Chiếc máy bay điện nhỏ 'đánh bại' Airbus

12/07/2015 05:55 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một phi công Pháp, điều khiển một chiếc máy bay chạy điện một chỗ ngồi nhỏ xíu, đã gây sốc vì đánh bại tập đoàn Airbus khổng lồ, trong cuộc đua nhằm đưa chiếc máy bay điện đầu tiên đi qua eo biển Manche, sau khi tới đích trước họ chỉ vài giờ.

Trong cuộc đọ sức đặc biệt, Hugues Duval đã cất cánh từ Calais, Pháp, và bay qua eo biển Manche tới Anh, trên một chiếc máy bay Cri Cri cỡ nhỏ.

Như David đấu Goliath

Anh lập được thành tích này trong đêm 9/7, nhiều tiếng trước khi Airbus tổ chức cho chiếc E-Fan của hãng thực hiện hành trình tương tự, chỉ khác là đi từ Anh sang Pháp.

Duval nói với hãng tin Associated Press rằng chuyến bay mang tới cảm giác "nhẹ nhõm" và đây là "khoảnh khắc quan trọng", sau nhiều năm nghiên cứu phát triển, cho chiếc máy bay điện của anh đi bay trên đất liền.

"Chúng tôi đã băng qua eo biển Manche trước Airbus. Cách duy nhất tôi có thể làm được việc này là che giấu ý định và thực hiện chuyến bay trong bí mật tuyệt đối" - anh chia sẻ với hãng tin Reuters.


Hugues Duval ăn mừng khi vượt biển thành công

Airbus thừa nhận đã bại trận trước Duval. Sau khi chiếc E-Fan hạ cánh xuống vùng Calais của Pháp trong ngày 10/7, Giám đốc công nghệ Airbus Jean Botti tuyên bố với các phóng viên rằng thành tích của chiếc máy bay không phải là "một chiến thắng" mà đóng vai trò "khởi đầu cho những cách tân vĩ đại."

Một phát ngôn viên chính thức của Công ty cũng nói: "Chúng tôi ca ngợi phi công can đảm Hugues Duval vì đã thực hiện chuyến bay cùng chiếc Cri Cri. Anh ấy đã tranh tài ở hạng mục của riêng mình. Tất cả các nỗ lực trong hoạt động bay bằng năng lượng điện này đã hỗ trợ mục tiêu của chúng tôi nhằm thúc đẩy các chuyến bay dùng năng lượng điện và kết hợp xăng/điện."

Tuy nhiên Reuters cho biết trong nội bộ, Airbus lại tỏ ra "không phục" thành tích của Duval, với lý do chiếc Cri Cri của anh quá nhỏ, chỉ nặng có 70kg, nên không thể được xem là "máy bay" đúng nghĩa. Cũng theo họ, chiếc Cri Cri không tự bay lên mà phải nhờ sự hỗ trợ của một chiếc máy bay khác.

Được biết vào đầu tuần, doanh nhân Ivo Boscarol của Slovenia cũng định băng qua eo biển Manche trên một chiếc Pipistrel chạy điện. Tuy nhiên kế hoạch của anh đã bị đổ bể, khi công ty Siemens của Đức tuyên bố thu hồi động cơ điện của máy bay. Lý do của Siemens là động cơ chưa được cấp phép để bay trên biển.

"Lịch sử luôn nói về những người đầu tiên và chẳng ai quan tâm tới người thứ hai hay thứ ba" - Boscarol chia sẻ với Reuters khi nghe tin về thành tích của Duval - "Chuyện là như thế và cuộc sống vẫn phải tiếp tục."

Mở cánh cửa tương lai cho máy bay điện

Duval là một phi công trình diễn mạo hiểm, trong một đội bay biểu diễn mang tên Tranchant, chuyên hoạt động tại sân bay Rennes St Jacques ở Pháp. Anh từng lập kỷ lục về tốc độ, do một chiếc máy bay dùng động cơ điện thực hiện, vào năm 2011. Lần đó, Duval cũng bay trên một chiếc Cri Cri.

 Được thiết kế vào những năm 1970, Cri Cri là chiếc máy bay hai động cơ nhỏ nhất thế giới.


Chiếc E-Fan của Airbus chuẩn bị hạ cánh sau hành trình vượt eo biển Manche

Có tin nói, khi bay qua eo biển Manche, cả Duval và đội bay của Airbus đều muốn tái hiệu chuyến bay tiên phong của Louis Bleriot vào năm 1909. Nhà tiên phong hàng không người Pháp trở thành người đầu tiên băng qua eo biển Manche trên một chiếc máy bay.

Dù thất bại trước Duval, Airbus không có gì phải buồn. Hãng đã chứng minh được rằng người ta hoàn toàn có thể dùng điện để khiến máy bay cất cánh và di chuyển trên một quãng đường dài, an toàn không kém các loại động cơ dùng xăng thông thường. Ngoài ra, điện còn ưu việt hơn do nó không tạo ra khí thải và yên tĩnh hơn nhiều so với các loại động cơ thông thường.

Quả thực, chiếc E-Fan của hãng đã khiến rất nhiều người trầm trồ kinh ngạc, khi trình diễn gần như không gây ra tiếng động, tại các triển lãm hàng không Farnborough và Paris. Theo ông Jean Botti, E-Fan đã thực hiện hơn 100 chuyến bay thành công.

Airbus đã đầu tư hơn 20 triệu EURO vào việc phát triển công nghệ máy bay điện. Hãng hy vọng sẽ đưa một mẫu E-Fan vào sản xuất trong năm 2017 - 2018. Hãng cũng có kế hoạch sản xuất một phiên bản 4 chỗ ngồi của chiếc máy bay.

Các khách hàng đầu tiên của loại máy bay này sẽ là những trường dạy bay, do các phi công tập lái thường khó có thể bay xa khỏi sân bay. Tuy nhiên, khi công nghệ tiến xa hơn, chiếc E-Fan có thể thu hút đông đảo khách hàng hơn. Airbus hy vọng máy bay của Hãng sẽ dần tiếp cận được với các hãng hàng không nhỏ, dù phải mất nhiều thập kỷ để điều này thành hiện thực.

Ngoài Airbus, vài công ty ở nhiều nước cũng đã tìm cách phát triển máy bay điện với hy vọng tạo ra các chuyến bay không dùng nhiên liệu hóa thạch, không tạo ra khí thải và tiếng ồn trong tương lai.

Hiện các máy bay này mới chỉ thực hiện được các hành trình ngắn và chủ yếu dùng để trình diễn trong các triển lãm hàng không. Nhưng Airbus bày tỏ hy vọng chuyến bay diễn ra hôm 10/7 sẽ mở đầu cho việc tạo ra một chiếc máy bay sử dụng động cơ lai xăng/điện, với khả năng chở tới 90 khách, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2050.

Chiếc máy bay của tương lai

E-Fan là chiếc máy bay điện 2 chỗ ngồi, với trọng lượng rỗng chỉ có 550 kg. Chiếc máy bay có sải cánh gần 10 mét, dài hơn 6 mét và cao khoảng 2 mét, có thể đạt tốc độ tới 200 km/h và tốc độ hành trình là 160 km/h.

E-Fan có hệ thống pin gồm 120 viên lithium-polymer với đặc điểm dung lượng lớn, trọng lượng nhẹ như trên những chiếc điện thoại di động. Hệ thống pin này có thể sạc đầy trong vòng 90 phút, giúp 2 động cơ điện của máy bay hoạt động từ 45 phút tới 1 giờ đồng hồ, tùy theo mức năng lượng mà phi công sử dụng. Hai động cơ điện của máy bay có công suất tối đa 60 kilowatt.

Do trọng lượng nhẹ, E-Fan có chi phí hoạt động rẻ hơn nhiều máy bay bình thường. Chiếc máy bay chỉ tốn có 16 USD cho mỗi giờ bay, so với 50 USD của các máy bay dùng động cơ piston chạy xăng.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link