông tai vàng 24k bé xíu, thứ rõ ràng là phù phiếm đối với đời sống thường nhật của bà, có khi ta lại thấy rằng cuộc đời không chỉ có cơm ăn và áo mặc. Cuộc đời, vẫn rất cần những điều phù phiếm.
Như tôi và bạn thôi, vẫn cần sự công bằng tuyệt đối cho mỗi trận đấu; vẫn cần một hình ảnh đẹp đúng nghĩa của đội bóng trong tim mình, dù ta vẫn biết rằng, đằng sau cuộc chơi, ta lại về với đời, cần lao và lam lũ…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất