21/04/2017 17:56 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Việc tiền đạo Anh Đức của B.Bình Dương đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới V-League 2017 đồng nghĩa với việc chất lượng ngoại binh mùa giải này không cao như những năm trước. Liệu sau 15 năm, kể từ Hồ Văn Lợi (CSG, mùa giải 2001 -2002) chúng ta mới có thể có cầu thủ nội đoạt danh hiệu Vua phá lưới tại giải đấu hàng đầu quốc gia?
Đáng đồng tiền
Công thức đội vô địch là đội Tây hay, nội binh cứng cùng chút may mắn, đến giờ vẫn đúng với Hà Nội, dù chỉ là chức vô địch lượt đi. Gonzalo đang chấn thương nhưng O.Samson ghi 7 bàn, trung vệ Alvaro Linares Silva ghi 3 bàn đưa Hà Nội tạm đứng đầu BXH. Ngoài Hà Nội, thì các ngoại binh của TP.HCM và Hải Phòng đều đã ghi được 10 bàn thắng. Cặp ngoại binh Fagan, Stevens của Hải Phòng được coi là mạnh nhất V-League hiện nay, với lối chơi mạnh mẽ, càn lướt với những cú sút như búa bổ.
Điều đáng nói là Dyachenko và Victor đã đóng góp 10/15 bàn thắng cho CLB TP.HCM nhưng rốt cuộc Dyachenko vẫn bị sa thải, không còn cơ hội ghi bàn thắng thứ 5 tại V-League cho đội bóng của ông bầu Công Vinh. Cặp ngoại binh Faye và Uche của FLC Thanh Hóa cũng được đánh giá khá cao với 9 bàn thắng. Nếu không phải gánh nhiệm vụ tiếp đạn và phá lối chơi của đối phương thì có lẽ Faye còn ghi được nhiều hơn 2 bàn thắng.
Trong bối cảnh “lựa cơm gắp mắm” thì S.Khánh Hòa BVN cho thấy họ đang có sự lựa chọn khá thông minh khi 1 hậu vệ ngoại, 1 tiền đạo ngoại. Trung vệ người Pháp Zarour đã có 1 bàn thắng còn tiền đạo Sadio Diao đã có 6 bàn thắng. Việc S.Khánh Hòa có mặt ở Top 3 có công rất nhiều của 2 ngoại binh, triết lý bóng đá của của HLV Võ Đình Tân rất đáng để nhiều đội bóng con nhà nghèo suy ngẫm.
Dấu hỏi lớn
Bên kia đèo Hải Vân khi Đỗ Merlo đang dưỡng thương, 2 ngoại binh David và Teofilo của SHB.Đà Nẵng mỗi người chỉ vẻn vẹn 1 bàn thắng. Điều này làm cho hy vọng vô địch mùa này cứ thoát dần khỏi tầm tay HLV Lê Huỳnh Đức.
Ít ai nghĩ, trong tay HLV Phan Thành Hùng có trung vệ Ramon Rodrigues De Mesquit, Tambwe Patiyo, Jardel Capistrano, cầu thủ nhập tịch Kizito Trần Trung Hiếu thì đội trưởng Vũ Minh Tuấn với 6 bàn thắng vẫn là chân sút tốt nhất của đội bóng đất Mỏ.
Ngoại binh đội bóng phố Núi chỉ ghi có 1 bàn thắng và thuộc dạng kém nhất V-League. Nhưng khó mà trách họ bởi Ideguchi mùa này thường đá trung vệ, ngoại binh còn lại Mobi Fehr cũng chỉ là hậu vệ. Cũng không thể quy chịu trách nhiệm chính về 17 bàn thua của HAGL sau 13 vòng đấu.
Các ngoại binh của SLNA, B.Bình Dương, Quảng Nam, Long An, Sài Gòn… đều bị đánh giá thất vọng hơn là thành công. Đơn giản, ngoại trừ thể lực thì kỹ thuật và tư duy chiến thuật của họ không hơn cầu thủ Việt Nam, thậm chí có đội bóng còn lầm vào tình trạng “nội gánh ngoại”. Hai ngoại binh Brazil Marcelo Fernandes, Patrick được quảng cáo rất rầm rộ nhưng với 4 bàn thắng Patrick ghi được chưa đúng với kỳ vọng của khán giả chủ nhà Sài Gòn. Còn bộ đôi Henry và Olaha của SLNA, sau nhiều tận tịt ngòi đã được BHL yêu cầu đá thấp dần, hỗ trợ phòng ngự và có xu hướng ngày càng gần khung thành thủ môn Nguyên Mạnh hơn.
Là vùng trũng của bóng đá thế giới, các ngoại binh khi đến khu vực Đông Nam Á lại thường chọn giải bóng đá Thái Lan, Indonesia hơn là V-League. Điều đó khiến cho sân cỏ Việt Nam ngày càng hiếm hình bóng như Nastja Ceh (ĐTQG Slovenia dự World Cup 2002) trong màu áo Thanh Hóa. Đó cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý bóng đá phải suy nghĩ!
Đông Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất