Chiến thắng của Tây Ban Nha: Tin ở hoa hồng

05/07/2008 10:55 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Người Tây Ban Nha đã phải ròng rã chờ đợi trong 44 năm để nhìn đội nhà lên ngôi vô địch một giải đấu lớn. Nhưng so với khi Marcelino sút tung lưới Lev Yashin để mang về chiếc Cúp năm 1964, cú sút của Fernando Torres qua tay Jens Lehmann mang lại những cảm xúc mãnh liệt hơn. Đó không phải là vấn đề về độ khó (EURO 1964 chỉ có 4 đội tham dự và TBN có sự hậu thuẫn của nhà độc tài Franco) mà là vấn đề về sự òa vỡ của cảm xúc sau bao bất công và lời nguyền cay độc nhắm vào người TBN.

Chiến thắng của một nền bóng đá

Bốn thập kỷ trôi qua, 2 tay vợt Sanchez Vicario, Rafael Nadal đã từng lên ngôi số 1 thế giới, Fernando Alonso từng thống trị làng đua F1, bóng rổ TBN vô địch châu Âu, họ cũng vô địch bóng đá… trong nhà và bóng đá trẻ. Nhưng với cấp độ đội tuyển ở môn thể thao vua thì không. Lần họ đến gần nhất với vinh quang là EURO 1984, nhưng khi ấy sai lầm của thủ môn Araconada đã trả giá bằng chức vô địch. Suốt một thời gian dài, người ta nhìn TBN như những kẻ thất bại hiển nhiên. Cứ đến tứ kết là về nước, cứ đá penalty là 90% sẽ thua và cứ đá với Italia là không có cửa thắng.

Nhưng nỗi ám ảnh ấy đã không còn. Những cầu thủ có tuổi trung bình trẻ thứ 2 tại giải lần này đã chứng mình một điều rằng: chính con người sẽ làm nên lịch sử chứ không để cho nó chi phối. Casillas rực sáng trong trận tứ kết, đưa TBN vào tứ kết sau loạt đá luân lưu định mệnh. Chiến thắng ấy như một sự giải nguyền, giải phóng TBN ra khỏi những gánh nặng vô hình đang đeo bám. Hai trận bán kết và chung kết, TBN thể hiện sức mạnh tuyệt đối, sự quyết tâm tuyệt đối và niềm tin tuyệt đối. Người Nga và người Đức thất bại tâm phục khẩu phục. Casillas và đồng đội nhận Cúp Henri Delaunay trong đêm Vienna lịch sử. Bóng đá TBN sang trang.

Chỉ hai ngày sau khi đăng quang, bảng xếp hạng FIFA công bố TBN là đội bóng số một thế giới. Đó là lần đầu tiên từ khi BXH này ra đời, TBN được vinh dự xếp đầu. Đó là một sự vinh danh xứng đáng cho một nền bóng đá vốn rất mạnh nhưng thiếu một chút bản lĩnh và một HLV thật sự tài năng để đưa họ đến tận cùng của ước mơ. Đất nước của bán đảo Iberia này chưa bao giờ thiếu những cầu thủ tài năng, những CLB của họ luôn là những người đi chinh phục Champions League và cúp UEFA, Primera Liga là một trong những giải vô địch quốc gia hay nhất thế giới. Người TBN gặp khó khăn khi thi đấu quốc tế một phần là do các cầu thủ của họ chỉ thích đá cho các CLB trong nước. Mức lương cao cùng những ưu đãi về thuế khiến cho một thời gian dài, chẳng ai buồn cất bước ra nước ngoài lập nghiệp. Trong thời đại toàn cầu hóa đã xâm lăng vào bóng đá, điều ấy không hẳn đã tốt. Nhưng với việc Fernando Torres tỏa sáng tại Liverpool, Cesc Fabregas là trái tim của Arsenal và những Campo, Arteta… đã bắt đầu có chỗ đứng tại các CLB Premier League, “Seleccion” thật sự được hưởng lợi. Chính môi trường khắc nghiệt tại Anh đã khiến cho Torres và Cesc trưởng thành. “El Nino” đã ghi bàn trong một trận chung kết đầy sức ép còn Cesc đóng góp đáng kể cho hàng tiền vệ của đội bóng dù vào sân từ ghế dự bị hay xuất phát ngay từ đầu.
 

Đó là những “mặt hàng xuất khẩu”. Còn ở trong nước, những Xavi, Casillas, Iniesta, Sergio Ramos… đều đã từng vô địch các giải bóng đá trẻ châu Âu và thế giới. Việc TBN vô địch EURO cho thấy công tác đào tạo cầu thủ trẻ đang đi đúng hướng. Những cầu thủ có tuổi đời còn rất trẻ này hứa hẹn một tương lai thật sự tươi sáng cho bóng đá TBN. Như Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã nói: EURO 2008 chỉ là sự khởi đầu. Tất cả cùng hướng đến World Cup 2010, EURO 2012, World Cup 2014… TBN sẽ phải là một thế lực của bóng đá thế giới.

Chiến thắng của bóng đá đẹp

EURO 2008 nói chung và chiến thắng của TBN nói riêng khẳng định rằng: bóng đá đẹp không chết. Nó vẫn hiện hữu và cần phải hiện hữu trong hiện tại và tương lai. Hà Lan thắp sáng EURO bằng 2 trận thắng oanh liệt trước Italia và Pháp. Cơn lốc này dừng lại trước đội tuyển Nga, một đội tuyển cũng rất thích tràn lên phía trên với nhạc trưởng Andrei Arshavin. Rồi sau đó chính Nga lại thua Tây Ban Nha đến 0-3 vì không thể tìm ra đối sách để chống lại hàng tiền vệ quá kỹ thuật với họ.

Thất bại của người Đức – những người lạnh lùng, thực dụng và sát thủ - trước TBN là một trận đấu mang tính biểu tượng. Trong thời đại mà mọi người đều đặt nặng vấn đề thắng thua như hiện nay, vẫn có đất cho những đôi chân nghệ sĩ, vẫn có những khoảnh khắc mà khán giả có thể thưởng thức bóng đá một cách mãn nhãn. Đừng trách TBN vì họ đã đá quá chán trận gặp Italia, những gánh nặng lịch sử đã gò bó đôi chân của họ và bản thân người Italia đã cố gắng biến trận đấu thành một cuộc đấu trí.

Sự tính toán chi ly của người Hy Lạp của EURO 2004 đã qua đi, sự lên ngôi của trường phái bóng đá phòng ngự phản công của người Italia tại World Cup 2006 cũng đã ở lại phía sau. EURO 2008 là nơi tôn vinh thứ bóng đá đẹp mắt. Bàn thắng của Sneijder trận gặp Italia, của Pavlyuchenko trận gặp Hà Lan hay của Torres trận chung kết là những điểm son, tô điểm thêm cho bữa tiệc bóng đá. Việc Xavi được chọn là cầu thủ hay nhất giải càng là một sự khẳng định cho thành công của TBN. Anh nói: “UEFA có thể trao giải thưởng này cho bất kỳ ai trong đội bóng của chúng tôi. Tôi nghĩ TBN đã làm một việc rất có ích cho bóng đá thế giới”.

Hầu hết các đội bóng đều khởi đầu với đội hình 4-4-2 nhưng sau đó đều chuyển sang 4-5-1. Kỳ thực sự chuyển đội này không làm cho đội hình lùi xuống mà càng gia tăng sức mạnh tấn công. Hà Lan chơi với bộ đôi tiền vệ trung tâm Engelaar – De Jong là để giải phóng gánh nặng phòng ngự cho cả 3 tiền vệ Sneidjer, Van Der Vaart, Robben (Van Persie) để họ toàn tâm lo nghiệm vụ tấn công và yểm trợ cho Van Nistelrooy. Đức chuyển sang đá 4-5-1 để Ballack có thể nhô cao và hợp cùng với Podolski và Schweinsteiger làm 3 mũi tấn công nguy hiểm. TBN thì có đúng một mình Marcos Senna lo nhiệm vụ thu hồi bóng. Họ là đội bóng dám lấy tấn công làm phòng thủ, lấy khả năng kỹ thuật để chống lại sức mạnh cơ bắp. EURO 2008 chứng kiến sự tỏa sáng của các hậu vệ biên, từ Philipp Lahm đến Yuri Zhrikov, từ Hamit Altintop đến Sergio Ramos. Đó là những dấu hiệu thật sự đáng mừng cho bóng đá tấn công.

HLV Luis Aragones có so sánh hàng tiền vệ của ông với những Rivelino, Tostao… của Brazil 1970. Nói như thế e hơi… phô trương nhưng thật sự, những tiền vệ kỹ thuật và di chuyển nhịp nhàng của TBN đã khiến EURO thật sự đáng xem. Khán giả mua vé vào sân ngoài việc ủng hộ đội nhà còn để thưởng thức bóng đá. Họ vẫn thích những trận thắng 4-3 hay 5-3 hơn là những tỷ số tẻ nhạt và 2 đội thể hiện sự toan tính của mình như trên bàn cờ. Bóng đá đã có Jose Mourinho, Rafael Benitez thì cũng cần phải có những Frank Rijkaard, Aragones hay Guus Hiddink. Thắng lợi của TBN nói lên một điều rằng bóng đá đẹp không chết, quan trọng là ta có dám đi đến tận cùng với nó hay không mà thôi.

Người TBN vô địch châu Âu vì cầu thủ của họ không tin vào số mệnh. Người TBN quyết đá đẹp vì họ không tin chỉ có 1 con đường duy nhất để đi đến chiến thắng. Niềm tin của họ đã làm nên một EURO hấp dẫn và đẹp mắt. Họ lúc nào cũng tin ở hoa hồng!
 
Trần Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link