05/08/2024 07:25 GMT+7 | Văn hoá
Những ngày qua, thông tin về việc thành phố Huế đang hoàn thiện làn đường riêng cho xe đạp trên vỉa hè đang liên tục "chiếm sóng" tại các diễn đàn hoặc hội nhóm dành cho người yêu thích loại phương tiện giao thông này.
Theo những gì được chia sẻ, các làn đường xe đạp này được triển khai tại một số khu vực đô thị mới ở Huế, có chiều rộng từ 1 - 2 làn (1,45m - 2,9m). Hệ đường được sơn màu xanh lá cây viền vàng, nằm phía bên trong vỉa hè, có tổng chiều dài trước mắt khoảng 8 km và có thể kéo dài trong tương lai.
Như vậy, nếu không kể tới một số dự án nhỏ mang tính thí điểm tại các đô thị khác, Huế là thành phố đầu tiên tại Việt Nam tổ chức quy hoạch hệ thống đường dành riêng cho xe đạp một cách bài bản và quy mô.
Với những thông tin được đưa ra, dự án này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt từ năm 2016, với mục tiêu tạo ra một môi trường giao thông an toàn và thân thiện cho người dân, khuyến khích thói quen đạp xe, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch...
Huế có nhiều cung đường đẹp, rộng, thoáng, nhiều cây xanh dành cho những người yêu chạy bộ và bây giờ còn "chiều" cả những người yêu xe đạp - đó là nhận xét chung đầy hào hứng của những người quan tâm tới thông tin này. Thậm chí, 2 câu thơ "ứng khẩu" của một người yêu đạp xe tại đây còn được cộng đồng này chia sẻ rộng rãi: "Huế chừ có thêm "đường xanh"/ Thong dong mà đạp, ngó quanh để nhìn"...
***
Nhìn lại, việc phát triển giao thông bằng xe đạp tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn được nhìn như một xu thế văn minh, khi góp phần bảo vệ môi trường và giúp người dân rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên "nút thắt" lớn nhất trong vấn đề này vẫn là việc bố trí hạ tầng, khi đa phần đường sá tại các khu vực trung tâm đều ở vào tình trạng quá tải.
Bởi vậy, dù tăng vọt về số lượng, những người yêu mến xe đạp hiện nay vẫn chủ yếu đạp xe vào các buổi sáng sớm hoặc cuối tuần tại những khu vực vắng người, như một giải pháp rèn luyện sức khỏe. Còn lại, việc sử dụng xe đạp như một phương tiện hàng ngày - giống với mô hình tại nhiều nước phát triển - là điều khó khả thi với đa số.
Như phân tích của các chuyên gia, để phương tiện này có thể phát triển mạnh và phổ biến hơn, các đô thị cần có sự quy hoạch tích hợp về mạng lưới giao thông để tạo thành những tuyến đường xe đạp liên thông mà không gây ra nhiều xung đột với phương tiện cơ giới khác.
Theo đó, những tuyến đường ven sông hoặc đường có vỉa hè lớn có thể được quy hoạch một phần cho xe đạp, thậm chí kết nối với các bãi cho thuê xe đạp hay các phương tiện giao thông công cộng để tạo sự thuận lợi cho người dùng.
Sự thực, việc triển khai làn đường xe đạp tại Huế hiện đang có những thuận lợi nhất định, khi áp dụng tại một vài khu đô thi mới có vỉa hè rộng tới 6 mét, đồng thời thành phố du lịch này cũng không có nhịp sống gấp gáp, với lượng giao thông khổng lồ như TP.HCM hoặc Hà Nội. Nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra là một nỗ lực rất lớn của địa phương này - để rồi, những dữ liệu, thông tin từ quá trình vận hành các tuyến đường cho xe đạp sẽ là kinh nghiệm quý cho các nơi đi sau.
Vài năm trước, nhiều người sẽ thấy khó tin, khi chúng ta nói tới việc quy hoạch những làn đường riêng cho xe đạp. Còn bây giờ, cột mốc hiện có từ Huế là cơ sở để chúng ta đặt thêm chút niềm tin vào sự hình thành của những đô thị xanh trong tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất