29/11/2013 07:27 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tarun Tejpal, người đàn ông ở trung tâm của một vụ bê bối tấn công tình dục mới đang thu hút sự chú ý của báo giới Ấn Độ, không phải là một kẻ tầm thường. Ông ta là một trong những nhà báo quyền lực nhất nước.
Vụ việc chống lại Tejpal, sáng lập viên kiêm Tổng biên tập tờ tạp chí điều tra hàng đầu Ấn Độ Tehelka, đã xuất hiện trên Internet hồi tuần trước. Đó là khi một lá thư điện tử từ một nữ phóng viên 23 tuổi gửi tới cho cấp trên của cô bị rò rỉ.
Sự thật bị chôn giấu
Cô gái cáo buộc Tejpal đã tấn công tình dục mình 2 lần, trong thang máy của một khách sạn. Vụ việc xảy ra tại bang Goa của Ấn Độ, trong một sự kiện có sự tụ hội của nhiều học giả, nhà hoạt động và người nổi tiếng, gồm diễn viên Robert De Niro tới từ Hollywood.
Nữ phóng viên không đâm đơn kiện Tejpal, nhưng cảnh sát đã mở cuộc điều tra dựa trên thông tin báo chí cung cấp. Tejpal có thể sẽ phải ra tòa vì tội xâm hại tình dục và hiếp dâm.
Việc Tarun Tejpal bị cáo buộc lạm dụng tình dục đang thu hút sự chú ý lớn của báo chí Ấn Độ
Tejpal sau này có thừa nhận trong một lá thư điện tử khác gửi tới ban lãnh đạo tạp chí, cũng bị rò rỉ ra ngoài, rằng một "sự kiện không may" đã xảy ra giữa ông ta và nữ phóng viên. Ông ta mô tả sự việc là "lầm lẫn về cách hành xử". Nhưng trong một tuyên bố gần đây gửi tới một tòa án Delhi, ông ta lại nói rằng chuyện xảy ra là do đôi bên cùng tự nguyện.
Vấn đề nằm ở chỗ cáo buộc Tejpal tấn công tình dục một đồng nghiệp đã làm hé lộ điều được các luật sư nhận xét là một sự thật bị chôn giấu: hoạt động phạm tội kiểu này rất thường xảy ra trong các tầng lớp cao nhất của xã hội Ấn Độ.
Những con quỷ có quyền lực
Cuộc điều tra nhằm vào Tejpal đã thu hút sự chú ý của báo giới trong 8 ngày trời, với mọi diễn biến đều được đưa tin. Nó xảy ra chỉ vài ngày sau khi một nữ thực tập sinh đưa ra các cáo buộc tương tự nhằm vào một thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ đã về hưu.
Nạn nhân, nữ thực tập sinh Stella James, cho biết viên thẩm phán đã phạm tội trong một khách sạn ở New Delhi, vào tháng 12 năm ngoái, thời điểm người Ấn Độ đang sôi sục vì một hiếp dâm tập thể ở thành phố này khiến nạn nhân thiệt mạng.
"Tôi sẽ không đi vào chi tiết kinh khủng, nhưng có thể nói rất lâu sau khi tôi rời khỏi căn phòng, ký ức vẫn ở lại và vẫn bám lấy tôi" - James viết trên blog của cô. Ban đầu cô không muốn kể lại chuyện vì sợ làm hỏng danh tiếng của vị thẩm phán nọ. Nhưng giờ cô muốn nói ra để các cô gái khác không lâm vào tình huống như mình.
Người biểu tình đốt ảnh của Tejpal để thể hiện sự phẫn nộ
Với quan chức cố vấn pháp luật hàng đầu của chính quyền là Indira Jaising, cả hai vụ việc đều cho thấy một điều rõ ràng: phụ nữ rất khó để kiện đồng nghiệp ở nơi làm, nhất là khi những kẻ bị kiện là các cá nhân quyền lực, không thường bị người khác thách thức quyền lực của mình.
"Tôi nghĩ quấy rối tình dục ở nơi làm thâm nhập khắp Ấn Độ, nhưng văn hóa im lặng cũng lớn không kém" - Jaising nói với Reuters - "Đó là lý do vì sao 2 vụ việc đều quan trọng. Nếu chúng ta không thể xử lý hai vụ này, chúng ta sẽ có một đất nước thất bại".
Phụ nữ chưa được khuyến khích tự bảo vệ
Cách đây 3 tháng, một nhà lãnh đạo tinh thần của Hindu giáo là Asaram Bapu cũng bị bắt vì tội lạm dụng tình dục một bé gái đang ốm. Ông ta phạm tội bằng cách vờ xua đuổi các linh hồn tội lỗi đang "ẩn náu" trong cơ thể bé.
Nhưng phải tới trường hợp của Tejpal, người ta mới thực sự tranh cãi nảy lửa về tình trạng phạm tội tình dục chống lại phụ nữ, vốn được nêu ra lần đầu trong vụ hiếp dâm tập thể và sát hại nạn nhân, một cô gái trẻ mới 23 tuổi, ở Delhi cách đây 11 tháng.
Vụ đó, vốn khiến 4 kẻ phạm tội bị kết án tử hình, đã phá tan một số định kiến gắn với việc thảo luận về tội phạm tình dục trong xã hội Ấn Độ. Nó khiến phụ nữ mạnh dạn hơn khi kể lại các trải nghiệm đau đớn của bản thân. Trong một ví dụ điển hình, cảnh sát ở New Delhi tin rằng số báo cáo hiếp dâm tăng vọt trong thời gian gần đây chủ yếu do các nạn nhân đã dám kể ra thảm cảnh của mình. Tính tới ngày 15/8, đã có 1.036 vụ hiếp dâm được báo cáo, tăng tới gần 2,5 lần so với mức 433 vụ cùng kỳ năm ngoái.
Quốc hội Ấn Độ cũng mới thông qua luật xử lý lạm dụng tình dục ở nơi làm việc trong tháng 2 năm nay. Luật mới bảo vệ phụ nữ ở nơi làm, yêu cầu chủ lao động phải lập các ủy ban chấp nhận phản ánh nội bộ.
Nhưng theo các nhà hoạt động, dù có những biến chuyển trong xã hội Ấn Độ, hiện đa số nạn nhân vẫn quá sợ để nói ra thảm cảnh của mình. "Phụ nữ không được khuyến khích kể ra vấn đề" - Rebecca Reichmann Tavares, đại diện của UN Women, một tổ chức của LHQ khuyến khích bình đẳng giới và quyền phụ nữ, nhận xét - "Họ chỉ cố quên đi nghịch cảnh của mình. Không ai muốn đương đầu với thực tại và những kẻ phạm tội thường có quyền không chỉ với những người phụ nữ họ lạm dụng mà cả những người khác ở nơi làm".
Tường Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất