04/08/2014 14:58 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến các vụ việc tiêu cực ở Ninh Bình hay Đồng Nai, các nhà quản lý của VPF, VFF, cầu thủ, chuyên gia bóng đá đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm nhằm phân tích, đánh giá, mổ xẻ vấn đề ở nhiều góc độ. Ở một góc nhìn khác, các cầu thủ trẻ cũng có những suy nghĩ riêng.
Khi cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, xử lý vụ các cầu thủ Ninh Bình bán độ thi dư luận tiếp tục dậy sóng bởi thông tin có tới 6 cầu thủ Đồng Nai dính líu tới việc dàn xếp tỉ số trong trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Nai.
Các quan chức của VPF, VFF đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng trong việc sẽ xử lý mạnh tay đối với các cầu thủ dính “chàm” bán độ. Một số chuyên gia cảm thấy nuối tiếc và dường như không quá bất ngờ với việc vì sao các cầu thủ lại dễ dàng bán mình cho “quỷ dữ”.
Nhìn nhận vấn đề này, cầu thủ Huỳnh Văn Thanh (sinh năm 1992), nhân tố quan trọng giúp CLB Sanna.Khánh Hòa giành suất lên chơi V-League 2015, chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa:
“Đúng là môi trường bóng đá có rất nhiều cám dỗ không chỉ đối với các cầu thủ đã thành danh mà còn ảnh hưởng tới ngay cả đối với những cầu thủ trẻ. Vụ bán độ gần đây nhất của các cầu thủ Đồng Nai đâu phải lần 1, lần 2 tiêu cực mà trước đó có tới cả chục vụ.
Đáng buồn hơn là ngay cả khi trong màu áo ĐTQG, một số cầu thủ vẫn sẵn sàng bán độ chứ nói gì tới cấp độ CLB. Không biết các cầu thủ nghĩ thế nào chứ tôi từng có thời gian tập trung và thi đấu trong màu áo U17, U19, U22 Việt Nam. Mỗi lần được gọi lên tập trung là bản thân, gia đình tự hào lắm chứ. Lên ĐTQG chỉ biết cố gắng nỗ lực tập luyện, thể hiện hết khả năng và cũng xác định được rằng khi được vinh dự khoác áo ĐTQG thì đồng nghĩa với giá trị thương hiệu cá nhân được nâng cao hơn rất nhiều”.
Văn Thanh nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng đã là một cầu thủ chuyên nghiệp thì dù với bất kì lý do gì thì cũng không thể bán độ, ngay cả trong suy nghĩ. Đối với các cầu thủ trẻ tuy những cạm bẫy, cám dỗ không bủa vây lớn như ở môi trường bóng đá đỉnh cao nhưng họ vẫn cần nhận thức được tác hại của nó để biết cách phòng tránh, không bị những đồng tiền phi pháp cám dỗ dẫn tới việc bán rẻ danh dự và tự tay hủy hoại sự nghiệp”.
Đồng quan điểm với bậc đàn anh Văn Thanh, Nguyễn Quang Hải, cầu thủ xuất sắc nhất giải U17 QG năm 2014, chia sẻ:
“Nếu không có bản lĩnh, ý chí vững vàng thì một cầu thủ trẻ cũng rất dễ dính vào những tệ nạn xã hội và đôi lúc không làm chủ được bản thân và có thể nhắm mắt làm liều.
Nếu không có sự chỉ bảo sát sao của các thầy và hơn hết là bản thân mỗi cầu thủ phải tự biết nhận thức điều nào tốt, điều nào xấu.
Rõ ràng, vụ việc các cầu thủ bán độ ở Ninh Bình và Đồng Nai là những bài học đắt giá, là một tấm gương nhưng không phải để học hỏi mà là khi nhìn vào đó mỗi cầu thủ trẻ sẽ tự nhắc nhở bản thân phải biết giữ mình trước những cám dỗ nếu không muốn bị pháp luật trừng trị”.
Đức Huân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất