Chủ nhân giải Dế Mèn 2020: Dế Mèn như tiếng trống trường gióng lên

31/05/2021 08:46 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

(Thethaovanhoa.vn) - 1 Giải Hiệp sĩ và 4 giải Khát vọng Dế Mèn đã được trao trong mùa giải thứ nhất - năm 2020. Gần 1 năm đã trôi qua, 5 chủ nhân ấy đã thể hiện tinh thần hiệp sĩ và khát vọng Dế Mèn ra sao? Trước mùa giải mới (sẽ công bố vào ngày mai, 1/6), chúng tôi đã gõ cửa ghé thăm các chủ nhân của mùa giải cũ.

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Kết quả Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh là 'Hiệp sĩ Dế Mèn'

Hôm nay, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020

1. Sau Giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn, Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra vẫn rất sung sức với Con chim xanh biếc bay về, một truyện dài pha trộn giữa cuộc sống của lớp trẻ nơi đô thị với những ký ức tuổi thơ ở miền Tây.

Thật ra, với một nhà văn chuyên nghiệp như Nguyễn Nhật Ánh, rất khó có thể “cân đo” tác động của một giải thưởng “ngoại thân” như Dế Mèn với nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào từ trong “nội thân” của ông. Nhưng vẫn có thể thấy rõ niềm trân trọng và tin yêu rất đặc biệt của ông đối với một giải thưởng vừa mới hình thành như Dế Mèn.

Không chỉ dành 30 triệu đồng tiền thưởng của giải “Hiệp sĩ” tặng lại cho Ban Tổ chức để sử dụng vào các mùa sau, mà còn ông còn vui vẻ nhận lời tới dự và trao giải Dế Mèn mùa 2, theo kế hoạch ban đầu là sẽ tổ chức không khán giả trực tiếp vào sáng mai, 1/6/2021 tại TP.HCM. Tuy nhiên, rất tiếc là do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên BTC đã quyết định tạm dừng tổ chức Lễ trao giải tại đây.

Nguyễn Nhật Ánh đã so sánh giải Dế Mèn như tiếng trống trường được gióng lên giữa bối cảnh trầm lắng của các sinh hoạt nghệ thuật cho thiếu nhi. “Hồi tôi còn học tiểu học, mỗi khi nghe tiếng trống trường vẳng vào tai thì dù đang mê chơi cách mấy cũng vội vã chạy về nhà xách cặp đến lớp. Hy vọng giải Dế Mèn cũng gây được hiệu ứng tương tự: Dù đang bận bịu chuyện gì, hễ nghe… tiếng Dế Mèn “gáy” lên, mọi người sẽ lập tức nhớ ra có một sân chơi bổ ích và hấp dẫn đang mời gọi” - ông tâm niệm.

Chú thích ảnh
Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020

2. Với Nguyễn Chí Ngoan, một thầy giáo tiểu học ở miền Tây Nam Bộ thì giải Dế Mèn đúng là một “tiếng trống trường” thực sự. Sau khi giành giải Khát vọng Dế Mèn năm 2020 với bản thảo tập truyện ngắn Mộng giang hồ, anh kể: “Các đồng nghiệp cũng tò mò và tìm đọc một vài truyện ngắn của mình trên mạng, đồng thời các học trò cũng bắt đầu hỏi mình về “bí quyết” làm bài tập làm văn”.

Năm 2021, Nguyễn Chí Ngoan đã ra tập tản văn Mưa miền đất mặn (NXB Kim Đồng). Đó là những trang văn chứa chan hoài niệm tuổi thơ. “Từ lúc lọt lòng, lũ trẻ ở Nước Mặn đã được dạy cách sống ngọt ngào, mặc kệ đất mặn khô cằn. Và hình như dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao”. Những trang văn mặn mòi hơi thở miền Tây này tiếp tục được đề cử giải thưởng Dế Mèn năm nay. Và không chỉ thế, cựu chủ nhân giải Khát vọng Dế Mèn Nguyễn Chí Ngoan còn “cấp tốc” gửi dự thi một bản thảo truyện dài vừa kịp hoàn thành vào ngày 13/5/2021, chỉ 2 ngày trước thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm dự thi. Dẫu biết rằng việc một cựu chủ nhân giải trở thành tân thí sinh của chính giải thưởng đó ít nhiều cũng gây khó cho Hội đồng giám khảo, nhưng anh tâm niệm rất giản dị: “Vì Dế Mèn mà tôi viết được Xóm nhỏ U Minh, truyện dài đầu tiên cho thiếu nhi, nên chẳng có lý do gì mà tôi không gửi tiếp để ủng hộ giải”.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Chí Ngoan nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh Hòa Nguyễn - TTVH

3. Tại Giải Dế Mèn 2020, văn chương miền Tây Nam Bộ được xem là “thắng lớn” khi giành được 2 giải Khát vọng Dế Mèn. Cùng với Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang), giải thứ 2 được trao cho Cao Khải An (Cà Mau). Cậu bé 12 tuổi này đã viết truyện dài đầu tay Chuyện của Bắp ăn mơ và Xóm Đồi rơm vào những đợt nghỉ dịch đầu tiên và đã gây kinh ngạc cho các vị giám khảo.

Sau khi đoạt giải, tác phẩm này đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc vào đầu năm nay, trong khi Cao Khải An thì trở về với trường lớp và… cũng sấp ngửa với bài vở của năm đầu cấp.

“Khi sách ra mắt, cậu có hớn hở một chút, rồi cũng mau hết. Tính ra cuộc sống cũng không thay đổi gì giữa chuyện không có cuốn sách nào và có một cuốn sách. Cậu cũng bận học lắm… ” - người nhà cậu tiết lộ. “Thật ra cậu đang có ý tưởng này kia, nhưng chưa hoàn thành. Thấy cậu học xanh mặt, nên gia đình cũng không có hỏi thăm chuyện văn chương gì, kệ cậu. Chữ của cậu, đời của cậu” - người nhà cậu bé quan niệm.

“Để yên” cho tài năng cậu bé thầm lặng phát triển, không thúc giục, kỳ vọng, tạo sức ép - đó cũng là một cách tiếp cận đúng đắn đối với việc nuôi dưỡng một tài năng nhí đã có sự khởi đầu thật “vạm vỡ” như Cao Khải An.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trần Đăng Khoa (thứ hai từ trái qua) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho Cao Khải An, bìa trái là mẹ em - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

4. Cùng với Cao Khải An, một tài năng nhí thứ 2 được vinh danh trong mùa giải Dế Mèn năm ngoái là Nguyễn Đới Chung Anh với chùm tranh về chủ đề phòng chống Covid-19. Sau giải thưởng, cô bé 10 tuổi này vẫn miệt mài cầm cọ mỗi khi có thời gian rảnh và vẫn kiên trì với chủ đề đại dịch.

Nhìn những bức tranh mới của em về sự bức bối cần được giải phóng của toàn thế giới khỏi dịch bệnh, ta càng thấm thía về một chặng đường phải nói là quá dài từ khi thế giới hoang mang đối mặt với con virus Sars-CoV-2, đến khi phải “trường kỳ kháng chiến” với nó, mà giờ vẫn chưa biết đến ngày toàn thắng.

Người ta đã nói đến một thế hệ trẻ gắn liền với Covid-19 đang hình thành trên thế giới, rồi chuyện những đứa trẻ bị tổn thương vì phải sống trong bối cảnh đại dịch. Nhưng ta cũng thật xúc động khi chứng kiến một cô bé nhỏ nhắn như Nguyễn Đới Chung Anh với những bức tranh làm nổi bật tinh thần “hiệp sĩ” trong trận chiến với Covid-19. Chẳng hạn, bức tranh số 15 của em vẽ về thành phố Nuremberg của Đức, thể hiện tình trạng dịch Covid-19 chia cắt một thành phố lớn thành những ốc đảo. Từ đó, Chung Anh thể hiện mong muốn: Mọi người hãy mạnh mẽ, dũng mãnh như con báo trong tranh để vượt qua đại dịch. Điều đáng chú ý là, hình ảnh con báo trong tranh cũng chính là con báo trên logo Puma, do họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng Lutz Backes người Đức sáng tác. Lutz Backes đang treo bức tranh này của Chung Anh bên cạnh tranh của những họa sĩ nổi tiếng. Ông cho biết, mỗi sáng tác của Chung Anh đều rất bất ngờ, và đó như “một món quà của Chúa dành cho con vậy!”.

5. Đối với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, giải Khát vọng Dế Mèn cho chùm ca khúc thiếu nhi của anh như một dấu mốc kết thúc hành trình “về với tuổi thơ”: Hoàn thành dự án 300 ca khúc thiếu nhi trong vòng 8 năm.

Khép lại dự án âm nhạc cho thiếu nhi, thời gian qua, Nguyễn Văn Chung tiếp tục con đường sáng tác với nhiều dự án bỏ dở từ mấy năm trước. Anh chia sẻ: “Trong tương lai gần, tôi sẽ kỷ niệm 20 năm sáng tác của mình bằng các hoạt động: Ra sách tập hợp 50 bài hát của Nguyễn Văn Chung được yêu thích nhất, ra những album nhạc trào phúng, nhạc hoà tấu… Sau khi quay lại thị trường nhạc trẻ, tôi nhận thấy mọi thứ thay đổi hoàn toàn, rất nhanh. Tôi phải nhanh chóng cập nhật những xu hướng của giới trẻ nhưng đồng thời cũng không đánh mất những phẩm chất vốn có của bản thân. Tôi muốn nhanh chóng hòa nhập với thị trường nhạc trẻ hiện nay bằng những suy nghĩ của người trẻ”.

Nguyễn Mỹ - Kim Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link