25/02/2019 07:38 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới cũng như người dân Việt Nam trong tuần này chính là Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 27 đến 28/2/2019.
Năm nay cũng là năm thứ 20 kể từ ngày Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước - được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (ngày 16/7/1999, tại La Paz, Thủ đô của Bolivia). “Tôi nhận thấy, suốt gần 2 thập kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phát triển để xứng đáng với tên gọi này (Thành phố vì hòa bình)” - ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, vừa chia sẻ với báo chí.
Có thể thấy một trong những“thuộc tính” rất đáng yêu của Hà Nội, đó là sự yên bình, thân thiện và mến khách. Trong những sự kiện quan trọng được tổ chức tại Hà Nội trước đây vẫn luôn có những hình ảnh có sức lan tỏa mạnh mẽ đến du khách quốc tế. Đó là cảnh Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng bình dị quanh hồ Hoàn Kiếm dịp Hội nghị cấp cao APEC 14; cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả ở một quán bình dân trên phố Lê Văn Hưu, trò chuyện cởi mở với người bán nước chè tại chợ Mễ Trì cách đây 2 năm; hay gần đây nhất là cảnh Tổng thống Argentina Mauricio Macri đi bộ và ngồi thưởng thức cà phê vỉa hè tại Hà Nội vào ngày 20/2/2019.... Đó là những câu chuyện sinh động về một Việt Nam an toàn và hiếu khách.
Là sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên đã thu hút hàng ngàn phóng viên quốc tế đổ về Hà Nội để đưa tin. Thực tế là trong những ngày qua, họ đã và đang có những cuộc săn tìm sát sao những điểm cao để có thể đưa được những chi tiết đẹp, đặc trưng của Hà Nội vào làm "phông" (background) cho các bức ảnh về Hội nghị.
Những thông tin, hình ảnh, những câu chuyện về Hà Nội, về Việt Nam chắc chắn sẽ liên tục xuất hiện trên báo chí hay mạng xã hội, lan tỏa tới hàng trăm triệu người trên thế giới.
***
Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực trang hoàng đường phố Hà Nội, cùng các kế hoạch tổ chức giao thông, an ninh, trật tự… để chào đón Hội nghị thượng đỉnh.
Nhưng thiết nghĩ, cũng giống như một gia đình chuẩn bị đón khách quý tới thăm, việc “đón khách” đâu chỉ là việc riêng của người chủ gia đình, mà mọi thành viên cũng đều phải xắn tay vào cuộc. Chúng ta, những công dân bình thường, cần làm gì trong sự kiện Mỹ - Triều lần này?
Khi khách quý đến nhà, các cụ ngày xưa lại dặn một cách chân quê: “Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi”, “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Đó là sự chu đáo về mặt ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên, và cũng sẽ là chủ đề tiếp cận của rất nhiều phóng viên quốc tế.
Lại nhớ thời kỳ trong quân ngũ, những dịp đơn vị chúng tôi có vinh dự đón tiếp các vị khách quý trong nước và quốc tế đến thăm thì công tác chuẩn bị luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Anh em trong toàn đơn vị sẽ tiến hành công tác vệ sinh đường đi, lối vào, cổng doanh trại được trang hoàng lại cho sạch sẽ, đẹp mắt. Các khu vực cắm cờ, treo khẩu hiệu, bảng pano… được bố trí phù hợp, giản dị nhưng rất trang nghiêm. Tất cả chiến sĩ đều cắt tóc gọn gàng, quần áo thẳng thớm sạch sẽ, sắp xếp quân trang, nơi ăn chốn ở ngăn nắp sẵn sàng chuẩn bị đón tiếp. Tất cả mọi người đều hiểu được ý nghĩa của những lần có khách đến tham quan đơn vị là những cơ hội tuyệt vời để giới thiệu hình ảnh và cuộc sống đời thường và cũng là dịp bày tỏ lòng hiếu khách của anh em trong đơn vị.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng chúng ta, những công dân đang sinh sống hoặc làm việc tại thủ đô Hà Nội hãy cùng nhau giữ gìn vệ sinh đường phố, khu trung tâm chính, khu phố cổ… thật sạch sẽ. Đặc biệt là giữ gìn cảnh quan ở khu vực Hồ Gươm - Trái tim của Thủ đô - nơi mà chắc chắn nhiều hãng truyền thông quốc tế sẽ lựa chọn làm “phông nền” cho tin tức trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị.
“Nhà đang có khách quý”, chúng ta hãy thể hiện nếp sống “có lịch, có lề” của Hà Nội trong đời thường. Phố phường sạch đẹp, đi đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định; xe cộ đi lại trật tự, biết nhường nhịn nhau, không bóp còi inh ỏi; hạn chế bán hàng rong, không đeo bám du khách; đồ ăn thức uống đảm bảo vệ sinh; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thân hiện, nồng nhiệt, hiếu khách, nhưng cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của họ… Đó mới là phong thái thanh lịch của người dân nước chủ nhà.
Đào Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất