06/07/2014 14:45 GMT+7 | Tứ kết
1. Trước hết, tôi sẽ nghĩ ngay đến trường hợp của… Pele. Sau khi góp sức đáng kể vào chức vô địch thế giới lần đầu của Brazil ở Thụy Điển năm 1958 khi chưa tròn 18 tuổi, Pele là niềm hy vọng lớn nhất của Brazil trong chiến dịch bảo vệ ngai vàng ở Chile bốn năm sau đó. Tuy nhiên, chấn thương nặng ngay trong trận đầu tiên gặp Mexico đã khiến ông phải nghỉ hết giải, tạo điều kiện cho Garrincha trở thành cầu thủ đầu đàn dẫn dắt Brazil đến danh hiệu vô địch thế giới lần thứ hai.
Với Brazil hiện tại, Felipe Scolari chắc phải tìm nát óc mới ra được phương án không Neymar. Nếu chỉ đơn thuần về mặt con người, Scolari có thể cho Bernard bước vào đội hình chính. Về lối chơi, Scolari có thể đưa Oscar trở ra cánh trở lại như hồi đầu giải để không phải bỏ bớt ai trong cặp Fernandinho – Paulinho khi Gustavo trở lại trong trận bán kết gặp Đức. Và Hulk sẽ là Garrincha của năm nào?
2. Nhưng phải chi, Neymar đừng chấn thương – rạn xương sống vùng thắt lưng – thì fan Brazil chẳng cần phải hy vọng vào một tiền lệ xấu (đã xảy ra: Neymar nghỉ hết giải như Pele) để có một kết cục đẹp (Vô địch thế giới: chưa biết). Tôi không cho rằng cú thúc gối của Juan Zuniga là một động tác vô tình trong tranh chấp, và ông trọng tài Carlos Velasco người Tây Ban Nha cũng phải gánh trách nhiệm.
Ở vòng bảng, ông Velasco đã từng gây tranh cãi khi không đuổi Diego Godin bằng chiếc thẻ vàng thứ hai khi thủ quân của Uruguay đã thúc cùi chỏ vào cổ Daniel Sturridge ở phút 30. Liệu, có phải do chỉ thị của FIFA – hạn chế rút thẻ trong hiệp một, đã khiến hầu hết các trọng tài đều nhát tay? Và hậu quả là những pha chơi xấu không những không dừng lại mà còn leo thang, từ giả vờ ngã đến đốn giò, từ thục chỏ vào mặt đến thúc gối vào lưng… Nếu như những trọng tài đẳng cấp (hiếm hoi) như Nicola Rizzoli của Ý hay Bjorn Kuipers của Hà Lan vẫn có thể kiểm soát trận đấu mà không cần rút thẻ nhiều thì những trọng tài ít kinh nghiệm hơn thường bị cầu thủ “ăn tươi nuốt sống”, như trường hợp của các ông Peter O’Leary của New Zealand hay Mark Geiger của Mỹ.
3. Đất nước Brazil đã đi đến một giai đoạn mà toàn dân đồng lòng cho danh hiệu vô địch thế giới, dù cho Scolari có chọn lối đá gai góc đến cỡ nào đi chăng nữa.Thắng Colombia, thật ra là trận hay nhất của Brazil từ đầu giải, đặc biệt là hiệp một. Lần đầu tiên tôi thấy được một Brazil đá tốc độ, phối hợp có bài, và trở lại với những pha đánh thẳng trung lộ truyền thống.
Cũng may là Brazil không mất Neymar ngay từ trận đầu như mất Pele hồi năm 1962. Khi đó, tình hình có thể tệ hơn rất nhiều với Brazil, vì lúc đó cả nước vẫn còn bị phân tâm bởi những rắc rối bên ngoài bóng đá, và đặc biệt là chưa bị cuốn vào nhịp chiến thắng của đội tuyển. Nhưng giờ đây, Brazil chỉ còn cách thiên đàng hai nấc thang.
Brazil cứ thắng 1-0, ai ghi bàn cũng được, rồi vô địch thế giới. Tôi nghĩ, niềm vui mà nó mang lại cho người Brazil là rất lớn, không đong đếm được. Ngay cả những người lãng mạn nhất cũng chẳng muốn đội nhà đá đẹp như mơ để rồi thua 3-4 hay 4-5 trong một trận bán kết hay chung kết. Sự khác biệt giữa hai chữ thắng – thua là vậy.
Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất