Chè Shan tuyết trăm năm tuổi vào vụ giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh
Những ngày cuối tháng 4, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), hàng ngàn cây chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi vào vụ xuân. Đây cũng là lúc người dân vùng núi Hà Giang tất bật đi thu hái chè. Chè Shan tuyết là đặc sản riêng có của Hà Giang, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Thời điểm này, chè Shan tuyết đang mọc, đua những chồi non xanh ngắt giữa núi rừng. Cây chè mọc cheo leo trên những sườn núi đá lởm chởm, độ cao từ 800 đến hơn 2.000m so với mực nước biển, nơi mà mây phủ quanh năm, sương mù giăng kín lối. Người dân nơi đây, phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, Mông bắt đầu vào vụ thu hái chè xuân.
Để hái được những búp chè xanh non ấy, đồng bào phải dậy từ tờ mờ sáng, chuẩn bị cơm đùm, cơm nắm, gùi theo dụng cụ, men theo những con đường mòn quanh co lên núi. Tại đây, có những gốc chè cổ thụ cao đến cả chục mét, người hái phải trèo lên các nhánh cây để hái từng búp chè non bằng tay, cẩn thận và khéo léo. Việc hái chè hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sức khỏe, kiên nhẫn và kinh nghiệm.

Đôi vợ chồng người Dao địu con đi hái chè Xuân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Bà Bàn Thị Phương (xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang) người có kinh nghiệm hơn 30 năm hái chè chia sẻ: "Mỗi lần đi hái chè phải hái tay từng búp, hái sai là hỏng cả lứa chè. Có cây cao quá, phải trèo lên mới hái được. Vất vả thật nhưng đó là nghề tổ tiên truyền lại, bỏ không đành.”
Anh Bàn Văn Điệp (thôn Nà Màu, xã Phương Tiến, Vị Xuyên, Hà Giang) cho hay: “Ở đây, nhà nào cũng có vườn chè, có nhà sở hữu cả ngàn gốc. Cây chè cổ thụ thì càng quý nhưng trèo lên hái rất vất vả. Chúng tôi vẫn cõng con đi cùng vì không ai trông giúp. Dù khó khăn, nhưng cứ đến mùa, ai cũng háo hức lên rừng thu hoạch chè.”
Gia đình anh Điệp có 5 ha chè, mỗi vụ có thể thu hái khoảng 1 tấn chè tươi. Sau khi sao chè thủ công, thành phẩm thu được khoảng 500 kg chè khô. Với giá bán trung bình hiện nay, mỗi hộ có thể thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Đây là con số không nhỏ đối với người dân vùng cao, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, cho con cái được học hành.
Khác với chè canh tác đại trà ở đồng bằng, chè Shan tuyết sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện bán hoang dã. Không phân bón, không hóa chất, môi trường sinh trưởng lý tưởng với khí hậu mát mẻ quanh năm, độ cao lớn và sương mù bao phủ đã tạo ra chất chè đặc biệt – thơm nồng, hậu ngọt và an toàn. Đây là giống chè quý hiếm, mang đậm bản sắc vùng cao, được thị trường ưa chuộng trong và ngoài nước.

Phụ nữ Dao hái chè Xuân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Ông Cấn Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Phương Tiến (Vị Xuyên) cho biết: “Những gốc chè cổ thụ không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là di sản văn hóa, là niềm tự hào của người dân địa phương. Hiện nay, xã khuyến khích bà con cải thiện kỹ thuật chăm sóc, đầu tư sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm để phát triển bền vững”.
Bên cạnh việc gìn giữ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều hộ dân cũng đã biết nắm bắt xu thế thị trường. Chị Bàn Thị Hom, một người làm chè lâu năm ở huyện Vị Xuyên chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ sao chè thủ công và nhập cho thương lái. Nhưng nay, chúng tôi đã học cách làm tem nhãn, thiết kế bao bì đẹp mắt và bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ đó, chè Shan tuyết không chỉ bán ở địa phương mà còn vươn xa đến nhiều tỉnh thành, thậm chí ra nước ngoài”.
Được biết, Hà Giang hiện là một trong các tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trồng chè lên tới 20.300 ha; trong đó, chè Shan tuyết chiếm hơn 18.600 ha, tới 90,28% diện tích chè toàn tỉnh. Diện tích cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng hơn 55.000 tấn mỗi năm.
Mùa hái chè Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh không chỉ là công việc mưu sinh, phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn là nét văn hóa truyền thống độc đáo, là sự kết tinh của thiên nhiên, con người và lịch sử vùng cao. Vùng chè Shan tuyết cổ thụ không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Hà Giang mà còn là minh chứng cho một vùng chè quý đang hồi sinh mạnh mẽ giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh.