16/05/2012 14:38 GMT+7 | Đức
(TT&VH) - Nếu Bayern đăng quang ở Champions League mùa này, đó sẽ là chiến thắng của một nền bóng đá vẫn bị coi là hạng Hai ở châu Âu, nhưng thực chất, với những gì đã tạo dựng được, Bundesliga xứng đáng được xếp vào hàng đầu, và thậm chí là giải đấu hấp dẫn nhất lục địa già hiện tại.
Khách hàng là Thượng đế
Làm CĐV ở Đức thật “sướng”. Giá vé trung bình một trận quy đổi ra là 17 bảng Anh, rẻ hơn bất cứ đâu trong số 5 giải hàng đầu châu Âu, đặc biệt là Premier League. Các khán giả Đức có thể đứng tràn ra cả các bậc thang của SVĐ được thiết kế an toàn, và giữa giờ nghỉ, họ được phép ăn hamburger và uống bia. Các sân vận động đều rất hiện đại, với rất nhiều trong số đó từng được xây dựng và nâng cấp để phục vụ cho World Cup 2006, một vòng chung kết Cúp thế giới mà công tác tổ chức được đánh giá là tốt bậc nhất trong lịch sử. Còn nữa: Các CĐV đội khách sẽ được miễn phí vé đi tàu điện ngầm đến sân.
Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, bóng đá Đức thu hút một lượng khán giả khổng lồ, bất chấp việc rất nhiều đội bóng tại Bundesliga đã hạn chế loại vé bán cả mùa. Lượng khán giả trung bình đến sân mùa trước ở Bundesliga lên đến 42,700 người, hơn Premier League 7 nghìn người. Tại Italia, TBN và Anh, con số ấy dao động quanh 25 nghìn người, hoặc thậm chí là thấp hơn. 8 trong số 20 đội có lượng CĐV đông đảo bậc nhất châu Âu thuộc Bundesliga (chỉ có 4 trong số này là các đội bóng Anh). Sân Signal Iduna Park của ĐKVĐ Đức Dortmund thu hút bình quân 77,428 CĐV mỗi trận, tỉ lệ khán giả số một ở châu Âu, trên cả những gã khổng lồ của bóng đá thế giới là Barcelona (76,828) , Manchester United (74,839) và Real Madrid (74,622).
Các đội bóng Đức cũng tạo ra mối liên kết với những CĐV của họ bằng luật “50+1” (tối thiểu 51% cổ phần của một CLB Đức phải được sở hữu bởi các hội viên đội bóng), đồng thời ngăn chặn việc đội bóng trở thành vật sở hữu của một cá nhân hay tổ chức, trừ hai trường hợp bắt nguồn từ lịch sử của họ là Wolfsburg (vốn là đội bóng của các công nhân nhà máy Volkswagen) và Bayer Leverkusen (thuộc hãng dược phẩm Bayer). Luật “50+1” là cánh cửa khép kín với những tài phiệt kiểu Roman Abramovich và Sheikh Mansour, cũng ngăn chặn những nguy cơ có thể khiến đội bóng lâm vào cảnh phá sản, bởi rủi ro đã được giảm thiểu bằng quyết định số đông.
Bóng đá hấp dẫn
Không chỉ tạo ra được một mô hình khuyến khích các CĐV yêu bóng đá và đội bóng của họ một cách chân chính, Bundesliga còn thực sự thu hút người hâm mộ bằng “sản phẩm chính” của họ. Bóng đá Đức đã trải qua một quãng đường dài để được như ngày hôm nay, từ cái thời mà tất cả các đội đều chơi với một hậu vệ quét, phòng ngự theo kiểu kèm người, trước khi phất bóng lên cho một tiền đạo cắm cao to dạng Carsten Jancker. Bây giờ, bóng đá của họ là cuộc chơi của những hàng thủ 4 người giăng ngang, phòng ngự khu vực, các trận đấu diễn ra với tốc độ lẫn hàm lượng kỹ thuật cao, theo thiên hướng tấn công.
Sau giải EURO 2000 thất bại toàn diện, Liên đoàn bóng đá Đức đã phát động một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn những quan niệm cũ về bóng đá Đức, để rồi đến World Cup 2006, đội tuyển Đức của Juergen Klinsmann đã đoạt huy chương đồng với lối chơi tận hiến, mạo hiểm, trẻ trung. Và tư tưởng ấy được phát triển một cách nhất quán từ cấp CLB đến ĐTQG từ năm 2006 đến nay. Mùa này, Dortmund cũng đã trở thành đội bóng hay nhất trong lịch sử Bundesliga với lối chơi phóng khoáng ấy.
Tính cạnh tranh tốt
Chất lượng bóng đá, xét trên cả khía cạnh thẩm mỹ lẫn sự sâu sắc, đi kèm với tính cạnh tranh tốt. Bayern luôn được coi là thế lực số một nước Đức, và với 160 triệu bảng thu nhập thương mại mỗi năm, họ kiếm gấp đôi các đội khác ở đấu trường quốc nội (trừ Schalke), thậm chí còn kiếm nhiều hơn cả Manchester United và Real Madrid, bất chấp việc hai đội bóng ấy được nhận mức bản quyền truyền hình cao hơn. Nhưng cho dù đội bóng xứ Bavaria đăng quang đến 8 lần trong 14 năm qua, thì nên nhớ rằng 5 đội bóng khác nhau đã giành Đĩa bạc chỉ trong 9 mùa vừa qua. Năm ngoái, Bayern thậm chí còn trắng tay và mùa này, một lần nữa, họ phải nhường đường cho Dortmund ở tất cả các mặt trận quốc nội. Đây là trận chung kết Champions League thứ hai của Bayern trong 3 năm, và Bundesliga cũng đã vượt qua Italia trên BXH UEFA để giành 4 suất dự Champions League mỗi mùa bóng.
Cuối cùng, Premier League, giải đấu được coi là hấp dẫn nhất hành tinh hiện tại, vẫn phải ghen tị với Bundesliga ở một điểm: Dù giá vé rẻ hơn, ít ngôi sao hơn, ít tiền hơn và truyền thông không mấy ồn ào, thì giải VĐQG Đức vẫn sản sinh ra được một ĐTQG mạnh mẽ, nằm trong số những đội tuyển hay nhất hành tinh hiện tại.
Chỉ còn thiếu ngôi sao Các ngôi sao lớn nhất đều đang đổ về Anh và TBN, còn các đội bóng Đức (có lẽ chỉ trừ Bayern) vẫn đang bị coi là trạm trung chuyển cho Liga và Premier League. Mesut Oezil, Sami Khedira và Nuri Sahin đã lũ lượt ra đi trong 2 mùa bóng chỉ để giải quyết bài toán tiền vệ cho Real Madrid. Mới đây, HLV Alex Ferguson của Manchester United xuất hiện trên khán đài trận chung kết Cúp QG Đức để “xem giò” Shinji Kagawa. Hiện tại, chỉ có Bayern, với các ngôi sao sáng giá như Ribery, Robben… là “đề kháng” được với những lời chào mời từ Anh và TBN, nhưng điều đáng mừng là những thần đồng mới như Mario Goetze, hay Marco Reus đều sẵn sàng nói lời từ chối để phát triển tiếp tục ở môi trường Bundesliga. Các chính sách quản lý tài chính ngặt nghèo của bóng đá Đức sẽ giúp các đội Bundesliga không bị bỡ ngỡ khi Luật công bằng tài chính có hiệu lực, và đó là cơ sở để người hâm mộ Đức tin rằng trong tương lai không xa, không chỉ có Bayern mới thu hút được những ngôi sao đến chơi bóng ở Bundesliga. |
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất