19/07/2015 05:54 GMT+7 | Văn hoá
Nhà hát Talarium Et Lux có “tuổi đời” còn khá non trẻ. Mới được thành lập từ năm 2012, với mục đích là để bảo tồn các tác phẩm ballet truyền thống của Nga.
Tuy nhiên, Nhà hát đã gây tiếng vang với những vở diễn kinh điển, kết hợp những vũ điệu ballet truyền thống với công nghệ đa phương tiện và ánh sáng, sử dụng các thủ pháp vũ đạo biểu diễn độc đáo nhằm nâng cao hiệu ứng sân khấu cho mỗi tác phẩm truyền thống.
“Ballet & ánh sáng”
“Mục tiêu của chúng tôi là giữ lại di sản văn hóa vô giá của đất nước chúng tôi, ballet Nga, trong bối cảnh những giá trị này dần bị thay thế bởi các loại hình nghệ thuật văn hóa đại chúng. Rõ ràng, công việc này không dễ dàng nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro” - Irina Omelchenko, Giám đốc nhà hát, cho biết.
“Để thu hút sự chú ý đến những tác phẩm kinh điển, chúng tôi sử dụng những thiết bị đa phương tiện để tạo nên những màn trình diễn mới độc đáo. Đối với chúng tôi “ballet và ánh sáng” không chỉ là một ý tưởng, mà còn mang mục đích quảng bá ballet Nga, được phối hợp với ánh sáng và công nghệ hiện đại, ra thế giới”
Talarium Et Lux tập hợp những vũ công ballet xuất sắc nhất, từng có thời gian hoạt động tại Nhà hát Bolshoi danh tiếng, cùng 32 vũ công đã tốt nghiệp từ các trường múa khắp nước Nga. Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát là huyền thoại ballet Mikhail Lavrovsky, Nghệ sĩ Nhân dân, nguyên Giám đốc Nhà hát Bolshoi. Với hàng trăm vở diễn kinh điển và sự sáng tạo trong công nghệ trình diễn, Lavrovsky đã trở thành huyền thoại sống trong giới ballet.
Đến nay, Nhà hát đã giới thiệu tới khán giả những kiệt tác của thế giới ballet, như Hồ thiên nga, Người đẹp say ngủ (Sleeping Beauty), Don Quixote, Giselle và Le Corsaire cùng nhiều vở diễn khác với những bối cảnh đa chiều, hiệu ứng chân thực trong từng phân cảnh, hình ảnh kỳ ảo của nhân vật cũng như những trải nghiệm mà ballet truyền thống chưa thể hiện được.
Khán giả sẽ như bị thôi miên bởi ảo cảnh của các nhân vật trên sân khấu khi vũ đạo của các nghệ sĩ được trình diễn trên sấn khấu trang trí bằng đồ họa. Lúc này, đồ họa không chỉ đơn thuần là phần trang trí trên sân khấu nữa, mà nó dẫn dắt cả một màn trình diễn, tạo nên phép màu của câu chuyện.
Để thuận lợi cho việc kết hợp giữa vũ đạo và thiết kế đồ họa, bối cảnh phải được chuẩn bị trước và chuyển hóa trên sân khấu. Tuy nhiên điều này sẽ làm cho công việc biểu diễn của các nghệ sĩ khó khăn hơn vì họ phải kết hợp giữa vũ đạo, âm nhạc, đồng thời nhập vai trên sân khấu, luôn phải ghi nhớ lúc nào màn hình thay đổi để việc diễn xuất sẽ đồng bộ với hình ảnh trên màn hình, tạo hiệu ứng cho từng màn trình diễn.
“Mãn nhãn” với Hồ thiên nga
Hồ thiên nga là tác phẩm thứ 20 của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, sáng tác khoảng năm 1875-1876. Vở này được dựng dựa trên những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức, kể về Odette, một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Vở ballet này được công diễn ngày 4/3/1877, tại nhà hát Bolshoi, Moskva.
Năm 2013, tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa Lavrovsky đã mất nhiều tháng để chọn lựa diễn viên ở khắp nước Nga. Ông đã mời công ty Panasonic, đơn vị từng tham gia dàn dựng bối cảnh 3D của Thế vận hội mùa đông Sochi (Nga) dàn dựng bối cảnh sân khấu cho vở diễn.
Công ty này đã sử dụng công nghệ laze 3D tân tiến nhất, thông qua 2 năm thử nghiệm, và tạo nên những hình ảnh sân khấu “mãn nhãn”, chưa từng có trong lịch sử trình diễn ballet.
Kể từ khi ra mắt khán giả châu Âu hồi năm 2013, vở diễn này đã chinh phục khán giả quốc tế sau các màn diễn “cháy vé” ở một số quốc gia ở châu Âu (Đức, Pháp, Italy), Isarel và đã có hơn 100 buổi diễn.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất