22/10/2011 10:33 GMT+7 | Thế giới
Chòng chành phận ghe nhỏ giữa dòng
Ba Chúc dáng người nhỏ, da sạm đen, mái tóc cháy nắng, vốn đã sống ở xóm chài này hơn 30 năm. Nụ cười tươi rói lộ hàm răng ám khói thuốc lá, ông nói: “Nước sẽ xuống lúc 1 giờ chiều nên tôi mới hẹn các chú đi giờ này, cứ nước xuống thì mới có cá, còn nước lên là cá đi đâu hết”.Ba Chúc khệ nệ trên vai tấm lưới chài nặng đến gần chục kí, tay bê một ấm trà xanh còn nóng hổi bước xuống chiếc ghe nhỏ chiều dài khoảng 6 mét, chiều rộng hơn 1 mét. Chiếc ghe này đã theo ông hơn 30 năm, từ ngày ông lập gia đình. Nó đã theo ông với vợ ông cùng 5 người con gái vượt qua những ngày tháng thăng trầm.
Ông ba Chúc đánh cá trên sông Sài Gòn
Giữa trưa, nắng chói chang, những cơn gió ùa vào khoang cũng không đủ để xoa dịu oi bức. Bà Nguyễn Thị Hinh (51 tuổi) vợ ông Chúc khua mạnh hai mái chèo đẩy chiếc ghe ra khỏi đám lục bình, rồi tiếng máy nổ phành phạch, ông Chúc chở chúng tôi đến tuyến sông Vàm Thuật, gần đoạn giao giữa quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
“Thường tôi vẫn đi chài ở khu vực này hoặc đến đoạn sông phía sau nhà máy xi măng Hà Tiên, Thủ Đức. Nhiều khi phải chạy đến Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, cá ngày càng hiếm, đi xa mới kiếm được” - ông Chúc kể.
Những chiếc thuyền to, ca nô cao tốc vút qua, những cuộn sóng lớn cứ thốc mạnh khiến chiếc ghe nhỏ bé của chúng tôi vốn đã chạy chậm lại bị chòng chành chao đảo. Nhiều lúc, ông Chúc phải tắt máy cho bà Hinh nhanh chóng khua mái chèo quay mũi ghe “đón” sóng. Bà Hinh vừa chèo vừa bảo, nếu không quay mũi ghe thì sóng sẽ làm lật nhào.
“Hồi 5 đứa con nheo nhóc, còn bé xíu nằm trên ghe, tôi sợ nhất là cuộn sóng của thuyền lớn lúc trời mưa giông. Lỡ ghe lật, mình rớt xuống sông không sao chứ mấy đứa nhỏ rớt xuống thì mất mạng. May mà trời thương, gia đình tôi vẫn bình an” - bà Hinh kể.Ông hết quăng lưới bên phía này, lại sang phía kia rồi lại bảo vợ chèo ghe ra nơi khác để tiếp tục lặp đi, lặp lại công việc. Tôi không nhớ là sau bao nhiêu mẻ lưới, thành quả của ông là vài con cá rô nhỏ xíu, vài con cá lau kính và vài con cá trê. Ánh nắng gay gắt vẫn chiếu thẳng xuống mái tóc vàng cháy và tấm lưng trần sạm đen, ông gỡ những con cá bé xíu ra khỏi lưới, bỏ vào khoang ghe và nói: “Đã 3 giờ chiều, nước triều lên, mà chỉ kiếm được chừng 2 kg cá, đem ra chợ bán chỉ được khoảng 50 nghìn.
Ngoài mấy con cá rô nhỏ xíu, “chiến lợi phẩm” đáng kể nhất là chú cá lau kính này
Trừ đi tiền xăng dầu, gần 20 nghìn nữa, tính ra kiếm được 30 nghìn bạc. Nước sông ngày càng ô nhiễm, cá ngon và tôm mất hết, chỉ còn lại những loại cá này thôi”. Bà Hinh cũng buồn bã kể lại: “Ngày xưa bắt được nhiều loại cá ngon lắm như: cá dứa, cá chim, cá út, cá chép... lúc đó vợ chồng tôi vẫn đủ sức lo được cho 5 đứa con. Chứ bây giờ, nước ô nhiễm thế này làm sao mà sống nổi. Đây là nghề “cha truyền”, nhà tôi chỉ biết duy nhất nghề này, nên vợ chồng tôi vẫn ráng bám nghề kiếm sống. Ngày trước nhiều người làm nghề cá lắm nhưng rồi dần dần bán ghe, bỏ nghề lên bờ làm ăn hết rồi”.
Theo lời Ba Chúc, cuộc sống gia đình ông giờ chỉ còn có 4 người, 2 vợ chồng ông, đứa con gái út 19 tuổi và đứa cháu ngoại 5 tuổi. Những đứa khác đã có gia đình riêng, nên bây giờ chỉ mình ông là nguồn lao động chính từ nghề cá, lâu lâu có ai thuê chở hàng thì lại có thêm tiền. “Cuộc sống của chúng tôi là bữa đói, bữa no, con cái có gia đình mà cũng nghèo khổ nên chẳng phụ giúp gì cho vợ chồng già. Dù lớn tuổi, vợ tôi cũng yếu do bị tiểu đường, nhưng vẫn phải bám nghề đánh cá vì chẳng biết làm gì để sống nữa” – ông Ba Chúc tâm sự.
Trở về xóm chài, chúng tôi mua hết số cá và gửi lại biếu vợ chồng ông ít tiền chi phí xăng dầu để chở chúng tôi đi. Dường như trên khuôn mặt khắc khổ của vợ chồng ông ánh lên một niềm vui, bà Hinh nói với chúng tôi bằng giọng run run xúc động: “Cám ơn các chú”.
Bài 2: Chìm nổi cùng… rác với bùn
Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất