Người Việt dùng linh vật Việt

21/08/2014 08:04 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Sau công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL được Bộ VH,TT&DL gửi tới các ban ngành nhằm “khuyến cáo” về linh vật biểu tượng ngoại lai. Chiều 19/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT,NA&TL) cũng gửi tiếp công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam. Những hình ảnh linh vật Việt được đăng tải trên Thethaovanhoa.vn và website Cục MT,NA&TL khiến công chúng ngỡ ngàng.

Đằng sau những vẻ đẹp mang trầm tích ấy là những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ VH,TT&DL, Cục MT,NA&TL cùng sự chung tay của những người nghiên cứu di sản mỹ thuật cổ.


Tượng nghê đá thế kỷ 17. Ảnh do PGS-TS Trần Lâm Biền cung cấp

Gửi hình ảnh linh vật Việt tới từng địa phương

“Văn bản Cục chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Bộ được Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký hôm 8/8 về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” là kết quả của quá trình nghiên cứu của anh em quản lý khá lâu rồi” - ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT,NA&TL (Bộ VH,TT&DL) trao đổi với TT&VH.

Ông Thành nói tiếp: “Đặc biệt, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã rất tích cực đưa vấn đề này ra để xã hội quan tâm, thảo luận. Trước thực tế bức thiết, chúng tôi thấy đã đến lúc gửi một văn bản tham mưu lãnh đạo Bộ để gửi các địa phương đề nghị có những biện pháp xử lý những biểu tượng, vật  phẩm, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Ông Vi Kiến Thành cũng là người trực tiếp ký kịp thời công văn về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam ngay sau công văn “khuyến cáo” của Bộ VH,TT&DL. Theo ông Thành, để có được văn bản đi kèm những hình ảnh thông tin nhanh như vậy, phải kể đến sự đóng góp nhiệt thành của những người nghiên cứu mỹ thuật, di sản, và các cơ quan truyền thông.

“Những mẫu linh vật cổ vẫn tồn tại ở khắp dặm dài đất nước. Và với sự giúp đỡ vô tư, nhiệt tình của những người yêu di sản, chúng tôi hiện tại đang sở hữu một khối lượng khá lớn những hình ảnh, thông tin về những linh vật biểu tượng của người Việt ở các đình, chùa, lăng, đền. Những hình ảnh này được tổng hợp và chắt lọc thành 20 hình ảnh, với chú thích đầy đủ niên đại, đi kèm công văn của Cục” - ông Vi Kiến Thành nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Thành, Cục đã gửi văn bản trên tới Sở VH,TT&DL của các địa phương, để các đơn vị tư vấn với tỉnh, thành phố tham khảo cũng như có cơ sở để vào cuộc mạnh tay với linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử văn hóa.


Tượng nghê đá thế kỷ 17. Ảnh do PGS-TS Trần Lâm Biền cung cấp

Để thẩm thấu tinh thần Việt

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục MT,NA&TL, người trực tiếp liên hệ với những người yêu mỹ thuật cổ để tổng hợp thành hệ thống văn bản chia sẻ: “Bên cạnh đó, trên website ape.gov.vn của Cục, chúng tôi cũng cập nhật liên tiếp những hình ảnh, thông tin, địa điểm những biểu tượng, linh vật Việt. Việc này nhằm tuyên truyền, giới thiệu và mong muốn công chúng có được cái nhìn cụ thể về tinh thần thẩm mỹ ở những linh vật, vừa để những cơ sở sản xuất những linh vật có thể tham khảo”.

Khi được hỏi: Bẵng một thời gian quá dài, những người thợ Việt còn khả năng làm linh vật dân tộc? Ông Bình đáp: Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, vẫn có những người âm thầm, tỉ mỉ làm linh vật mang tinh thần truyền thống Việt để trưng bày. Bên cạnh đó, đặc điểm của những linh vật hiện có trong di tích của chúng ta là không con nào giống nhau. Mỗi con vật đều chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước vọng và có cả sự thăng hoa của người thợ. Vì thế những hình ảnh Cục cập nhật thường xuyên không phải để người thợ rập khuôn theo mà là để họ thẩm thấu tinh thần Việt rồi viết tiếp những trang sử mỹ thuật dân tộc bằng đôi tay mình, người thợ của thế kỷ 21.

Trao đổi với TT&VH, ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đồng tình: Bộ mà đại diện là Cục MT,NA&TL cần cung cấp để nâng cao nhận thức của người dân. Vì thực tế nhiều người cũng không biết sư tử đá nhà mình hay mình cung tiến là sư tử ngoại lai. Bởi vậy, việc làm của Cục MT,NA&TL là hợp lý và cần thiết để người dân hiểu dân tộc ta có những hình tượng mỹ thuật đẹp, ý nghĩa như thế. 

Hà Nội sẵn sàng tháo dỡ sư tử đá ngoại khỏi di tích

Sau khi nhận được công văn của Bộ về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội cho hay: Thời gian tới, để hạn chế vấn nạn sư tử đá ngoại lan tràn di sản Việt, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Di sản với những người trông nom di tích, chúng tôi sẽ chú trọng hơn tới việc nâng cao ý thức của cộng đồng, những người cung tiến hiện vật vào di sản.

Với những hiện vật ngoại lai tại di tích, trước hết, Sở sẽ tham mưu thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các nơi quản lý di tích để họ có ý thức di dời. Nếu không, chúng tôi buộc phải sử dụng biện pháp cưỡng chế. Đó là một quá trình chúng tôi phải làm, nhưng phải thực hiện từng bước một.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link