Chào tuần mới: 'Tỉnh dậy đã là năm mới'

02/01/2024 08:12 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta vừa đón năm mới 2024 bằng cái Tết Dương lịch. Và khá thú vị, cộng dồn với dịp cuối tuần, kỳ nghỉ "Tết Dương" lần này dài tới 3 ngày - đúng bằng "3 ngày Tết" như cách nói vui của nhiều người.

Nếu so sánh, đợt nghỉ ấy đã là dài. Bởi chỉ vài chục năm trước thôi, kì nghỉ Tết Âm lịch của hầu hết mọi người cũng chỉ kéo dài 4 ngày, vắt từ sáng 30 tới hết mùng 3 Tết.

Nhưng, nghỉ Tết nhiều hay ít, lâu hay mau với ta có lẽ không quan trọng bằng cảm xúc của bản thân hay những người xung quanh. Chỉ cần lòng mình hay lòng mọi người có Tết, không khí sẽ tự nhiên là vậy.

 Cũng chẳng lạ, khi thói quen ăn Tết Dương lịch với người Việt Nam ngày càng trở nên rõ nét, bên cạnh cái Tết cổ truyền. Bên cạnh câu chuyện của xu thế hội nhập văn hóa, thực tế ấy còn đến từ nhu cầu của chính chúng ta.

Giống như Tết Âm, dịp cuối năm vừa qua cũng là cơ hội để các gia đình sum họp, để những người làm ăn nơi phương xa có dịp về trở về. Và cuối cùng, để mỗi người thư thái nhìn lại 365 ngày vừa qua, trước khi bước sang một vòng quay mới.

Chào tuần mới: 'Tỉnh dậy đã là năm mới' - Ảnh 1.

Một gia đình lưu lại khoảnh khắc chuẩn bị bước sang năm mới 2024. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Nhịp sống hiện đại đặt ra những nhu cầu ấy, khi mà vòng quay hối hả trong ngày thường khiến việc thỏa mãn chúng không hề tự nhiên và đơn giản.

Còn nếu nhìn theo từng giai đoạn của đời người, dường như Tết Dương cũng na ná Tết Âm trong tâm thế mà ta đón nhận chúng. Còn nhỏ, ta chờ mong Tết như một dịp để vui chơi hội hè. Lúc trưởng thành, Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn sau những bề bộn của công việc hàng ngày. Rồi tới tuổi trung niên, Tết lại là thời điểm ta thấy hạnh phúc nhất khi được vui vầy, sum họp.

Tết Dương lịch mới chỉ du nhập vào Việt Nam từ hơn 1 thế kỷ, và việc đón Giao thừa, cũng như ngày mùng 1 Tết theo "lịch Tây" chỉ bắt đầu nở rộ từ vài chục năm nay. Bởi thế, nhìn qua, dường như chúng ta vẫn đón nó với một sự điềm đạm và chừng mực, khi đặt cạnh Tết truyền thống.

Nhưng thêm vài chục năm nữa, khi những chàng trai cô gái vừa đi đón lễ hội Countdown vào tối 31/12 bước sang tuổi trung niên, biết đâu mọi chuyện sẽ khác?

Bởi, nếu Tết Âm là dịp cúng gia tiên, chẳng có lý gì chúng ta không quây quần một lần nữa trước mâm cỗ ấy vào dịp Tết Dương lịch. Nếu sáng mùng 1 của Tết Nguyên đán gắn với tiền mừng tuổi, rất đơn giản để bạn nhận thêm một phong bì như thế vào dịp đầu năm Dương lịch. Và, cũng sẽ bình thường thôi nếu sau này, trong nhà chúng ta có thêm một chiếc bánh chưng, một hộp mứt Tết vào ngày 1/1.

Những nét đẹp văn hóa và truyền thống của người Việt Nam hoàn toàn có thể được mở rộng theo thời gian - như cách mà chúng ta rộng rãi tiếp nhận ngày Tết Dương lịch và các lễ hội tương đồng về bản chất nhân văn với mình.

Còn trong lúc chờ sự thay đổi có thể xảy ra ấy, có một điều đã đến rất nhanh - những lời chúc mừng năm mới luôn tràn ngập trên mạng xã hội, qua tin nhắn và cả những cuộc gặp gỡ trong dịp này, chứ không cần phải chờ tới Tết Âm lịch.

Năm mới luôn là thời điểm để bắt đầu một quãng thời gian mới, với niềm vui tự nhiên trong lòng mỗi người. Như một câu văn của Nguyễn Ngọc Tư: "Tỉnh dậy đã là năm mới. Thấy mình tươi mới, thấy bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình còn ngon lành, còn sức để đi tiếp".

Trí Uẩn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link