23/10/2018 13:36 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Huyền thoại người Pháp Catherine Deneuve vừa tròn 75 tuổi hôm qua (22/10). Bà là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh châu Âu và từng để lại dấu ấn qua hàng loạt phim, trong đó có Đông Dương, bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam thập niên 1930.
Deneuve từng làm việc với những đạo diễn nổi tiếng như Luis Bunuel và Roman Polanski. Bà nằm trong số những huyền thoại “tóc vàng” (còn có Kim Novak, Grace Kelly và Tippi Hedren) mà đạo diễn Alfred Hitchcock gửi gắm cho các vai nữ chính trong các kiệt tác điện ảnh của ông.
Từ những vai diễn để đời
Dù vậy, Deneuve không phải là người có mái tóc vàng tự nhiên mà có mái tóc nâu đen. Hồi năm 1963, đạo diễn Roger Vadim khẳng định, Deneuve (lúc đó khoảng 20 tuổi) đã nhuộm tóc vàng cho vai diễn Justine đức hạnh trong phim Vice and Virtue. Vadim nói rằng mái tóc vàng khiến Deneuve hồn nhiên hơn. Justine trong phim Vice and Virtue đã trở thành vai diễn đáng chú ý đầu tiên của nữ diễn viên sinh ra ở Paris này.
Tiếp đó, việc đóng phim Belle de Jour (1967) của Luis Bunuel giúp Deneuve thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc cũng như tài năng diễn xuất của mình. Trong phim, Deneuve thủ vai một phụ nữ tư sản trẻ trung có vẻ đẹp quý phái, kiêu sa, đẹp đến lạnh lùng. Vợ chồng cô yêu nhau nhưng cô không đạt được hứng thú khi quan hệ với chồng, bác sĩ Pierre Serizy (Jean Sorel). Cô thường mơ những giấc mơ quái đản, ở nơi đó cô bị bạo hành, tra tấn, hãm hiếp. Để giải quyết ám ảnh về tình dục, Severine tìm đến nhà chứa trên và làm việc hàng ngày từ 14 giờ đến 17 giờ, kịp về nhà vào buổi tối để chồng không biết…
Nhìn lại, ở thời điểm hơn 40 năm trước, một bộ phim như Belle de Jour còn thách thức dư luận hơn nhiều so phim 50 sắc thái của Grey (50 Shades of Grey), quả bom tấn năm 2015 được dàn dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ E.L. James.
Sự thách thức ở đây nằm ở khả năng diễn xuất tuyệt vời của Deneuve. Hóa thân vào nhân vật, cô vừa tỏ ra nhút nhát với đôi mắt nai ngơ ngác, vừa cho thấy một quyết tâm sắt đá không chút rụt rè để thỏa mãn dục vọng của mình.
Ngoài ra, cũng phải kể đến vai diễn một phụ nữ trẻ bị hành hạ trong phim gay cấn Repulsion (1965 - đạo diễn Roman Polanski) của Deneuve. Với khả năng diễn xuất tuyệt vời trong phim này và Belle de Jour, Deneuve luôn giành được sự tôn vinh trong cao lịch sử điện ảnh. Đặc biệt, trong cuối những năm 1960 Deneuve ngự trên đỉnh cao danh vọng với vai diễn trong các kiệt tác Mississippi Mermaid của Francois Truffaut và Tristana của Luis Bunuel.
Deneune luôn thích hóa thân vào những vai diễn mang đến cho người xem góc nhìn mới về vực thẳm sau vẻ ngoài hào nhoáng của những phụ nữ thuộc giới tư bản. Và cứ vậy, bà ngày càng khẳng định được cho mình một chỗ đứng trong làng điện ảnh với những vai diễn đầy thách thức.
Đến “cú sốc” và tranh cãi quanh phong trào #MeToo
Năm 1967, Deneuve bị cú sốc lớn khi chị gái bà qua đời. Hai chị em bà từng đóng chính trong một số bộ phim trước khi Francoise Dorleac gặp tai nạn ô tô. Deneuve không dễ dàng vượt qua cú sốc đó và đây cũng chính là lý do tại sao bà trở nên khó gần trong cuộc đời thường.
Dù trả lời nhiều cuộc phỏng vấn nhưng Deneuve ít tiết lộ về cuộc sống riêng của mình. Tuy nhiên, cũng không hẳn Deneuve xa cách công chúng. Bà từng xuất hiện trên tạp chí Playboy, từng là gương mặt đại diện trong các chiến dịch quảng cáo của Chanel, L'Oreal và Yves Saint Laurent.
Deneuve còn từng đấu tranh chống lại nạn phá thai và án tử hình cũng như nhiều mục đích xã hội khác. Gần đây nhất, bà đã gây tranh cãi khi nói về phong trào #MeToo. Deneuve không bày tỏ quan điểm theo cách nhiều người mong đợi, thậm chí còn phản ứng với sự lan tỏa của phong trào này và có những phát ngôn xúc phạm tới nhiều phụ nữ.
Điều ấy một lần nữa cho người ta thấy rõ: Deneuve luôn đề cao suy nghĩ độc lập của mình. Những vai diễn bà chọn trong những năm sau này cũng chứng minh điều đó. Các kiệt tác điện ảnh ngày càng ít đi so với thời hoàng kim của bà trong những năm 1960-1970 nhưng bà vẫn có nhiều khoảng khắc tuyệt vời trước camera.
Không giống như các ngôi sao khác, Deneuve không bao giờ nghỉ diễn quá lâu. Trong những năm 2000, Deneuve đã tham gia các phim Dancer in the Dark (2000) của đạo diễn Lars von Trier, phim hài 8 Women (2002) và Potiche (2010) của Francois Ozon và hợp tác với các đạo diễn Pháp như Andre Techine và Benoit Jacquot.
"Catherine Deneuve không chỉ xinh đẹp mà ở bà còn có một phép màu. Phép mầu ấy nằm ở khả năng lôi kéo khán giả vào rạp xem phim với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ giải mã được câu hỏi về con người của bà”.
Và một trong những dấu ấn quan trọng nhất mà Deneuve để lại: năm 1985, bà đã được chọn làm mẫu để cụ thể hóa hình ảnh nàng Mariane – biểu tượng của nước Pháp.Những bức tượng bán thân mang nét mặt của Deneuve đã được trang trí cho các tòa thị chính khắp nước Pháp trong nhiều năm liền.
Dấu ấn “Đông Dương” Trong sự nghiệp của mình, Deneuve đã đóng hơn 100 phim, trong đó có phim Đông Dương (Indochine – 1992) với bối cảnh quay ở Việt Nam. Với phim này, Deneuve đoạt thêm một giải Cesar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và được đề cử giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, trong khi Đông Dương đoạt giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Phim Đông Dương đã khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam. Phim có bối cảnh thời gian trải dài từ thập niên 1930, là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Eliane Devries do Catherine Deneuve thủ vai. Gần nhất, sau 24 năm, hồi năm 2016, phim Đông Dương đã tái ngộ khán giả Việt Nam với màn chiếu phim tại LHP Quốc tế Hà Nội - HANIFF lần thứ 4. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất