24/04/2015 14:04 GMT+7 | Phim
Cả 7 phim đều do tư nhân sản xuất, trong đó có 3 phim ma - kinh dị, 3 phim hài - hành động, và 1 phim tâm lý - xã hội đen. Nếu chỉ nhìn số lượng, thì đây là một tín hiệu vui, nhưng nhìn vào chất lượng thì chớ vội mừng.
Ngày dự kiến ra rạp như sau: Ma dai (28/4), Oan hồn (28/4), Ngủ với hồn ma (8/5), Lật mặt (15/5), Bộ ba rắc rối (15/5), Bảo mẫu siêu quậy (29/5), Quyên (29/5).
Kịch bản vẫn yếu nhất
Chạy trốn chủ nghĩa hiện thực, hoặc nỗ lực tạo ra một thứ hiện thực “phi thực” là điều mà các phim ra rạp trong đợt này hướng đến. Thế nhưng, do kịch bản khá sơ sài, nông cạn (có thể nhận thấy qua việc truyền thông của phim) nên sẽ khó tải được ý đồ hay thông điệp đó.
Xét riêng yếu tố ma quái, kinh dị thì các kịch bản của Ma dai (KB - ĐD: Đức Thịnh - Hoàng Duy), Oan hồn (KB: Troy Lê - Lê Quốc Nam, ĐD: Troy Lê), Ngủ với hồn ma (KB - ĐD: Bá Vũ)… vẫn khá quen thuộc, điều mà khán giả thích thể loại này có thể xem trong hàng trăm phim phát hành gần đây. Vấn đề còn lại là cách kể thế nào, khi mà kinh phí của 3 phim này đều từ thấp đến rất thấp, chi phối khá nhiều đến việc đầu từ các hiệu ứng, kỹ xảo. Thậm chí đây là phim ma - kinh dị đầu tay của các đạo diễn này.
Xét riêng yếu tố hài hước, thì kịch bản của Ma dai, Oan hồn, Bộ ba rắc rối (KB - ĐD: Võ Tấn Bình), Bảo mẫu siêu quậy (KB: Thanh Hương - Lê Bảo Trung, ĐD: Lê Bảo Trung) và Lật mặt (KB - ĐD: Lý Hải)… cũng chưa hé lộ cho thấy yếu tố nào mới mẻ, hoặc thật sự thu hút.
Còn xét riêng về yếu tố giải trí và kinh doanh thuần túy, trừ phim Quyên, các phim còn lại dường như chỉ được sản xuất với chủ đích này. Chính vì vậy, việc yêu cầu hay hy vọng các kịch bản ý nghĩa, sâu sắc, giàu nhân văn là điều vô vọng, không tưởng.
Điện ảnh mất ý nghĩa
Nếu nhìn vào cách làm của các phim Việt đợt này thì dường như điện ảnh Việt đang tự đánh mất ý nghĩa với lịch sử của chính nó. Nhà nhà, người người làm phim, mà kinh phí vừa thấp, vừa chắp vá, thành ra chất lượng chẳng biết đi về đâu. Có lẽ từ thời có điện ảnh tại Việt Nam, chưa bao giờ phim chiếu rạp dễ làm và dễ dãi như hiện nay.
Cũng có vài ý kiến cho rằng nhìn vào các phim ra rạp trong tháng 5 này mà nghĩ đến giai đoạn gần cáo chung của “phim mì ăn liền” hồi đầu thập niên 1990. Đó là so sánh còn có vẻ lạc quan, bởi “phim mì ăn liền” còn có cơ hội để chết, còn những phim thời này thật khó chết.
Khó chết vì mấy lý do: Thứ nhất, những người muốn làm phim bây giờ quá nhiều, nên chết người này sẽ có người khác thay thế. Đầu tư phim cũng giống... nuôi lợn, chỉ 5-6 tháng là biết kết quả, nên nhiều người thích tham gia. Thứ hai, đa phần các phim Việt được các rạp chiếu tư nhân - mà đa phần thuộc nước ngoài quản lý - bao tiêu, vì họ phải đảm bảo một tỷ lệ phim Việt theo luật định. Chính cái tỷ lệ này làm cho họ phải chiếu phim Việt, dù quá dở; nếu có khán giả thì điều chỉnh thêm suất, còn không thì chiếu cho có chiếu mà thôi.
Nếu ngày trước điện ảnh nói chung được quan niệm như là cách để bày tỏ một cái nhìn mới lạ, cao đẹp và nhân văn so với mặt bằng chung của đời sống, thì ngày nay điều đó đã thay đổi. Đối thoại với rất nhiều nhà sản xuất, nhiều đạo diễn… bây giờ làm phim chỉ là để kiếm lợi nhuận, những điều khác, không còn quan trọng.
“Quyên” lẻ loi |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất