Sáng ra đã hết Thể thao & Văn hoá rồi...

18/06/2012 19:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào TP.HCM công tác, có đôi chút khó chịu khi sáng ra tìm mua Thể thao&Văn hóa (TT&VH) hơi khó. Hỏi bốn, năm sạp báo lẫn người bán rong đều không có, tự nhiên tính có chút cáu bẳn. Tệ ghê. May quá, đến sạp báo trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) thì có TT&VH, món ăn tinh thần đây rồi.

Bà bán báo cười tít mắt như gặp người quen bấy lâu, biểu: “Chậm chút là không còn đâu nghe”. “Sao trong này ít TT&VH vậy bác?”. “Cái này chắc do tâm lý người đọc trong này con...”. À! Ra vậy. Đến tờ báo muốn bán chạy cũng phải phụ thuộc vào tâm lý vùng miền. Kiểu như từ Bắc vô Nam, mỗi vùng lại khoái dùng một loại mỳ, bia, thậm chí là thuốc lá theo thói quen.

TT&VH với mình như người bạn thân lâu năm. Tính ra lần đầu cầm ấn phẩm này của TTXVN trên tay đã hơn 25 năm rồi còn gì. Sáng ra mà không có “người tình” lâu năm này ngồi cà phê thì thấy thiêu thiếu gì đó, người khó chịu vô cùng.

Mấy cậu bạn học cùng lớp từ hồi cấp 2 thi thoảng lại hỏi: “Vẫn trung thành với TT&VH à?”. Hỏi chi mà lạ. Đọc TT&VH khác nào song kiếm hợp bích, có hai món mình khoái nhất là thể thao và văn hóa. Không đọc TT&VH thì đọc gì đây. Cũng có thể là Tuổi trẻ, Thanh niên... nhưng mình đã chót gửi tình yêu vào TT&VH mất rồi.

Đọc mục thể thao trong nước thấy Hữu Quý viết sắc như dao bổ cau, Anh Ngọc bay bổng với Serie A. Phần văn hóa thì không thể thiếu Đỗ Đức, “Lão nông” Ngô Phan Lưu hay những chuyên đề về âm nhạc, hội họa. Lạ ở chỗ, nhà có cuốn “Văn minh vật chất của người Việt” nhưng cứ phải nhâm nhi cà phê, đọc ghi chép của học sĩ Phan Cẩm Thượng mới khoái.

Mấy bữa vào TP Hồ Chí Minh công tác, cũng chịu khó đi qua đi lại vài quận trung tâm, quả thực TT&VH trong này không bán nhiều như Hà Nội, ra sạp báo nào cũng có.

Tháng trước ngồi hóng hớt cà phê vỉa hè, thấy bảo dạo này TT&VH số lượng in có giảm đôi chút. Thoáng giật mình, không lẽ TT&VH đã qua rồi tuổi đôi tám, hút hồn trai trẻ. Lật đật giở trang báo ra, thấy chất lượng TT&VH vẫn ổn đấy chứ. Kinh tế toàn cầu đang suy thoái, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Dân văn phòng, công sở giờ chẳng mấy ai thường xuyên đi ăn quán, nhậu tưng bừng như 2 năm về trước. Giờ là cơm hộp, trà đá cho tiện; thậm chí có anh còn mua cà phê hòa tan lên cơ quan uống. Phải chăng cũng từ đây, lượng độc giả của TT&VH giảm đi bởi phần do khó khăn vì cơm áo gạo tiền, hoặc là do cạnh tranh khốc liệt thời nhà nhà đua nhau ra báo điện tử,rồi báo ngành, báo thể thao cũng ầm ầm đổ ra sạp. Bữa trước, hỏi chị bán báo ở gần cơ quan trên đường Phan Đình Phùng (Hoàn Kiếm-Hà Nội), về doanh số bán hàng năm nay so với năm trước. Bà chị mặt ỉu xìu, bảo: “Gần như tờ nào bán cũng chậm, khó bán, doanh thu có khi chỉ bằng 50% so với năm trước”. “Ối trời, thế thì khổ chị tôi rồi”.

Hôm sau, dừng chân lại sạp báo, bà chị gãi đầu gãi tai kêu: “Hết TT&VH rồi”. “Không sao mà, chị càng bán được nhiều báo, em càng mừng cho chị” (bà chị nghe xong, có vẻ xúc động lắm). Còn với cá nhân tôi, lại thấy vui trong lòng và mừng cho TT&VH. Báo hết từ sáng sớm chứng tỏ đông người đọc, ai cũng muốn đón nhận những thông tin nóng hổi, súc tích, những bài viết hay trên mặt báo.

Lại mong một sớm mai, ra sạp báo nghe ai đó kêu toáng lên: Hết TT&VH rồi...

Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link