21/02/2020 09:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 10 năm trước, “siêu cò” Trần Tiến Đại từng bị “ném đá” tới tấp, khi người trong cuộc cho rằng, ông Đại đã phá nát thị trường chuyển nhượng Việt Nam, bằng những vụ “áp phe” không tưởng. Mở đầu là vụ bứng 4 cầu thủ Khánh Hòa: Đức Hùng, Hữu Chương, Tấn Điền và Trọng Bình đào thoát khỏi K.Khánh Hòa (năm 2007). Mỗi cầu thủ hạng trung khi ấy bỏ túi hơn 2 tỷ đồng, và thực sự đổi đời. Với lứa cầu thủ vô địch Đông Nam Á 2008, thì hàng chục tỷ đồng/người.
Không ai phải thiệt thòi trong những thương vụ của ông cả, kể cả lãnh đạo và BHL K.Khánh Hòa khi ấy. Tất cả chỉ cần biết con số, phần còn lại là chuyện của cò Đại. Ông Đại chỉ giúp các ông chủ tiêu tiền, tiền không mất đi, mà chỉ chảy từ túi người này qua ví người khác mà thôi. Người hiểu Trần Tiến Đại khẳng định, nếu có cho ông Đại mượn một số tiền và đến kỳ hạn thanh toán, sau một cuộc nói chuyện, chủ nợ lại tự nguyện chuyển cho cò Đại mượn thêm, thay vì có thể thu hồi vốn.
Ông Đại là người thông minh, lại nắm bắt được thời thế và phất. Chuyện của siêu cò Trần Tiến Đại và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các phi vụ liên quan đến bóng đá, không kém gì huyền thoại “một nghìn lẻ một đêm” của xứ Ba Tư. Bất luận thế nào, ông Đại vẫn được cho là đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc tiến lên chuyên nghiệp của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sự tham gia của đội ngũ môi giới - đại diện cầu thủ, là một khâu quan trọng, buộc phải có.
Tiền không phải là vấn đề, vấn đề là thời giá. Cầu thủ làm việc với Trần Tiến Đại yên tâm rằng, họ có thể cầm số tiền cao hơn nhiều lần so với giá trị thực. Thực ở đây nghĩa là thị trường, sự đóng góp và thời hạn một bản hợp đồng, khi 10 năm trước và thậm chí bây giờ, hiếm cầu thủ Việt Nam nào được trang chuyển nhượng quốc tế transfermaket định giá.
Mới đây, nghe tin Lee Nguyễn được mời "hồi hương" với giá 23 tỷ đồng (1 triệu USD) và đích đến là CLB TP.HCM. Đây là con số không tưởng, vô tiền khoáng hậu và ngay cả siêu cò Trần Tiến Đại có trở lại thời đỉnh cao mà "hô mưa gọi gió" thì cũng không thể đạt được cái giá ấy cho một cầu thủ đã 34 tuổi. Lee Nguyễn tài năng đến đâu, thì anh vẫn không thể so với thời đỉnh cao 2009-2010 (HAGL, sau đó là B.Bình Dương), khi lần đầu về Việt Nam chơi bóng và nên nhớ, đó là thời điểm bão giá.
Chuyện đàm phán với Lee Nguyễn là có thật, theo chia sẻ của một “cán bộ” CLB TP.HCM, nhưng “chắc chắn Lee lúc này không có giá đó”, vị này khẳng định. Đó là con số điên rồ và Lee cùng cộng sự - những người giúp việc cho anh, là đội ngũ rất giỏi làm giá, từ hơn 10 năm trước.
Đội trưởng ĐTQG Quế Ngọc Hải khi đầu quân cho Viettel ở mùa giải 2019, có giá 2,7 tỷ đồng/năm (tương đương với gần 9 tỷ đồng/3 mùa giải), lương thưởng thuộc hàng Top. Cho đến thời điểm này, Quế Ngọc Hải vẫn là bản hợp đồng giá trị nhất và so với 10 năm trước, không kể lạm phát, thì phí chuyển nhượng (lót tay) của các cầu thủ thuộc hàng sao số, vẫn không trượt. Đấy là một sự đảm bảo cho việc bóng đá Việt Nam vẫn sống khỏe. Tất nhiên, không phải ai cũng được như Hải Quế, kể cả là Lee Nguyễn.
Theo phân tích của Thể thao & Văn hóa, xem ra khó có bom tấn ở mùa giải 2020, bất kể nhà tổ chức đã lùi lại thời hạn đăng ký cầu thủ. Bùi Tiến Dũng cập bến CLB TP.HCM với mức phí được cho là hơn 7 tỷ đồng, nhưng chỉ hưởng mức lương 50 triệu đồng/tháng, đấy cũng là khập khiễng. Về trường hợp của Lee, ngay cả làm thương hiệu, cũng không thể đắt gấp 3-4 lần một tuyển thủ quốc gia vẫn còn “hot”.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất