11/03/2022 11:56 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Từ tháng 1/2020 đến nay Việt Nam đã phải chống chọi với 4 đợt dịch COVID-19 và hiện tai đang hướng tới chung sống an toàn với SARS-CoV-2. Điều này dựa vào những kết quả phòng, chống dịch đạt được trên thực tế trong hơn hai năm qua.
Linh hoạt thay đổi chiến lược chống dịch
Vào ngày 11/3/2020, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu” thì Việt Nam mới chỉ ghi nhận 38 trường hợp F0, chủ yếu là những người Việt Nam nhập cảnh từ Anh.
Một năm sau, ngày 11/3/2021, chúng ta ghi nhận 2.526 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.585 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Hai năm sau, tính đến sáng 11/3, Việt Nam có hơn 5,26 triệu ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn tính về số ca mắc trên 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 130 (bình quân cứ 1 triệu người có 53.253 ca mắc).
Tính theo từng thời điểm bùng phát SAR-CoV-2 thì nước ta trải qua 4 đợt dịch.
Đợt dịch thứ nhất, từ ngày 23/1/2020, khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, đến hết tháng 4/2020.
Đợt dịch thứ hai, trong các tháng 7 và 8/2020.
Đợt dịch thứ ba, trong tháng 1 và 2/2021.
Đợt dịch thứ tư, từ ngày 27/4/2021 đến nay.
Tùy theo diễn biến thực tế của dịch COVID-19 mà Chính phủ Việt Nam đề ra những chiến lược phòng, chống dịch khác nhau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên có những điều chỉnh, bổ sung, thay đổi.
Việt Nam từng chống lại COVID-19 một cách hiệu quả trong 3 đợt dịch trước. Nhưng biến thể Delta của SARS-CoV-2 xuất hiện đã làm thay đổi biểu đồ dịch bệnh. Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020 có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều so với loại virus xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 hay so với biến thể xuất hiện tại Anh (Alpha) trong năm 2020. Các chuyên gia về dịch tễ học cho rằng tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn khoảng 50% so với biến thể Alpha vốn đã có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với virus đầu tiên được tìm thấy ở Vũ Hán.
Biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/05/2021. Kể từ đó, dịch COVID-19 tăng phi mã ở thành phố lớn nhất nước và các tỉnh phía Nam. Đến ngày 6/7, Việt Nam ghi nhận 1.029 ca mắc COVID-19 mới. Trước đó, vào ngày 5/7, nước ta đã vượt qua “mốc” 20.000 ca bệnh (21.035 người) tính từ đầu dịch và cũng lập “kỷ lục buồn” là có số trường hợp mắc mới cao nhất từ trước đến nay, vượt con số 1.000.
Ngày 6/7, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 710 ca mắc COVID-19, liên tục đứng đầu về ca bệnh mới so với các địa phương trong cả nước. Dịch đã thấm sâu trong công đồng và lan rộng, nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát hiện hữu. . .
Trong kết luận ngày 6/7/2021 tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy phải vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị".
Trước đó, tối 5/6/2021, Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19”.
Như vậy là chiến lược chống dịch ở Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Vaccine ngừa COVID-19 được coi vũ khí chủ lực trong chiến lược “5K cộng”.
Đến ngày 11/10/2021 Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đây được coi là sự thay đổi bước ngoặt trong phòng, chống dịch.
Sau gần hai năm chống chọi với dịch bệnh, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" không khả thi và phải trả giá rất cao về kinh tế - xã hội, kể từ khi các biến thể Delta và Omicron xuất hiện.
Cơ sở quan trọng để Việt Nam từ bỏ chiến lược "Zero COVID-19" (không còn áp dụng các biện pháp truy vết triệt để, phong tỏa chặt, cách ly tập trung) là nguồn lực vaccine. Đến ngày 11/10, ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, tại Việt Nam đã có tổng số hơn 55,2 trệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 39 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 16 triệu liều.
Hướng tới “bệnh đặc hữu”
Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo về dự thảo chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023. Theo đó, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, số ca tử vong so với số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%. Mức độ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.
Tiếp đó, trình bày tại phiên họp vào sáng 5/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Bệnh lưu hành, tiếng Anh - "endemic diseases", hay một số chuyên gia còn gọi thành bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Dịch được coi là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành khi đạt một số tiêu chí cụ thể: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem COVID-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế bác sỹ sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.
Theo Phó Giáo sư Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Đại học Y Hà Nội), khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do Bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Các chuyên gia ở nhiều quốc gia hiện tại đang thảo luận và đề xuất về việc coi bệnh COVID-19 là đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành (endemic). Bộ Y tế của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình dịch COVID-19, cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2 nhằm coi COVID-19 là bệnh đặc hữu - bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.
Như vậy, việc dịch COVID-19 sẽ được nhìn nhận như bệnh đặc hữu ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian và nước ta cũng đã có một số điều kiện cho vấn đề này,
Điều kiện thứ nhất là tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày càng cao. Trong ngày 9/3 có 244.960 liều vaccine đã được tiêm, còn tổng số vaccine đã được tiêm là suýt soát 199 triệu liều, Mức độ bao phủ vaccine ở Việt Nam như vậy là rất cao so với tổng dân số 97,34 triệu người. Nước ta nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ người được tiêm vaccine cao nhất thế giới.
Điều kiện thứ hai, theo bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam. Do đó, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong không cao.
Trên thực tế, số ca mắc COVID-19 mới hiện tại đang tăng mạnh (từ 17h00 ngày 9/3 đến 17h00 ngày 10/3 có 160.676 ca được ghi nhận) nhưng số trường hợp tử vong so với tổng số ca mắc ngày càng giảm theo cách bền vững, từ 2,4% xuống 2,2%, rồi 1,5%, 1,2%, 1%. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 9/3 đến 17h30 ngày 10/3/2022, nước ta có 71 ca tử vong, chiếm 0,8% tổng số ca mắc.
Bác sỹ Trần Văn Phúc cho rằng với biến thể Omicron thì không một hệ thống y tế nào trên thế giới có đủ sức để ngăn chặn, kể cả các quốc gia có nền y tế và tiềm lực kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nhật Bản... Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái để thích ứng an toàn.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ý kiến: Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Trần Quang Vinh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất