06/07/2011 11:30 GMT+7
(TT&VH) - Một sự cố có lẽ chưa từng xảy ra đã xảy ra làm chấn động cả kỳ thi năm nay. Đó là việc giám thị ký nhầm vào bài thi của 24 thí sinh tại phòng thi ở Nha Trang, Khánh Hòa. Sự nhầm lẫn này không phải là điều quá tai hại.
1. Nhưng cách thức xử lý của hai giám thị ngay sau đó đã đưa đến kết quả vô cùng tệ hại. Đó là yêu cầu 24 thí sinh đó phải chép lại bài thi sang tờ giấy khác khi thời gian chỉ còn 60 phút (mới thi được 120 phút). Kết quả là khủng hoảng tâm lý đã xảy ra, và các thí sinh không thể hoàn thành được bài thi.
Nhầm lẫn là điều có thể xảy ra ở bất cứ đâu, kể cả ở những ngành nghề đòi hỏi sự nghiêm cẩn, chính xác nhất. Trong chúng ta không ai dám chắc là mình không bao giờ “ký nhầm” vào ô chữ ký dành cho... sếp, hoặc dành cho nhân viên thu ngân khiến công văn, giấy tờ hoặc hóa đơn phải viết lại. Vì vậy sự nhầm lẫn của hai giám thị, dù rất đáng tiếc, nhưng có thể hiểu được, bởi họ “có lỗi nhưng không có tội”.
Thí sinh trước giờ thi môn Toán - Nguồn: Internet
2. Vấn đề đặt ra là tại sao họ lại có phương án “chữa cháy” là bắt học sinh chép lại? Theo tôi, đó chính là cách tư duy lệch lạc về trách nhiệm. Đặt vào trong hoàn cảnh của họ, tôi đồ rằng, sau khi phát hiện ra sai lầm “chết người” của mình, hai vị giám thị kia nghĩ rằng, nếu cứ để bài thi đó thì sơ suất của họ sẽ “vỡ lở” (vì kiểu gì cũng phải báo cáo về Hội đồng thi, rồi tách riêng các bài thi đó ra để chấm, chưa kể sự nhầm lẫn này phải báo cáo lên Bộ, rồi thì “quan trên nhìn xuống người ta trông vào”). Từ đó họ nghĩ quẩn, bắt học sinh chép lại bài thi sang tờ giấy trắng khác. Có lẽ họ nghĩ rằng, với cách giải quyết đó, thì coi như chẳng có sơ suất gì xảy ra, và kết quả coi thi của họ sẽ trở lại sạch tinh như tờ giấy trắng (chưa ký nhầm).
Rõ ràng đó là cách tư duy trách nhiệm mang đầy tính vị kỷ (chỉ biết đến mình, chỉ mong xóa lỗi mình) bất kể đến những hệ lụy xảy ra đối với người khác. Nếu họ có cái tư duy trách nhiệm hướng về thí sinh, thì họ sẽ phải thấy rằng đảm bảo tâm lý, thời gian thi cho thí sinh mới là điều cốt tử, bởi đằng sau bài thi là số phận của bao con người (tôi phải dùng từ số phận vì tính chất khắc nghiệt của thi vào đại học thời nay). Với tư duy trách nhiệm như thế, thì họ chỉ việc báo cáo với Hội đồng thi, thừa nhận sai sót và rồi mọi việc sẽ đơn giản biết bao: các bài thi bị ký nhầm sẽ tổ chức chấm riêng, công khai. Chắc chẳng ai nỡ kỷ luật nặng nề đối với một sự nhầm lẫn không phải cố ý. Đằng này...
Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án xử lý tình hình kết quả là 21/24 thí sinh chấp nhận tăng 30% số điểm vào bài thi. 3 thí sinh còn lại chọn phương án thi lại môn Toán bằng đề dự phòng vào chiều 5/7. Tôi đồ rằng cả 2 phương án này đều chỉ là tình thế, không thể đảm bảo công bằng một cách tuyệt đối, bởi cách cộng thêm 30% điểm vì các em mới chỉ làm được 60% thời gian là một cách tính hoàn toàn cơ học. Chắc ai đi thi cũng hiểu rằng, tốc độ làm bài thi không phải bao giờ cũng dàn đều theo thời gian. Nhưng sự mệt mỏi nhất chính là tâm lý thí sinh, vì ai cũng hiểu rằng ngay trong môn thi đầu tiên mà chẳng xuôi, phải khiếu nại kiện cáo như vậy thì thí sinh còn tâm sức đâu mà thi 2 môn còn lại? Những thiệt hại đó, ai có thể bù cho các em này?
3. Với tư duy trách nhiệm như vậy, thì có lẽ Quy chế thi của Bộ có chặt chẽ đến mấy cũng không ngăn được những sự cố bất thình lình xảy ra.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất