Chàng thạc sỹ mất đôi chân, từng trầm cảm đến mức tự tử: Mẹ đã kéo tôi ra khỏi quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời

14/05/2023 12:50 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Từ một chàng trai khỏe mạnh, vừa tốt nghiệp thạc sĩ, Đặng Hoàng An bỗng chốc rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi đôi chân lành lặn không còn. Sau biến cố ngã cầu thang năm 2016, chàng thạc sĩ chết mòn trên giường bệnh, tự chôn vùi giấc mơ của mình. Nếu như không có mẹ, có lẽ anh đã không thể sống tiếp…

"Chào mọi người, tôi là Th.s Đặng Hoàng An, hiện đang làm CTV tư vấn tâm lý trên sóng Radio của Đài Phát thanh & Truyền hình Vĩnh Long. Còn đây là mẹ Khấu Thị Điệp, người đã đồng hành, tái sinh ra tôi một lần nữa sau cú vấp ngã trong cuộc đời", nói đoạn, anh An quay về phía mẹ, cười hạnh phúc. 

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ - Ảnh 1.

Cô Khấu Thị Điệp - người mẹ tuyệt vời của Th.s Đặng Hoàng An

Ước mơ của mẹ là con!

Hơn 3 năm nay, tiếng nói cười đã quay trở lại căn nhà nhỏ ở ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước (Long An) sau chuỗi ngày chìm trong tuyệt vọng, lo lắng của gia đình cô Điệp.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, không được học hành đàng hoàng nên sau khi lập gia đình, mọi hi vọng của vợ chồng cô Điệp đều dành hết cho đứa con trai đầu. Đáp lại sự kỳ vọng của cha mẹ, sau khi anh Đặng Hoàng An (SN 1991) tốt nghiệp đại học, anh học lên thạc sĩ rồi về giảng dạy tại khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên trong lúc đi xuống cầu thang, vì tụt canxi nên anh An ngã từ trên lầu xuống đất.

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ

"Cú ngã định mệnh đó khiến tôi chấn thương rất nặng, ảnh hưởng đến tủy và 2 chân. Biến cố đã khiến cuộc đời tôi bước sang trang mới mà ở đó, tôi không còn đi đứng, chạy nhảy như trước kia. Chiếc xe lăn này, tôi đã gắn bó với nó được 7 năm rồi…", anh An nghẹn lời, nhớ lại.

Nắm lấy tay đứa con trai, cô Điệp nhìn anh An trìu mến: "Mẹ chỉ cần con sống tiếp, con có thế nào mẹ cũng không bỏ con đâu".

Để có thể vực dậy tinh thần của đứa con trai chìm trong đau khổ, bất lực nhìn cuộc đời toàn sắc màu u tối, bản thân cô Điệp và gia đình đã làm tất cả mọi thứ có thể để níu giữ anh An ở lại với cuộc đời. Từ động viên, an ủi đến hành trình chạy chữa, gần 3 năm, hi vọng sống mới một lần nữa được thắp lên trong căn nhà nhỏ, trong chính tiềm thức của anh An – người từng nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân.

Anh An bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian trầm cảm, chìm trong bế tắc của mình

"Thời điểm đó tôi không khát sống nữa mà khát chết, tôi muốn mình chết để quên đi đau đớn. May thay bên tôi còn gia đình, còn có mẹ, mẹ đã bên cạnh chăm sóc và là người kéo tôi ra khỏi khoảng thời gian tăm tối nhất của cuộc đời", anh An chia sẻ.

Mặc dù luôn có niềm tin vào sự phát triển của y khoa, tin vào sự cố gắng của bản thân nếu tuân thủ đúng phát đồ điều trị, đôi chân của anh An một ngày nào đó sẽ đi lại được. Nhưng rồi 2 tháng ròng nằm viện và hơn 2 năm đi ngược xuôi chạy chữa, kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Khi bất lực nằm trên giường bệnh, câu nói của anh An: "Mẹ ơi, hổng lẽ con tàn phế luôn hả mẹ" khiến cô Điệp không cầm được nước mắt. Đứa con trai vốn khỏe mạnh, tràn đầy ước mơ của cô phút chốc rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng, ngoài an ủi, động viên con, cô Điệp chẳng biết làm gì khác.

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ - Ảnh 4.

Suốt 7 năm qua, cô Điệp luôn là người đồng hành, chăm sóc cho anh An

"Cô không nghĩ con mình bị nặng như vậy đâu. Cô không dám khóc trước mặt nó, cứ dồn hết vào trong lòng, chỉ biết động viên con còn cha, còn mẹ, con ráng cố lên đi, cỡ nào cha mẹ cũng lo cho con. Lúc trước cô cũng hi vọng vào An dữ lắm, nhưng phần số của con mình như vậy, mình phải chấp nhận. Cô chỉ cần con nó ở bên cạnh cô thôi chứ cô không cần gì hết", cô Điệp xúc động.

Nhớ lại khoảng thời gian cha mẹ vừa phải chạy vạy lo kinh tế, vừa đưa bản thân đi khắp nơi chữa bệnh. Những bữa cơm vội vàng, những giọt mồ hôi lấm lem của cha mẹ, tình thương của cha mẹ đã đưa anh An thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, vực dậy được tinh thần.

Chính câu nói: "Chỉ cần con còn sống, chỉ cần con sống thôi chứ không cần con đi đứng bình thường, cha mẹ có thể làm cả đời để lo cho con" của cô Điệp đã khiến anh An thức tỉnh sau hơn 2 năm sống trong sự giày vò, bế tắc.

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ - Ảnh 5.

Nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn trên khuôn mặt kham khổ của cô Điệp khi anh An đã tìm thấy niềm vui, động lực trong cuộc sống

"Lúc đó tôi nghĩ mình đã lấy đi quá nhiều mồ hôi, nước mắt của cha mẹ, vậy nếu được sống tiếp thì tôi phải sống làm sao cho tràn đầy. Có thể đôi chân tôi đã mất nhưng tôi vẫn còn khối óc và đôi bàn tay. Khoảnh khắc đó như là một bước ngoặc giúp tôi sang 1 trang mới tươi sáng hơn", anh An tâm sự.

Cảm ơn mẹ vì đã không bỏ rơi con!

Đẩy chiếc xe lăn đưa anh An đến góc vườn trồng toàn cây xương rồng và sen đá, cô Điệp chốc chốc lại mỉm cười, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Mỗi ngày, sau buổi tan ca ở công ty, việc đầu tiên cô Điệp làm khi trở về nhà là đến phòng của con trai, cùng con trò chuyện. Ròng rã suốt mấy năm trời, vất vả có, cực nhọc cũng nhiều nhưng chưa bao giờ cô Điệp buông bỏ. Bởi với cô, anh An chính là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời ban tặng.

"Cô không bao giờ bỏ con hết, con mình có xấu cỡ nào, tàn tật mình cũng phải đùm bọc. Cô là vậy đó, cỡ nào cô cũng cố lên để lo cho con mình, đi làm về chỉ cần gọi con ơi! nó lên tiếng là cô vui rồi. Cực cỡ nào cô cũng chịu được, chỉ cần An ở bên cô là được rồi", cô Điệp nhìn anh An, trìu mến.

Vườn cây xương rồng và sen đá là không gian lý tưởng để anh An cân bằng cảm xúc 

Có lẽ việc từ nhỏ đến lớn, cô Điệp luôn là người gần gũi, quan tâm, chăm sóc cho anh An nên giữa 2 mẹ hoàn toàn không có khoảng cách. Nhất là khi cả hai đã cùng nhau trải qua giai đoạn chông chênh nhất của cuộc đời, xem nhau như 2 người bạn tri kỉ, giãi bày mọi thứ cùng nhau.

"Khoảng thời gian nằm trên giường bệnh, tôi chỉ thấy toàn nước mắt của mẹ chứ không thấy nụ cười của mẹ. Trải qua thời gian khó khăn đó, tôi mới thấy trong đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui.

Giờ thì tôi cảm thấy rất giàu, không phải mình giàu về mặt kinh tế mà giàu về tinh thần. Bởi vì tôi luôn có gia đình, đặc biệt là có mẹ luôn ở bên cạnh trợ lực, là người bạn chia sẻ đồng hành với tôi tất cả mọi thứ", anh An vui vẻ nói.

Để từng bước hòa nhập lại với cuộc sống, anh An tập làm quen với việc ngồi xe lăn rồi làm bạn với sách, góp nhặt những điều tích cực làm hành trang cho một hành trình mới.

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ - Ảnh 7.

Một hành trình mới lại mở ra với anh An khi bản thân anh nhận ra được giá trị sống của chính mình

Nhờ có sự hỗ trợ của thầy cô khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các bạn sinh viên, anh An chập chững quay lại giảng đường với tất cả khả năng còn lại của mình. Và có lẽ, cơ duyên được gắn bó với Đài Phát thanh & Truyền hình Vĩnh Long, trở thành người tư vấn tâm lý trên sóng radio đã giúp anh An cảm nhận mình chưa phải là người vô dụng. Ở một khía cạnh nào đó, anh vẫn có thể giúp mọi người.

"Sau này tôi đi làm thiện nguyện, tôi nhận ra còn có rất nhiều người kém may mắn hơn mình. Ít nhất tôi vẫn luôn có gia đình, có thầy cô, bạn bè luôn ở bên, vậy nên tôi phải sống thật tốt, thật tràn đầy năng lượng.

Tôi cũng muốn tiếp tục con đường học vấn của mình, học lên nghiên cứu sinh để phần nào đó truyền được động lực, niềm tin cho các bạn khuyết tật ở ngoài kia: Chúng ta tàn chứ không phế, vẫn có thể viết tiếp ước mơ, hoài bão của mình", anh An bộc bạch.

Các chuyến đi từ thiện giúp anh An cảm nhận rõ hơn về cuộc đời

Nhìn con với đôi mắt đầy hạnh phúc, cô Điệp cho biết anh An mãi là niềm tự hào của cô, dù cho người ta có nặng nhẹ, điều tiếng thế nào đi nữa, chỉ cần có anh An bên cạnh là được rồi.

"Nhiều khi người ta nói cô nuôi con ăn học giờ nó tàn phế, ngồi xe lăn, họ cười nhưng cô nói kệ, thằng An dù xấu đẹp, không đi đứng được nữa cũng là con mình, miễn còn ở bên cạnh là cô mãn nguyện rồi", cô Điệp nói.

Trong tâm thức của anh An, cô Điệp không khác gì bồ tát sống khi đã vực anh dậy từ cõi chết. Lời cảm ơn mà anh dành cho mẹ chưa bao giờ là đủ với tất cả những gì cô Điệp đã hi sinh, kiên cường cùng anh chiến đấu.

Dù là trước đây hay về sau, mẹ Điệp vẫn luôn là người đặc biệt nhất trong cuộc đời của anh An

"Tôi luôn tự hào vì mình có một người mẹ tuyệt vời như vậy. Mặc dù mẹ không có học thức cao, không xinh đẹp như người khác nhưng mẹ có một trái tim rất rộng lớn, tình yêu của mẹ dành cho tôi quá lớn. Đó là cái tài sản quý giá nhất mà tôi có được, tôi mang ơn và biết ơn mẹ", nói đoạn, anh An quay sang nhìn cô Điệp, xúc động.

"Cảm ơn mẹ vì mẹ đã không bỏ rơi con, cảm ơn mẹ vì những lúc con gục ngã nhưng mẹ luôn ở bên cạnh để động viên, vực con dậy, con chỉ biết cầu mong mẹ có thật nhiều sức khỏe để đồng hành cùng con nhiều nhiều năm nữa. Con yêu mẹ rất nhiều!".

Ôm chầm lấy đứa con trai, cô Điệp rưng rưng nước mắt: Mẹ cũng cảm ơn con vì con là con của mẹ!

Chuyện của mẹ Điệp: Chưa bao giờ từ bỏ hạnh phúc làm mẹ, khát khao cứu đôi chân của con trai thạc sĩ - Ảnh 10.

Cảm ơn 2 mẹ con đã tìm thấy nhau, cùng nhau sống những ngày tháng đầy ý nghĩa...

Hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ, nơi cô Điệp và anh An đã trở thành mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau. Cảm ơn câu chuyện và hành trình làm mẹ đầy cảm động của cô Điệp đã một lần nữa tái sinh ra chàng thạc sĩ Đặng Hoàng An, cùng con viết tiếp giấc mơ của mình.

Văn Tiên - Clip: Di Anh, An Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link