Đường sắt số 2 qua Hồ Gươm - Dự án quốc gia đặc biệt quan trọng

28/02/2013 16:20 GMT+7 | Thế giới


UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận địa điểm quy hoạch ga C9 - thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Ngay sau đó, đã có một số ý kiến lo ngại dự án này sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực Hồ Gươm, trung tâm văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Mô hình một đoạn tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Trước những thông tin này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: Do dự án đang trong giai đoạn quy hoạch, làm thủ tục đầu tư, nên nhiều người còn thiếu thông tin, dẫn tới có ý kiến lo ngại là điều không tránh khỏi. Vì vậy, cần giải thích, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, cũng như kỹ thuật của dự án cho đông đảo người dân biết.

Dự án quan trọng bậc nhất

Năm 2004, Hà Nội đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 4 tuyến đường sắt nội đô. Thừa kế quy hoạch này, sau khi mở rộng địa giới hành chính, năm 2011 Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể; trong đó có quy hoạch giao thông vận tải, mà tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có ga C9 đi qua Hồ Gươm tiếp tục được kế thừa.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có tổng thể 8 tuyến đường sắt, trong đó 5 dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị số 2 là dự án quốc gia đặc biệt và quan trọng bậc nhất, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 chạy từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, dài 12 km, gồm 8km ngầm, 4 km nổi, mỗi km có một ga dừng.

Mặc dù làm tuyến đường sắt ngầm, ga ngầm rất tốn kém, chi phí đầu tư tăng cao, nhưng vì sao vẫn phải làm? Các chuyên gia Nhật Bản cũng như nhiều tổ chức trong nước và quốc tế sau nhiều thời gian nghiên cứu đều cho rằng: Đây là tuyến đi vào nội đô lịch sử, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tâm linh của Thủ đô, nếu đi nổi sẽ phá vỡ cảnh quan và không khả thi trong giải phóng mặt bằng.

Các bộ, ngành, địa phương và nhân dân khu vực dự án đồng thuận cao

Thời gian qua, do trong quá trình chuẩn bị nên chưa có nhiều thông tin về các thông số kỹ thuật và ý nghĩa của nó trong một bối cảnh không gian chung quy hoạch toàn thành phố. Vì vậy, có người cho rằng, dự án “bỗng dưng” được chấp thuận. Ngay cả Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN) cũng phản đối vì nhà ga C9 được đặt ngay đối diện cổng chính cơ quan này.

Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Nội, trong tương lai vùng Bờ Hồ sẽ dành riêng cho phố đi bộ và nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời, trong đó có EVN. Sau khi di dời sẽ dành không gian này phục vụ cho lợi ích công cộng.

Dự án được nghiên cứu rất công phu đến nay thời gian đã 6 năm, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của 7 bộ, gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc Phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ở cấp thành phố có rất nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và nhiều phường có tuyến đường sắt đi qua. Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã tổ chức lấy ý kiến của đông đảo nhân dân bằng các hình thức như: Họp nhân dân, phát tờ rơi hai bên vùng dự án đi qua...

Khi trình hồ sơ, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, dự án trên đều được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân vùng dự án đồng thuận cao.

Vì sao phải có ga C9?

Ga C9 có thể được coi là ga quan trọng bậc nhất, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng của tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Ga C9 nằm giữa ga C8 và C10. Trong lúc ga C8 của tuyến đường sắt số 2 đặt tại vị trí vườn hoa Hàng Đậu sẽ kết nối với tuyến đường sắt số 1 chạy qua Long Biên, còn ga C10 đặt tại Hàng Bài kết nối với tuyền đường sắt ngầm số 3 đi tuyến Trần Hưng Đạo. Nếu bỏ ga C9 thì khoảng cách giữa 2 ga C8 và C10 khoảng 2.500mét, là quá lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Còn việc đặt ga C9 cạnh Hồ Gươm có phá vỡ cảnh quan, giá trị các công trình lịch sử? Vấn đề này được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lý giải: Không phải như một số người nghĩ rằng, ga C9 nổi trên bề mặt như nhiều công trình khác đang xâm hại Bờ Hồ, mà đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất. Duy nhất sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện lung linh. Còn các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém, nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận.

Không những thế, khi nhà ga hoàn thành còn có thể di chuyển các quầy hàng lưu niệm, nhà vệ sinh... đang án ngự, gây phản cảm không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Có 7 mục tiêu, tiêu chí của dự án được đặt ra. Trong đó, đảm bảo củng cố nét đẹp đặc trưng, tạo sức lôi cuốn đối với nhân dân cả nước và quốc tế; đảm bảo sự bền vững về mặt văn hóa - xã hội, môi trường thân thiện; các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội được tổ chức thuận tiện; cải thiện điều kiện sống, thưởng thức văn hóa cho nhân dân; thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, hội nhập quốc tế; đảm bảo an ninh xã hội...

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, sẽ cấm các loại xe cơ giới, xe buýt hoạt động trong khu vực Hồ Gươm vì nơi đây tập trung đông người, dễ tắc đường và không có điểm đỗ xe. Để phục vụ nhân dân trong nước và quốc tế, cũng như từ các quận, huyện thuộc Hà Nội như: Mỹ Đình, Hoàng Mai, Thượng Đình, Thanh Xuân, Gia Lâm, Long Biên đến tham quan Hồ Gươm, thì đi tàu điện ngầm sẽ là phương án thuận tiện, an toàn và văn minh nhất.

Dự kiến dự án này đi vào vận hành trước năm 2020.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link