Bóng đá nữ Việt Nam khó vượt ngưỡng

06/10/2014 15:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dù có những lúc thăng hoa làm nức lòng người hâm mộ nước nhà, nhưng những gì đang diễn ra cho người ta cảm nhận dường như bóng đá nữ Việt Nam đã cán mốc giới hạn.

1. Xem ASIAD 17 vừa kết thúc ở Hàn Quốc, có lẽ nhiều người đã hiểu tại sao nếu CHDCND Triều Tiên không bị FIFA cấm không cho dự World Cup 2015 vì doping thì Thái Lan hay Việt Nam khó lòng chen chân vào tốp 5 châu lục.

Ở vòng bảng, Triều Tiên đá như dạo chơi vẫn thắng đậm thầy trò HLV Mai Đức Chung 5 bàn không gỡ. Sự áp đảo của Triều Tiên đến nỗi đội tuyển Việt Nam cả trận đấu chỉ tung được 1 cú sút xa trúng đích khung thành đối phương. Cùng với những Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc thì Triều Tiên là tên tuổi lớn thật sự của bóng đá nữ châu lục.

Việc đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu làm nên lịch sử khi lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất châu Á ở sân chơi ASIAD là thành tích đáng khen ngợi và tự hào. Nhưng nếu sắp tới Australia chính thức gia nhập sân chơi này thì rất khó để đội tuyển nữ Việt Nam làm được điều tương tự.

Thua Nhật Bản ở bán kết là kết quả được báo trước với thầy trò HLV Mai Đức Chung, hệ quả tất yếu của 2 nền bóng đá khác biệt nhau như trời vực. Các cô gái Việt Nam có thể ngẩng cao đầu rời cuộc chơi khi đối thủ của họ là những người ngự trị trên đỉnh cao thế giới chứ không còn loanh quanh châu lục nữa. Hơn nữa, trong tay HLV Mai Đức Chung là các cầu thủ thiếu thốn đủ bề chứ không được như những đồng nghiệp xứ bạn sống vương giả với nghề nghiệp.

Việc đội tuyển nữ Việt Nam trả nợ được Thái Lan là chiến quả ngọt ngào nhất, làm thỏa lòng mong đợi của hàng triệu CĐV nước nhà. Xét về mọi điều kiện, bóng đá nữ Việt Nam có xuất phát điểm cùng Thái Lan, nhưng lại đang có dấu hiệu tụt hậu với nước bạn.

Thái Lan giờ không chỉ có 5, 6 CLB chuyên nghiệp duy trì như ở Việt Nam, họ có đến 2 hạng đấu dạng như V-League và hạng Nhất của Việt Nam. Ngoài ra, các đội trẻ U19 cũng được duy trì và thử sức thường xuyên.

Trong khi đó, các cô gái Việt hàng năm chỉ được dự 1 giải đấu VĐQG, thời gian thi đấu chỉ khoảng 2 tháng. Chưa kể lại không có chuyện lên xuống hạng. Năm nào may mắn họ được cọ xát nhiều hơn ở Đại hội TDTT toàn quốc.

Để ý rằng khi bóng đá nam thời hoàng kim, các cầu thủ nam được hưởng mức đãi ngộ trên trời thì nhìn sang các cầu thủ nữ, chưa bao giờ họ được như các đồng nghiệp nam.

Tức là khi nền kinh tế hào nhoáng hay khó khăn như hiện tại, mức lương thưởng mà họ nhận được cũng như nhau, mà như phát biểu của các cầu thủ nữ “đủ sống là tốt rồi chứ không dám mong gì hơn”.

Với các cầu thủ nữ, thời điểm họ sung sướng nhất có lẽ là khi được triệu tập vào làm nhiệm vụ ở ĐTQG, nơi chế độ đãi ngộ có khá hơn và quan trọng nữa, họ được đi tập huấn đây đó để biết thêm nhiều điều thú vị.

Rất nhiều chị em đã thẫn thờ sau thất bại trước Thái Lan tháng 5 vừa qua và để tuột vé dự World Cup, đồng nghĩa với chuyện họ đánh mất đi không ít tiền thưởng lẫn những sự đầu tư tốt như hứa hẹn.

May mắn cho chị em khi trong cơn thịnh nộ của dư luận với bóng đá nam những năm gần đây bùng phát, các cô gái đá bóng mới được nhìn nhận tích cực hơn. Họ cũng có thêm những khoản thưởng nóng để làm niềm vui trước khi trở về thực tại khó khăn của mình.

2. Bóng đá nữ Việt Nam đang được trẻ hóa và với những gì thầy trò HLV Mai Đức Chung đã làm được ở ASIAD 17, đó có thể xem là thành công mỹ mãn. Nó khỏa lấp đi ít nhiều mối lo về chuyện ngày càng mai một của bóng đá nữ, như 1 cựu tuyển thủ Việt Nam từng thừa nhận: “Chỉ có các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, quê ở các tỉnh nghèo khó vùng nông thôn mới nghĩ đến chuyện đá bóng để đỡ vất vả hơn. Với họ, được đi đá bóng và được người ta lo cho chỗ ăn ở đã là điều tốt lắm rồi, thay vì hàng ngày phải ở nhà để ăn bám gia đình, lại không có thu nhập gì”.

Điển hình như các cầu thủ TP.HCM hiện tại hiếm người có gốc gác TP.HCM và HLV của CLB cũng đau đầu với việc tìm cầu thủ chất lượng bổ sung cho đội nữ TP.HCM. Đó là một nguyên nhân chính khiến CLB TP.HCM không thể có thành tích cao trong nhiều năm liên tiếp gần đây.

Bóng đá sân 11 người đã khó khăn, các cầu thủ nữ futsal Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Dù thường xuyên tham gia nhiều giải đấu cấp ĐT nữ QG nhưng ở Việt Nam chưa có một CLB futsal nữ bài bản. Thông thường các CLB có đội futsal như Phong Phú Hà Nam hay Hà Nội thì lực lượng chủ yếu là từ đội 11 người đưa sang.

Khi giải VĐQG chưa khởi tranh thì các cầu thủ này sẽ được chuyển sang chơi futsal và dự giải để duy trì phong độ. Ở giải futsal nữ TP.HCM mở rộng 2014 vừa kết thúc ở nhà thi đấu Thái Sơn Nam Quận 8, BTC vận động mãi cũng chỉ có 5 CLB dự giải. Ngoài Quận 8, Phong Phú Hà Nam và Hà Nội là 3 CLB quen thuộc ở giải này thì những U&I hay Ghosts Team là những đội bóng được hình thành tự phát.

Cầu thủ của 2 CLB này là những cựu tuyển thủ giờ đã có công việc và tập hợp nhau lại để duy trì niềm đam mê. Họ cũng may mắn khi nhận được sự tài trợ ít ỏi của doanh nghiệp.

Về phần CLB Hà Nội, do thiếu vắng những cầu thủ đang dự ASIAD 17 cùng đội tuyển nữ Việt Nam nên họ thua kém rất nhiều so với những năm trước đây. Đội nữ được đánh giá cao nhất là Quận 8 lâu nay cũng hoạt động nhờ kinh phí của TP.HCM và một phần hỗ trợ của Thái Sơn Nam, chưa được gắn danh chuyên nghiệp.

Đội nữ Quận 1 năm nay quyết định không tham gia vì không đủ cầu thủ. Các cầu thủ tốt nhất phải tập trung cùng CLB TP.HCM chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm.

Giải futsal vô địch TP.HCM mở rộng vừa kết thúc là giải đấu hiếm hoi dành cho các cầu thủ nữ tranh tài. Ông Nguyễn Trọng Thảo, trưởng phòng Bóng đá futsal và phong trào của VFF, cho biết: “Do năm nay, Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra trùng với thời điểm dự kiến giải futsal nữ VĐQG khởi tranh nên chúng tôi quyết định không tổ chức giải VĐQG nữa mà để các tỉnh thành tập trung cho Đại hội”.

Như thế, trong năm 2014, các cô gái futsal chỉ có 2 giải đấu để thi thố tài năng của mình. Cũng ở 2 giải đấu này, đội tuyển nữ QG sẽ được thành lập để chuẩn bị cho VCK futsal châu Á 2015.

Những gì đang diễn ra như đã đề cập với bóng đá nữ Việt Nam có lẽ chỉ càng tôn vinh giá trị của những cô gái đá bóng. Nhưng nếu không có bất cứ cú hích nào cho họ trong tương lai gần, kỳ tích khó lòng tạo ra nếu chỉ sống dựa vào hy vọng.

Sau thành công của VCK futsal nam châu Á 2014 vừa qua, AFC rất ấn tượng với công tác tổ chức của nước chủ nhà và đề nghị VFF tiếp tục đứng ra đăng cai VCK futsal nữ châu Á dự kiến vào tháng 3/2015.

Dù rất vinh dự nhưng VFF đang cân nhắc khả năng nhận lời, bởi lẽ kinh phí tổ chức giải là rất lớn, trong khi nguồn thu rất hạn chế. Kinh nghiệm ở VCK futsal nam châu Á vừa qua cho thấy BTC nước chủ nhà lỗ nhiều hơn lời, vì BTC nước chủ nhà phải đảm bảo chuyện ăn ở cho các đội bóng về dự giải rất đắt đỏ, như việc cho họ ở khách sạn 5 sao.

Nhà thi đấu Tân Bình hay Phan Đình Phùng chỉ là sân tập, có đội còn yêu cầu tập tại nhà thi đấu Phú Thọ (nhà thi đấu tốt nhất TP.HCM hiện tại) mới đảm bảo. Trong khi BTC nước chủ nhà chỉ thu lại được khoản tiền từ bán vé ít ỏi thì những chi phí phải trả khác như sân bãi hay việc không được khai thác bản quyền truyền hình càng khiến BTC đau đầu.


Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link