Tìm cách sống chung an toàn với Covid-19

08/09/2021 16:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới bước sang giai đoạn mới.

Người nhiễm biến thể Delta có lượng virus gấp 300 lần so với SARS-CoV-2 gốc

Người nhiễm biến thể Delta có lượng virus gấp 300 lần so với SARS-CoV-2 gốc

KDCA công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.

Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia thậm chí đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19.       

Có thể nói, những thay đổi này bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện. Hơn 1 tháng sau khi dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế chống COVID-19 vào tháng 7 vừa qua, nước Anh ghi nhận khoảng 25.000 ca mỗi ngày.

Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên 100.000 mỗi ngày, khiến nhiều bệnh viện hết giường chăm sóc đặc biệt hoặc phải chăm sóc gấp đôi số lượng bệnh nhân có thể tiếp nhận, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng và tuân thủ quy định đeo khẩu trang thấp. Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi tới trường học tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu "zero-COVID" trong một thời gian dài, Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.       

Trước thực tế trên, các chuyên gia đều cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi", và “zero COVID” sẽ không xảy ra kể cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh phong tỏa lâu dài. Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy thừa nhận COVID-19 sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn, nên điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong.

Trong khi đó, Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hội châu Á-Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, nhận định những diễn biến trên đều cho thấy một xu hướng là cần phải chấp nhận số ca nhiễm tăng ở chừng mực nhất định, miễn là không đi kèm số ca bệnh nặng và tử vong tăng theo.       

Nhiều nước đang dần chuyển hướng chiến lược phòng chống COVID-19 với mục tiêu là làm sao để sống chung một cách an toàn với dịch bệnh và giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do phải áp dụng các biện pháp phong tỏa liên tục, kéo dài. Tại New Zealand, Bộ trưởng phụ trách đối phó COVID-19 Chris Hipkins cũng nhận định biến thể Delta đã đặt ra “những câu hỏi lớn” về các kế hoạch tương lai của đất nước, trong đó bao gồm cả chiến lược đối phó dịch bệnh về lâu dài khi biên giới dần được mở với các nước có nguy cơ thấp.

Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ sớm áp dụng chiến lược "sống chung với COVID-19", tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc thông báo đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch COVID-19 mới vào cuối tháng 9, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine.       

Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Đức và Brunei. Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali ngày 7/9 cũng cho biết từ cuối tháng 10 quốc gia này sẽ coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét. Hồi tuần trước, Bộ Y tế Malaysia thông báo chính phủ sẽ đơn giản hóa một số biện pháp hạn chế khi bước vào giai đoạn mới nhưng sẽ vẫn yêu cầu đeo khẩu trang. Indonesia và Thái Lan cũng đang định hướng lại chiến lược từ coi COVID-19 là một đại dịch sang một bệnh đặc hữu sau nhiều tháng phong tỏa nhưng chưa thể chấm dứt sự lây nhiễm.        

Để chuyển đổi chiến lược chống dịch, các nước đều nỗ lực đạt mục tiêu nâng mức độ bao phủ tiêm chủng đến mức được tin là an toàn (80% -85% dân số) để mở cửa trở lại, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ có những lúc vẫn phải phong tỏa, giãn cách để kiềm chế dịch bệnh bùng phát. Mới đây, Chính phủ Australia đã thay đổi trong cách tiếp cận chương trình tiêm chủng, theo đó hướng tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng cho bộ phận dân số trẻ để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, bên cạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các chuyên gia khẳng định để có thể sống chung với dịch bệnh, các nước cũng cần tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho người dân.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Dubbo, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới chuyên gia, tình hình hiện tại ở Israel có thể cung cấp những dấu hiệu tích cực về một tương lai sống chung an toàn với COVID-19. Các trường học mở cửa trở lại, các hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí được khôi phục, đời sống người dân dần xoay chuyển theo hướng bình thường mới. Mở cửa kinh tế, nhưng số ca bệnh nặng ở Israel vẫn dưới ngưỡng 1.100 ca/ngày từng được ghi nhận vào thời kỳ đỉnh dịch hồi đầu năm nay. Trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, số ca tử vong cũng ở mức thấp, dao động từ 20-30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1.

Điều này được cho là nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao. Giáo sư Eyal Leshem từ Trung tâm Y khoa Sheba dẫn các số liệu cho thấy mức độ bảo vệ rõ rệt của việc tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ ca bệnh nặng ở người chưa tiêm vaccine là 300/100.000 dân nhưng ở người tiêm đủ liều, tỷ lệ này giảm mạnh xuống là 19/100.000 dân (với người trên 60 tuổi). Những gì đang diễn ra ở Israel càng củng cố vững chắc quan điểm lựa chọn phù hợp là sống chung an toàn với COVID-19.        

Tại Mỹ, Tổng y sĩ Murthy cho rằng dù quốc gia này đã bỏ lỡ cơ hội xóa sổ hoàn toàn dịch bệnh, nhưng người dân vẫn có thể thực hiện các bước để tránh khiến tình trạng xấu đi và một trong những bước đơn giản nhất là đi tiêm phòng. Ông nhấn mạnh tiêm vaccine là một biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ trước nguy cơ ốm nặng và tử vong, mỗi người cần có trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách vẫn được khuyến nghị khi dịch bệnh đang lây lan. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố chiến lược ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư, nhằm bảo vệ các trường học, doanh nghiệp, nền kinh tế và gia đình của người dân Mỹ khỏi mối đe dọa của biến thể Delta. Trong khi đó tại Anh, khi các quy định phòng dịch hầu như được nới lỏng hoàn toàn, giới chức vẫn kêu gọi người dân tự giác thực hiện trách nhiệm cá nhân để duy trì sự an toàn cho cả cộng đồng, để “học cách sống chung” với COVID-19.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định với chương trình tiêm phòng diện rộng và các biện pháp phòng ngừa bổ sung, nước này có thể sống chung với virus và tiến đến hồi phục sau COVID-19. Singapore sẽ thực hiện những bước đi thận trọng theo từng giai đoạn, tránh vội vàng.

Trên thực tế, quốc gia này đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để “dò đường” sống chung với COVID-19. Những ngày qua khi số ca mắc mới tăng, tiến trình này được tạm hoãn và ngày 7/9, Singapore đã siết lại một số biện pháp hạn chế đã nới lỏng như không tập trung tại nơi làm việc, giảm hoạt động xã hội, triển khai xét nghiệm trên diện rộng…       

Giới chuyên gia khẳng định sống chung với COVID-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế. Để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.

Thay đổi này không phải là đầu hàng mà là bước chuyển hướng đến chiến thắng vì COVID-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng và việc học cách thay đổi sẽ giúp thế giới thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link