23/06/2016 10:18 GMT+7 | Euro 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Anabelle Cruse-Bardinet gợi cho tôi một cảm giác, rằng những người phụ nữ làm chủ các nhà rượu thường phải là những người mạnh mẽ, cá tính, rất tự tin, và đương nhiên, lấy nghề làm rượu làm một lẽ sống.
Đến thăm lâu đài của nho và rượu vang
Con đường đến lâu đài của Anabelle ngập một màu xanh bất tận. Rời khỏi con đường chạy từ Bordeaux đi Libourne, một màu xanh mát của những cánh đồng nho đã hiện ra trước mắt, chạy đến tận chân trời, chạy lên những ngọn đồi thấp, với những ngọn tháp nhọn của lâu đài và nhà thờ kiểu cổ nhô lên trong nắng, màu xanh của trời một ngày mùa hạ, màu xanh của những hàng cây thẳng tắp chạy vào các trang trại, màu xanh của cuộc sống và hy vọng. Trên những con đường nhỏ là những biển hiệu khắp nơi nêu tên của những lâu đài, vốn là những nhà làm rượu mà nhiều trong số đó từ hàng bao thế kỉ qua đã cho ra đời những loại rượu hảo hạng khiến tên tuổi của Saint-Emilion đi khắp thế giới.
Anabelle Cruse-Bardinet trong cánh đồng nho nhà mình. Lâu đài Corbin có 13 hecta nho và là một trong những lâu đài sản xuất nhiều rượu hảo hạng nhất vùng rượu Saint-Emilion. Ảnh: Anh Ngọc
Tôi đã đi qua những cánh đồng nho bạt ngàn ở vùng rượu Stellenbosch của Nam Phi, hầu như năm nào cũng lái xe qua những núi đồi Tuscany lộng gió của vùng rượu Chianti Classico miền Trung nước Ý, đã đặt chân đến những cánh đồng nho ở Asti, nhưng chưa nơi nào gợi lên những cảm giác thanh bình và yên ả đến thế, khi cả một vùng thơm nức mùi của cỏ, của cây, trong một không gian tịch mịch và yên ắng vô cùng.
Anabelle đón tôi từ cửa của lâu đài của cô, một trang viên rộng lớn và cổ kính, với một ngọn tháp cao có từ thế kỉ 17 và một căn nhà vẫn còn in nguyên vẹn năm xây 1628, năm mà chàng d’Artagnan trong tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm” của Alexandre Dumas đã dấn thân vào những cuộc phiêu lưu của chàng. Dumas cũng có tả về rượu trong những trang sách ấy, và dù không nhắc đến tên Saint-Emilion, nhưng không quên nhắc đến chất men say tuyệt diệu của cuộc sống ấy. Nó khiến cho người ta say. Không phải say rượu, mà là say đời.
Lâu đài nhỏ được mua từ năm 1924 và năm 1999 được gia đình làm rượu nổi tiếng Cruse trao cho Anabelle, một thành viên của dòng họ ấy, chỉ là 1 trong số 800 lâu đài lớn nhỏ của vùng nho Saint-Emilion (toàn bộ vùng nho Bordeaux có tới hơn 8 nghìn lâu đài). Nhưng ở đây không có những công chúa, hoàng tử, những hiệp sĩ trong những câu chuyện cổ tích như ta vẫn hay đọc liên quan đến hai chữ “lâu đài”, mà bao quanh chỉ có những vườn nho xanh mát mắt, với quả bây giờ còn nhỏ và phải đợi thêm ba tháng nữa mới đến vụ thu hoạch, những nhà ủ nho rộng lớn và những hầm rượu mênh mông với cơ man là thùng gỗ sồi đang đựng thứ nước đã quyến rũ rất nhiều cái lưỡi, cuống họng, dạ dày và trái tim của những người mê rượu vang bao thế kỉ nay.
Uống để hưởng thụ cuộc sống và văn hóa
Mê để uống theo cách hưởng thụ cuộc sống, để hiểu về văn hóa con người, nghĩa là cần một cái phông văn hóa và kiến thức sống, chứ không phải mê để cạn li một cách ầm ỹ và ồ ạt theo hướng tàn phá sức khỏe của bản thân như ở nhà mình. Mê từ cách trồng nho với giống nho chủ đạo là Merlot, mê cách thu hoạch hàng năm vào vụ nho, mê cái khí hậu tuyệt vời, không nóng quá, không lạnh quá, lại gần biển và các con sông của vùng đất được Thượng đế ban phước này, mê những kiến thức mà Anabelle đã truyền lại khi cô nói về sự khác biệt đã làm nên thứ rượu hảo hạng của lâu đài cô với những nơi khác, do chất đất đồi khá nhiều cát ở đây không giống với những vườn nho kế bên của người (những điều khác biệt lớn nhất tạo ra đặc tính của vang là đất đồi, khí hậu, kĩ năng của người làm rượu và truyền thống của các gia đình làm rượu). Những cây nho nhiều năm tuổi cứ thế sống từng ngày trong sự chăm sóc một cách cần mẫn của các nhà làm nho và rồi một ngày cho quả mọng đỏ sậm trong vụ mùa.
Một cánh đồng nho ở vùng rượu Pomerol, Bordeaux, Pháp. Ảnh: Anh Ngọc
Những câu chuyện cũ kể rằng, ngày xưa, những cô gái trinh nữ sẽ là những người đi chân đất và giẫm vào nho trong lễ ngày mùa vào tháng 9 ở nơi này cũng như các nơi khác nữa trên đất Pháp. Bây giờ, không cần da thịt của thiếu nữ như thế nữa, mà cần cá tính mạnh của những người như Anabelle. Không ngạc nhiên khi số phụ nữ làm rượu ở Bordeaux đang tăng lên. Họ có nghị lực và sự dịu dàng, tinh tế trong cuộc sống cũng như công việc. Họ mát rượi như những hầm rượu mở ra mát lạnh, họ thơm thoang thoảng như mùi gỗ sồi quyện trong mùi nho đang ủ ở các thùng và họ mạnh mẽ như chất rượu được gắn nhãn “grand cru classe” mà cô đã mời tôi uống, sau khi đi thăm vườn nho, hầm rượu và lâu đài.
Saint-Emilion không còn là một bí mật đối với những người yêu rượu và biết thưởng thức rượu. Ngôi làng cổ ấy nổi tiếng vì loại rượu “grand cru” và vùng đất trải dài quanh đấy đã được đưa vào danh sách Di sản UNESCO. Nhưng làm thế nào để tạo ra rượu ngon, trong khi vẫn phải luôn chú ý một yếu tố luôn thay đổi và không thể lường trước được là thời tiết, thì vẫn là một bí mật của các lâu đài (các nghiên cứu cho thấy, tình trạng ấm lên của trái đất dẫn tới việc thu hoạch nho sớm hơn, nhưng rượu cũng sẽ ngon hơn). 5 nghìn hectare nho ở làng nhỏ này là 5 nghìn hectare của đam mê, lao động và cả sự hy sinh nữa. Hy sinh như cái cách mà những luống hoa hồng, vốn để làm đẹp cho đời, luôn được trồng trước các vườn nho. Không phải để làm đẹp, mà vì rất nhạy cảm với bệnh nấm sâu, hoa hồng được trồng như thể một người gác vườn. Người làm rượu chỉ cần nhìn hoa hồng là biết được vườn nho của họ ổn hay không.
Ba tháng nữa, những quả nho này sẽ chín mọng. Đấy cũng là lúc bắt đầu mùa thu hoạch. Ảnh: Anh Ngọc
Rượu không chỉ để uống
Rượu không chỉ là thứ để uống, mà là văn hóa về con người và vùng đất, là tình yêu và lẽ sống, là sự hòa quyện một cách tự nhiên của những yếu tố giữa trời và đất, với những con người đã tạo ra và biết thưởng thức thứ nước uống tuyệt diệu ấy của đời. Tôi nhấp một li vang và nghĩ về cuộc sống. Rượu không phải uống để say, để uống một cách vô tội vạ và tự tàn phá sức khỏe, mà rượu là để thưởng thức cùng với những đồ ăn thích hợp đi kèm, để vui với những người ta lựa chọn có mặt bên ta. Một chút men say của nó là để ta có thêm chất men cho cuộc sống, giúp ta sống tốt hơn, thậm chí lâu hơn và nhờ thế mà biết cách hưởng thụ “joie de vivre” (niềm vui sống) tốt hơn. Tôi lần giở thêm những trang bản đồ rượu của vùng Bordeaux. À, còn rất nhiều nữa, Pomerol, Médoc, Cognac, những vùng rượu nổi tiếng của vùng Aquitaine này, còn hàng biết bao những lâu đài lớn nhỏ nằm trên một vùng đất đáng yêu vô cùng mà rượu, xét cho cùng, chỉ là một phần đáng yêu của cuộc sống nơi này.
Những chai hảo hạng của lâu đài Corbin. Ảnh: Anh Ngọc
Tôi nhấp một li nữa với bà chủ lâu đài trong căn phòng trưng bày rượu rộng lớn của gia đình, với cửa sổ nhìn ra một vùng nho xanh ngắt. Bỗng dưng, tôi nhắm mắt lại trong chốc lát và hỏi thầm: “Còn bạn, bạn yêu cuộc sống theo cách nào?”.
Ở nơi mà rượu là chúa tể Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ Bordeaux chỉ là tên của một loại rượu vang. Nhưng trên thực tế, đấy là một vùng vang rộng lớn với diện tích gần 1 nghìn km vuông để cùng với Burgundy trở thành khu vực sản xuất vang chất lượng quan trọng nhất nước Pháp. Đi trên những con đường của vùng đất này mới thấy rượu là gì trong cuộc sống của họ. Rượu nói chung ở Pháp không chỉ đem lại hàng chục tỉ euro lợi nhuận từ việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra thị trường thế giới, nơi mà rượu Pháp được coi là một sản phẩm cao cấp, từ việc thăm các vùng rượu cũng kích thích du lịch khi mỗi năm có tới 10 triệu lượt khách thăm các vùng rượu, mà còn là văn hóa, là lối sống. Vùng rượu vang Bordeaux nói riêng có tới 57 định danh rượu khác nhau (những vùng sản xuất rượu dựa trên điều kiện thổ nhưỡng và tiểu khí hậu tác động tạo nên các loại rượu khác nhau), từ đó lại chia ra các cấp độ đánh giá khác nhau, chẳng hạn “premier grand cru classé”). Phần lớn trong số những loại rượu đỏ, trắng và vang sủi của vùng rượu Bordeaux đều được dán nhãn chứng nhận (AOC, appellation d’origine controlle) lên vỏ chai, khẳng định rằng sản phẩm này được sản xuất theo các quy chuẩn rất chặt chẽ liên quan đến giống nho, đất và nhiều quy chuẩn chặt chẽ khác nữa. Cité du Vin (Thành phố rượu) ở Bordeaux. Bordeaux cũng gia tăng các hoạt động quảng bá rượu của mình. Một Công viên chủ đề rượu đầu tiên trên thế giới đã được khai trương đầu tháng 6. Với tên gọi “Cite du vin” (thành phố rượu) và có thiết kế như một cái coóng đựng rượu khổng lồ, đấy là một thế giới thực sự của rượu vang Bordeaux, không chỉ giới thiệu về truyền thống làm rượu của vùng Aquitaine có từ gần 1 nghìn năm nay, mà còn là một siêu thị rượu khổng lồ đáng để tham quan và mua sắm. Ngoài ra, Festival rượu ở Bordeaux, bên bờ sông Garonne, sẽ bắt đầu từ hôm nay và kéo dài cho đến 26/6, là một dịp quan trọng để những người yêu rượu vang Bordeaux đến đây để tìm hiểu và thử rượu, mua rượu, cũng là cơ hội để hơn 1 nghìn nhà làm rượu và kinh doanh rượu Pháp và thế giới gặp nhau. Ước tính sẽ có gần 1 triệu lượt khách tới dự sự kiện này. Năm nay, những khách mời đặc biệt của festival là Hongkong, Quebec và Brussels và festival không chỉ tập trung vào rượu, mà còn ẩm thực, nghệ thuật và văn hóa. |
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Saint Emilion, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất