Cha và Con và... Thể thao Văn hóa (*)

22/08/2012 16:21 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Những năm 80 của thế kỷ 20, Quy Nhơn là một thị xã nhỏ ven biển. Thời bao cấp, đời sống thật khó khăn, cả thị xã chỉ lèo tèo vài sạp báo. Nơi ba tôi hay mua báo nhất là sạp ở bến xe nhỏ đường Trần Hưng Đạo (gần nhà ca sĩ Quang Dũng bây giờ). Một tối năm 1982, ông cầm về một tờ báo với tiêu đề Tin nhanh Espana ‘82, ông nói: “Biết con thích bóng đá nên ba mua; riêng ba rất thích font chữ và một số thông tin văn hóa trong báo”.

Từ đó, tờ báo ra mỗi tuần một kỳ trở thành người bạn thân thiết của cha con tôi!

Trước 1975, ba tôi là phóng viên của một số tờ báo Phật giáo và đấu tranh chống Mỹ - Thiệu. Năm 1973 ông từ Sài Gòn về quê nhà Quy Nhơn, chuyển sang hành nghề vẽ quảng cáo - đồng thời là Chủ nhiệm “HTX Kẻ Vẽ” Quy Nhơn. Ông là người say mê sách báo; trên chuyến bay từ Sài Gòn về Quy Nhơn trong hành lý có đến… 6 thùng giấy đựng sách báo do ba tôi viết và sưu tầm.

Năm 1984 - tôi học cuối cấp 3, nhưng không khí của EURO 1984 cũng cuốn hút tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh thần tượng Platini - thủ quân đội tuyển Pháp - với đôi mắt xanh biếc và khuôn mặt đẹp như hoàng tử cùng với 3 người đồng đội Giress, Ferdinan, Tigana tạo thành bộ tứ huyền thoại đưa Cúp vàng EURO về Pháp. Tôi cất giữ số báo tổng kết EURO 1984 này thật kỹ, cả đến khi học đại học và ra trường làm giảng viên. Tiếc rằng qua nhiều lần chuyển nhà, thùng sách báo có chứa các số báo TT&VH đầu tiên do bị ngâm nước triều cường nên mục nát, thật tiếc!

Lê Sa Long tham dự cuộc thi Nhật ký EURO bằng tranh của TT&VH bằng bức tranh độc đáo: TT&VH - người đưa thông tin mọi nơi

Năm 1991, khi báo có tên là TT&VH thì cha con tôi cũng có chỗ mua báo ổn định. Đó là sạp báo mới trên đường Lê Hồng Phong của chị Châu (ông xã chị là Trưởng đại diện Thông tấn xã VN tại Bình Định). Nhờ vậy, ba tôi không phải lo hết báo như mấy lần mua trễ như trước. Ba tôi có thói quen sắp xếp cứ 40 tờ báo lại thành 1 tập và lưu vào giá sách. Thời kỳ ấy rất khó khăn, nhà tôi phải thường xuyên ăn cơm độn bo bo hoặc “bánh xe lịch sử” (bột củ mì tươi đập bẹp đem hấp). Có lúc nhà hết gạo đong, ba tôi phải gọi má bán dần đi sách của mình (dù ông tiếc lắm). Nhưng ông nhất quyết không cho ai động đến các tờ báo TT&VH. Năm 1992, tôi vào Sài Gòn và trong hành trang của mình là một số tờ TT&VH đầu tiên và TT&VH Xuân.

Ông thường nói: “Ba mê TT&VH vì báo đưa những thông tin nhanh nhạy có tính chất tổng hợp, nhiều bài dịch hay. Không những thể thao mà mảng văn hóa cũng được các chuyên gia nổi tiếng như Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Vương Trí Nhàn… chăm chút. Họ viết hay và chuyên nghiệp. Ba đã từng là ký giả nên có thể khẳng định điều đó”.

Ông ưa xem chuyên mục văn hóa như Thói hư tật xấu của người Việt - Vương Trí Nhàn viết, chuyên đề Tiếng nói hình và sắc của Nguyễn Quân, Nghệ thuật ngày thường mà lúc đó họa sĩ Phan Cẩm Thượng chưa in thành sách, Câu chuyện chị thỏ bông của  Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh), chuyên mục Mỹ thuật VN như tứ trụ danh họa Nghiêm, Liên, Sáng, Phái… Tôi thì ghiền chuyên mục bóng đá, bài viết của Anh Ngọc, mê cách viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh của Nam Đan, Lê Thị Liên Hoan, góc biếm họa... Riêng em trai tôi thì khoái chuyên mục âm nhạc, nhất là nhạc rock, và đặc biệt là giải Cống hiến.

Qua TT&VH tôi gặp lại một trong những “thần tượng” thuở xưa. Những năm cấp 2 tôi may mắn được học thể dục với thầy Phan Kim Lân (Lân vẽ), và cũng là đội trưởng đội bóng đá công nhân Nghĩa Bình nên tôi được thầy cho vào sân coi “cọp”. Tiền đạo Đặng Gia Mẫn (Mẫn lùn) gốc Hà Nam Ninh vào dạy Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn từ 1978 đến 1985 nổi tiếng với những cú đi bóng tốc độ sát biên rồi bất thần ngoặt bóng chuyền nhanh vào vùng cấm địa cho đồng đội ghi bàn. Sau này, từ 2002 đọc các bài bình luận bóng đá sắc sảo uyên bác mà lại rất ư là “văn học” của “thầy Mẫn” tôi lại thầm nghĩ Ban biên tập quả có con “mắt xanh”!

Do một cơn bạo bệnh, ba tôi đã ra đi cách đây vài năm. Tuy nhiên trong nhà tôi không lúc nào thiếu sự có mặt của tờ TT&VH vì thay thế ba tôi đã có em tôi mua.

Năm rồi khi về Quy Nhơn tôi có ghé lại sạp báo chị Châu và mua 2 tờ báo TT&VH. Chị nói: “Sao chị thấy em trai Long lúc nào cũng mua 2 tờ TT&VH và bây giờ Long cũng mua 2 tờ. Bộ tặng ai nữa chăng?”. Tôi trả lời: “Dạ, một tờ cho em. Một tờ nữa khi ra mộ chúng em hỏa thiêu, cho ông cụ có thể “đọc” tờ báo thân yêu - người bạn thân thiết gần 30 năm của ông”.

Tôi thấy chị rưng rưng và khẽ nói: “Có lẽ thấy tờ báo thân thương ngày càng hay hơn, đẹp hơn chắc bác trai nơi phương xa cũng vui lắm, em nhỉ?”.

(*) Bài trong chùm 2 bài đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm TT&VH

Lê Sa Long (Giảng viên Mỹ thuật, Đại học Mở TP.HCM)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link