17/10/2014 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Campuchia đang chuẩn bị xây dựng quần thể viện nghiên cứu và bảo tàng tội ác diệt chủng mang tên Sleuk Rith. Công trình này do nữ kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid thiết kế và được công bố đúng 35 năm sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sụp đổ.
Viện Sleuk Rith là một tập hợp công tình gồm bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, trung tâm tư liệu, trung tâm giáo dục và thư viện, tọa lạc trong một công viên mới mở rộng ở trung tâm thủ đô Phnom Penh. Quần thể này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu tội ác diệt chủng khắp châu Á, có ý nghĩa giáo dục mạnh mẽ.
Không thể là nô lệ của quá khứ
Dự án là ý tưởng của nhà hoạt động nhân quyền Youk Chhang (53 tuổi). Ông là Giám đốc Trung tâm Tài liệu Campuchia (DC-Cam) từ năm 1995. Thời gian qua, Chhang đã tích lũy được số lượng lớn tài liệu kể chi tiết về sự tàn bạo của Khmer Đỏ, chế độ đã tàn sát 2 triệu người Campuchia trong thời gian cầm quyền.
“Chúng tôi đã phải sống với một cái bóng dài và tăm tối” – Chhang nói - “Song chúng tôi không thể là nô lệ của quá khứ ấy. Tôi muốn Viện Sleuk Rith mang lại điều gì đó mới mẻ và chứa đựng hy vọng, giúp chúng tôi thoát khỏi nỗi ám ảnh là các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ”.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Chhang và đội ngũ của ông đã thu thập được hơn 2 triệu tài liệu, tranh ảnh, giấy tờ, các thước phim và đã vẽ bản đồ 200 nhà tù cùng 20.000 ngôi mộ tập thể khắp Campuchia.
Qua các báo cáo mật mô tả tình cảnh ở nông thôn - nơi 1 triệu người đã bị chết đói, tới những lời khai của hàng ngàn tù nhân đã bị cảnh sát mật giết hại, kho tài liệu của Chhang đã cung cấp nhiều bằng chứng quan trọng và cần thiết trong vụ xét xử 2 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, gồm Khieu Samphan (83 tuổi) và Nuon Chea (88 tuổi). Cả 2 kẻ này cuối cùng đã bị kết án do phạm tội ác chống lại loài người hồi tháng 8 năm nay.
“Tòa án là một trong những quy trình cần thiết để đặt nền móng cho sự hàn gắn và hòa giải. Song bạn không thể xóa nhòa được một ký ức sâu như vậy” – Chhang nói và kéo ống quần, để lộ ra miếng sẹo kéo dài xuống bắp chân. Đây là hậu quả từ những lần bị đánh đập trong trại lao động khổ sai, nơi ông bị đưa vào từ năm 14 tuổi.
Chị gái ông phải chịu số phận khủng khiếp hơn: bị buộc tội ăn cắp gạo. Lính canh trại đã rạch bụng chị để tìm dấu vết vụ ăn cắp, song khi thấy dạ dày trống không, chúng đã để chị chết đau đớn. “Giống như một cơn đau tim thầm lặng, bạn nghĩ rằng mình đã ổn, nhưng căn bệnh lại tái phát” – Chhang nói - “Tôi muốn Viện Sleuk Rith phá vỡ sự im lặng đó và hướng tới tương lai. Rất nhiều bảo tàng tưởng niệm đã tạo cho khách tham quan cảm giác buồn, giận dữ và không thể tha thứ. Các công trình đó thường do nam kiến trúc sư thiết kế. Vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu mời một nữ kiến trúc sư thiết kế Viện Sleuk Rith".
Lấy ý tưởng từ đền Angkor Wat
Zaha Hadid lâu nay được mệnh danh là “phù thủy” của trường phái kiến trúc giải tỏa kết cấu. Kiến trúc mà Zaha tạo ra luôn dựa trên các hình khối có cấu trúc zig-zag đa dạng, tạo cảm giác về một cơ cấu chuyển động tựa như chất lỏng, khiến người xem tưởng như không gian xung quanh đang dịch chuyển không ngừng.
Trong dự án Viện Sleuk Rith, bà đã đưa vào thiết kế những đường cong uốn lượn uyển chuyển, qua đó tạo nên một công trình hài hòa khác thường. Đáng chú ý là 5 chức năng của Viện Sleuk Rith được thể hiện rõ trong 5 cụm tòa nhà riêng biệt, tượng trưng cho 5 tháp của đền Angkor Wat.
“Công trình này khác hẳn các dự án còn lại của chúng tôi” – kiến trúc sư Hadid cho biết - “Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng gỗ trong thiết kế, nhằm tạo nên một tâm trạng ấm áp hơn, nhẹ nhàng hơn cho khách tham quan”. Xung quanh tòa nhà còn có các hồ nước, các đoạn đường và cầu nối với nhau một cách hợp lý.
“Chúng tôi lấy cảm hứng từ các ngôi đền cổ ở Angkor Wat, với những khối hình học trông rất đơn giản nhưng lại tạo nên các hình thái phức tạp” - DaeWha Kang, kiến trúc sư của dự án, cho biết.
Việc mời kiến trúc sư Hadid thiết kế dự án đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bởi bà từng bị lên án lạm dụng nhân quyền, phớt lờ tình cảnh của người lao động khi thi công một số công trình trước đây. Các công trình gây tranh cãi của bà có Trung tâm Heydar Aliyev ở Azerbaijan, nơi cư dân đã bị buộc phải rời khỏi vùng đất mà họ đang sống và sân vận động World Cup ở Qatar, nơi nhiều người lao động chỉ được trả lương rất thấp.
Tuy nhiên Chhang đã bênh vực quyết định lựa chọn Hadid. “Kiến trúc có thể là công cụ làm thay đổi nhãn quan của một hệ thống đã mục nát. Một họa sĩ không thể làm được điều này, nhưng kiến trúc sư có thể làm được” - Chhang khẳng định.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất