10/05/2011 07:45 GMT+7 | Thế giới Sao
(TT&VH Cuối tuần) - Từ Dennis Rodman cho đến LeBron James, từ David Beckham cho đến Marco Materazzi, thế giới thể thao bị lây nhiễm một căn bệnh khủng khiếp có tên “xăm mình”. Dưới đây là những câu chuyện về những nhà thể thao ban đầu sử dụng hình xăm để nổi loạn và sau đó biến nó thành một nỗi đam mê lớn lao.
Ban đầu, chỉ có những kẻ tù tội hận đời, lính thủy, binh sĩ và các băng đảng (chủ yếu là tội phạm và hầu như các băng đua xe mô tô phân khối lớn) xăm mình. Một kết luận của các nhà nghiên cứu xã hội học hồi đó, là chỉ có những kẻ hoặc lập dị, hoặc bị gạt ngoài lề xã hội, và họ cùng với hình xăm của họ sống trong một thế giới khép kín, nổi loạn.
Hình xăm trên người Beckham-Ảnh Getty |
Thế rồi, vào đầu những năm 1990, có một người tên Dennis Rodman xuất hiện. Rodman là một dạng “thập cẩm: anh đã giành 5 chức vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA cùng với đội Chicago Bulls (3 danh hiệu) và Detroit Pistons (2 danh hiệu), thỉnh thoảng anh hành nghề đấu vật biểu diễn (wrestling) cho vui, anh đạo diễn một vài bộ phim, anh dẫn chương trình truyền hình của riêng anh và anh lấy một trong số những nhân vật truyền hình nóng bỏng nhất nước Mỹ, Carmen Elektra. Nhưng điều đã khiến anh trở nên nổi tiếng nhất, ngoài cá tính hơi đàn bà và đồng bóng quá thể của anh, chính là việc anh biến làn da của anh thành một bức tranh ngoạn mục chưa từng có. Cũng chính nhờ thế, mà người ta từng gọi anh là “bố già xăm mình” của giải NBA. Sau Rodman, người mở ra trường phái dị hợm và lập dị trong nền thể thao Mỹ, là Allen Iverson, người kết hợp giữa bóng rổ với Hip Hop và được báo chí phong là “hoàng tử”. Thế rồi, từ đó, cơn sốt xăm mình bắt đầu “tàn phá” NBA.
Năm 1998, một cuộc thăm dò dư luận của hãng tin AP cho biết, có 35% cầu thủ NBA có hình xăm trên người. Bây giờ, cứ 10 cầu thủ bóng rổ nhà nghề, thì 9 người có hình xăm chi chít trên mình. Mấy năm trước, khi dẫn dắt đội Golden State Warriors, Don Nelson kể lại trên tạp chí thể thao nổi tiếng Sports Illustrated rằng, khi ông nhìn thấy tân binh Stephen Curry lần đầu tiên bước vào sân tập, đã tự nhủ rằng: “Thế cái thằng cha này nghĩ gì khi bước vào đội của ta mà không có lấy một hình xăm các môn thể thao khác ở Mỹ, khi nhiều phần cơ thể của họ được để lộ ra, cơ hội lý tưởng để phủ đầy chúng với các hình xăm, nhưng giờ đây hình xăm đã lan sang bóng bầu dục, bóng chày và cả bóng đá. Các ngôi sao thể thao, quá nhận thức được vai trò xã hội của mình, đã đẩy xăm mình lên thành một dạng nghệ thuật, một lối sống và muốn tất cả đều bắt chước mình để thành một trào lưu xã hội. David Beckham đã tận dụng một khoảng “da trống” trên cơ thể mình để xăm vào đó hình Chúa Jesus. Nhưng gương mặt của Chúa có nhiều nét hao hao giống chính anh và các thiên thần vây quanh Chúa có nét của các con anh. Thông điệp đơn giản: Chúa chính là tôi.
Cầu thủ bóng rổ nổi tiếng LeBron James cũng tự nhận thấy sự gắn bó của mình với ân sủng của Chúa. Anh xăm lên 2 vai dòng chữ “Chosen 1” (Sự lựa chọn số 1). Khi còn chơi bóng ở đội Penn State, cầu thủ Andrew Quarless xăm lên một bên vai dòng chữ “Gods” (Chúa) và bên kia dòng chữ “Gift” (ân sủng). Có lẽ, anh tự xem mình là một món quà của Thượng đế dành riêng cho bóng đá Mỹ, dù trên thực tế, tài năng của anh chưa đủ để thiên hạ nói về anh như vậy. Nhưng cũng có những người xăm mình mắc những sai lầm tai hại. Chẳng hạn Shawn Marion của đội Dallas Mavericks. Anh muốn xăm một chữ tiếng Trung có nghĩa là “Ma trận” trên đầu gối mình, nhưng người xăm cho anh lại xăm nhầm, thành ra dòng chữ có nghĩa hơi lủng củng theo kiểu “Con chim đang nằm trong chảo dầu”(!). DeShawn Stevenson, đồng đội của anh, là một người say mê với bóng chày, thích đội Pittsburgh Pirates, và đã xăm lên má mình chữ “P”. Nhưng người ta đã xăm hỏng chữ “P”. Khi báo chí bảo rằng, chữ “P” trông giống hệt số “9”, Stevenson cười khẩy và bảo: “Nếu đứng xa nhìn má tôi, các bạn sẽ thấy đấy là chữ “P”. Câu trả lời ấy đã được đưa vào danh sách những câu nói kỳ quặc nhất trong giới thể thao Mỹ. Thậm chí, câu ấy còn được coi là một trong những câu nói… ngu nhất ở Mỹ trong năm 2009.
Những “sự cố” hình xăm kể trên rất dễ tạo ra những scandal. Bóng chày Mỹ đã buộc phải áp dụng cái gọi là “Luật Justin Miller”. Luật này mang tên Justin Miler, cầu thủ của đội Seattle Mariners, người đã xăm cả cánh tay trái, không để chừa một centimet nào. Ban tổ chức giải MLB (giải bóng chày nhà nghề của Mỹ) cho rằng, những hình xăm ấy sẽ gây mất tập trung cho đối thủ và cho khán giả, nên vào năm 2004, đã thông qua một điều luật trong đó buộc anh và những người có hình xăm như anh phải mặc áo che kín tay. Chuyện của Marcin Gotat, một cầu thủ bóng chày khác, còn “éo le” hơn: cầu thủ người Ba Lan này đã bắt chước huyền thoại bóng rổ Michael Jordan xăm biểu tượng của hãng Nike lên bắp chân. Hai năm trước, anh chuyển sang chơi cho đội Orlando và ngay tức khắc gặp rắc rối. Hãng tài trợ cho Orlando là Reebok, đối thủ lớn nhất của Nike. Một vụ kiện tụng ầm ĩ nổ ra. Vụ việc cuối cùng cũng được giải quyết: Gotat phải khoác áo một đội khác “tương thích” hơn. Rắc rối cũng là điều mà cầu thủ bóng rổ Kenyon Martin của đội Denver Nuggets vướng phải. Cả tấm lưng của anh được xăm hình một cây thập tự to đùng, cùng với dòng chữ “Tôi không sợ bất cứ ai, trừ Thượng đế”. Vấn đề ở chỗ, Thượng đế không được coi là một con người(!). Giới hâm mộ đã lên tiếng phản đối anh sau khi Martin xăm tiếp bên cạnh cây thánh giá hình của một đôi môi, sản phẩm từ cuộc tình của anh với một ca sĩ nhạc Rap. Cũng liên quan đến tôn giáo, Stephen Jackson, hậu vệ của đội Charlotte Bobcats, đã xăm lên ngực hình một đôi tay đã chắp cầu nguyện, nhưng trong đó có một bàn tay đang cầm… một khẩu súng lục. Thông điệp của anh thực sự là gì? Bạn có thể hiểu là “Cầu để không bao giờ phải sử dụng súng”, hoặc “Tôi cầu Chúa, và người làm ơn hãy cho tôi đạn”!
Trong số những hình xăm kỳ lạ nữa, có hình xăm của Marquis Daniels, hậu vệ của đội bóng rổ Sacramento Kings. Trên lưng anh có xăm to đùng... bản đồ của bang Florida, quê hương anh. Có lẽ, tấm bản đồ ấy rất có ích nếu một hôm nào đó, anh và các đồng đội đến đây mà không nhớ nổi đường. Trên bắp tay phải của anh là hình xăm một người da đỏ đang cầm khẩu súng trường, và dòng chữ ở chân trái “Chỉ có những người mạnh nhất mới sống sót”. Đấy cũng là thông điệp được Shawne Merriman, cầu thủ đội bóng đá Mỹ (bóng bầu dục), xăm lên mình để cho cả thế giới thấy. Chả là hồi còn học trung học, anh đã từng quật đổ 4 đối thủ trong hiệp đầu của một trận bóng gay cấn đến phút chót. Cả 4 người này phải ra sân trên cáng, bất tỉnh và từ ngày đó, người ta đặt cho anh biệt danh là “Lights out” (tên của một chương trình đấu võ nổi tiếng trên truyền hình Mỹ). Anh xăm lên cẳng tay mình một… công tắc đèn điện và anh luôn khoe nó ra trước công chúng mỗi khi quật đổ một đối thủ trong trận đấu.
Danh sách còn rất dài. Những “tấm gương” cũng không ít. Nhưng sự lạm phát theo cấp số nhân của các hình xăm trong thể thao Mỹ nói riêng và thể thao nói chung đã biến hiện tượng này trở thành một cái gì đó hơi lố bịch và kỳ quặc. Đấy không còn là một cách để thể hiện cái tôi cá nhân nữa, mà đơn giản chỉ là một phong trào theo kiểu số đông, làm cho vui. Sự lan tràn của hình xăm đã làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy của nó và không còn là một hình thức văn hóa đậm nét của giới trẻ. Đấy từng là một cách lý tưởng để nói toáng lên với thiên hạ, rằng “tôi thích nhục dục, tôi ưa sự độc lập và tôi cũng hơi nguy hiểm đấy”. Cái thời của những người coi da mình như những tấm vải để dệt lên đó những thông điệp hoặc hình vẽ độc đáo và đẹp thực sự đã qua.
Thư Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất