Chào tuần mới: Nhường đường- từ văn hóa tới luật pháp

16/09/2019 06:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, CSGT Hà Nội đã tiến hành lập biên bản, xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng đối với một nữ tài xế vì đã có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang làm nhiệm vụ dẫn một đoàn khách quốc tế từ trung tâm thành phố đi ra hướng sân bay Nội Bài.

Ngẫm từ việc một xe con không nhường đường cho xe cứu hỏa: Việc quá dễ sao không làm được?

Ngẫm từ việc một xe con không nhường đường cho xe cứu hỏa: Việc quá dễ sao không làm được?

Ngày 10/7 trên mạng xã hội lan ra một clip dài gần một phút cho thấy một chiếc xe con đã cố tình không nhường đường cho xe cứu hỏa đang liên tục hụ còi ngay phía sau. Dư luận đã rất bức xức bởi có lý của họ.

Mặc dù đoàn xe dẫn đã ra hiệu lệnh còi, đèn hiệu thậm chí phát loa thông báo, nhưng tài xế này vẫn phớt lờ, không có thái độ hợp tác, không nhường đường.

Việc tài xế không nhường đường cho xe ưu tiên là hành vi vi phạm luật giao thông, cần phải xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, trong đi lại hàng ngày thì việc nhường đường còn một nét đẹp văn hóa…

Không chỉ là tuân thủ pháp luật, việc nhường đường cho các xe ưu tiên còn là trách nhiệm đạo đức. Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí có người thân đang phải đưa đi cấp cứu, chỉ cần sớm hơn một vài phút là đã có thể cứu sống được một mạng người. Ấy vậy mà trên đường đi, mặc cho còi hụ inh ỏi nhưng các phương tiện khác cứ làm ngơ, bạn sẽ có cảm giác ra sao?

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Hoặc khu vực nhà bạn đang có hỏa hoạn, nhưng xe cứu hỏa bị các phương tiện khác gây cản trở, kết quả là xe đến chậm, để đám cháy lây lan ra diện rộng, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người. Rõ ràng là nếu như những quyền ưu tiên ấy được tôn trọng thì sẽ giảm thiểu rất nhiều hậu quả.

Đối với một quốc gia, công tác đón và dẫn các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc đóng một vai trò quan trọng. Ngoài yếu tố chính trị thì việc xây dựng hình ảnh giao thông đẹp của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, tạo ra sự thân thiện, thể hiện tính hiếu khách là trách nhiệm của mỗi công dân. Vì thế việc nhường đường cho xe dẫn đoàn khách nước ngoài còn thể hiện ý thức công dân của mỗi người.

***

Bên cạnh các trường hợp được luật pháp điều chỉnh, trong đi lại hàng ngày thì việc nhường đường còn là một nét đẹp văn hóa…

Đó có thể là dừng xe cho trẻ em hoặc người già qua đường; đi chậm lại khi gặp xe chở hàng cồng kềnh ngược chiều; ưu tiên cho xe đám cưới đi trước; hoặc đi chậm lại, nhường đường cho đám tang đi qua; khi thấy giao lộ đang tắc thì chủ động nhường đường dù tín hiệu đèn đã chuyển xanh...

Đấy có thể coi là những nét đẹp khi tham gia giao thông mà bất cứ tài xế nào cũng có thể làm được, dù có thể không có quy định nào trong luật bắt buộc.

Trong đời sống hàng ngày, các cụ xưa đã dạy rằng: Một điều nhịn, chín điều lành. Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông cũng giống như sự nhường nhịn trong cuộc sống. Có khi chỉ là một lời cảm ơn đã ưu tiên cho đi trước, một câu xin lỗi khi không may va quệt hay dừng đúng vạch nơi ngã tư khi đèn vàng…

Không có sự nhường nhịn, ai cũng xô đẩy, chen lấn, nhất là lấn làn, sẽ khiến cho bức tranh giao thông vô cùng xấu xí, mà rốt cuộc, đường đã tắc lại càng tắc. Không nhường đường nên tình huống “hai con dê qua cầu” diễn ra hàng ngày trên đường. Rất nhiều tài xế đã in câu khẩu hiệu: “Một người sai làn, cả ngàn người khổ” và dán vào kính hậu của xe mình. Câu khẩu hiệu đó rất hay, nói lên được tương đối đầy đủ việc đi đường mà cố ý chen lấn sai luật, hoặc không chịu nhường nhau thì hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Chúng ta hãy nhớ câu này để tự giác tuân thủ và thực hiện văn hóa nhường đường.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link