15/05/2017 14:40 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/5, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017 sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước, là sự tôn vinh xứng đáng cho những tác giả, tác phẩm xuất sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Trong số những tác giả được tôn vinh lần này, có những liệt sỹ, những nghệ sỹ đã mất từ rất lâu nhưng tên tuổi của họ luôn sống mãi trong lòng độc giả. Nhân dịp này, TTXVN giới thiệu chùm bài viết về một số tác giả được trao tặng Giải thưởng.
Nhà báo – liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) nguyên là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Kể từ lúc cầm máy chụp những bức ảnh báo chí đầu tiên cho đến khi ngã xuống trên chiến trường khốc liệt, ông đã để lại cho TTXVN và gia đình một kho tàng ảnh khổng lồ lên đến hơn 2.000 bức ảnh. Nhà báo, liệt sỹ, chiến sỹ Lương Nghĩa Dũng đã ra đi tròn 45 năm nhưng “những khoảnh khắc để lại” của ông còn sống mãi...
*“Những khoảnh khắc để lại”
Những khoảnh khắc để lại cũng là chủ đề của bộ ảnh gồm 5 tác phẩm Nữ pháo binh Ngư Thủy, Lửa vây máy bay Mỹ, Xốc tới, Xe tăng vào trận địa và Đánh chiếm cứ điểm 365 của nhà báo Lương Nghĩa Dũng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này.
Nhắc tới nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh của TTXVN vẫn vẹn nguyên niềm xúc động bởi ông đã có thời sát cánh, vào sinh ra tử cùng nhà báo Lương Nghĩa Dũng. Ông Chu Chí Thành cùng với nhà báo Lương Nghĩa Dũng và nhiều tên tuổi khác như Văn Bảo, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Lâm Hồng Long, Xuân Lâm… là những phóng viên chiến trường mũi nhọn của TTXVN những năm kháng chiến ác liệt. Ông Chu Chí Thành cùng con trai của nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã dày công tìm kiếm những bức ảnh quý báu nhất để Nhà nước tôn vinh ông một cách xứng đáng nhất.
Ông Chu Chí Thành kể lại: Nổi tiếng với những tác phẩm nhiếp ảnh về chiến tranh song Lương Nghĩa Dũng lại chỉ là “dân tay ngang”, ông vốn là một thầy giáo. Lương Nghĩa Dũng sinh ra ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Thuở nhỏ, ông được cha mẹ gửi ra Hà Nội học chữ, rồi học nghề ở trường Kỹ nghệ Đông Dương. Năm 1954, ông nhập ngũ, trở thành bộ đội cụ Hồ, dạy Vật lý cho đồng đội. Phải đến những năm 1964 -1965, Lương Nghĩa Dũng và một số người khác cùng được theo học cấp tốc khóa đào tạo phóng viên nhiếp ảnh TTXVN.
Nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng từ khi cầm máy cho đến khi hy sinh chỉ khoảng 6 năm nhưng sức làm việc của ông thật đáng kinh ngạc. Lương Nghĩa Dũng đã để lại khoảng 2.300 bức ảnh, bức nào cũng nóng hổi hơi thở cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của quân và dân ta từ Bắc vào Nam.
Lương Nghĩa Dũng là một “mũi nhọn” xung kích trên các chiến trường, hành quân theo các chiến dịch lớn, những tọa độ lửa khốc liệt nhất ông đều có mặt. Thời gian lăn xả trong những điểm nóng đã giúp ông đúc được nhiều kinh nghiệm và nhanh chóng trưởng thành trong nghề ảnh cũng như nghiệp vụ làm báo. Không những thế, càng đến những nơi khốc liệt, tinh thần chiến đấu của ông càng thêm quả cảm, gan góc, không sợ hy sinh. Trước khi ngã xuống trên chiến trường, Lương Nghĩa Dũng đã “chết hụt” khoảng 20 lần, nhưng ông không hề sợ hãi, nhất định không chịu lui về tuyến sau điều trị mà kiên quyết ở lại trận địa tiếp tục chiến đấu…
Ông Chu Chí Thành cho hay: Cụm tác phẩm Những khoảnh khắc để lại chỉ gồm 5 ảnh nhưng đã khắc họa được một cuộc chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, đồng thời, qua đó thấy được tinh thần quyết chiến quyết thắng mạnh mẽ của quân dân ta. Trong 5 ảnh, đặc biệt phải nhắc đến tác phẩm Đánh chiếm cứ điểm 365 – một bức ảnh phản ánh được sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh đau thương, mất mát. Bối cảnh trong ảnh là chiều 30/3/1972 , mở màn Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đại đội I, Tiểu đoàn Sơn Mỹ tiến đánh cứ điểm 365.
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng bám sát mũi tấn công, và bấm máy chuẩn xác hình ảnh ba chiến sỹ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt. Bức ảnh thể hiện rõ sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời, cũng cho thấy sự quả cảm xả thân của người chụp ảnh, bởi đây là thời điểm gay cấn nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, người ở ngoài, lại là phóng viên ảnh càng nguy hiểm, rất dễ trúng đạn… Sau bức ảnh để đời này tròn 2 tháng, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh khi đang cùng đơn vị xe tăng truy kích địch tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị...
Trong 6 năm cầm máy, không chỉ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử vô giá, nhà báo Lương Nghĩa dũng còn chụp hàng trăm bức ảnh chân dung khắc họa những nhân vật tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam với những gương mặt được tuyên dương anh hùng bởi những hành động anh hùng. Đó là hình ảnh Lê Mã Lương trên mặt trận Ðường 9 lấy súng giặc giết giặc. Ðinh Viết Sửu giữ thông tin thông suốt trong mưa bom bão đạn. Nguyễn Quốc Kha bắn rơi 7 máy bay lên thẳng của địch bằng súng máy 12,7mm. Nguyễn Thị The, Ðại đội trưởng Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và các cô gái đồng đội của chị anh dũng đánh trả tàu chiến Mỹ. Các anh hùng không quân Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Ðức Soát, rồi các chiến sỹ lái xe, thông tin, hải quân...
*Thương hiệu ảnh TTXVN trong kháng chiến
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đánh giá: Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Phân xã nhiếp ảnh của TTXVN (nay là Ban Biên tập ảnh) là một đơn vị hàng đầu về nhiếp ảnh với số lượng phóng viên đông đảo , chất lượng công tác phóng viên, biên tập cũng rất tốt . Đây là cơ sở nhiếp ảnh, thông tin và báo chí được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư lớn, ảnh của TTXV N trong giai đoạn đó gần như chiếm ví trị hàng đầu của ảnh thông tấn báo chí Việt N am. TTXVN xứng đáng là con chim đầu đàn, là hãng thông tấn quốc gia, có vị trí, tầm khu vực và quốc tế. Nếu tính ri ê ng lực lượng nhiếp ảnh ngoài Bắc , TTXVN đã có gần 100 phóng viên, biên tập viên .
Ngoài nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, đội ngũ này còn có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cho Thông tấn xã Giải phóng trong miền Nam bằng việc cung cấp người, vật tư, thiết bị máy móc và tổ chức hoạt độ ng nhiếp ảnh của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể thấy rằng, các tay máy giữ vai trò chủ chốt trong Thông tấn xã Giải phóng từ ngày thành lập những năm 60 của thế kỉ XX như là Bùi Đình Túy, Nguyễn Đức Chính và một số người khác đều là từ miền Bắc vào...
Rất mừng là Việt Nam đã có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật để cổ vũ, động viên và ghi nhận những đóng góp của các tác giả, tác phẩm xuất sắc, trong đó có nhiếp ảnh. Riêng về lĩnh vực nhiếp ảnh, 6 tác giả đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đó hai nhà báo của TTXVN. Đó là nhà báo Lâm Hồng Long và nhà báo Lương Nghĩa Dũng.
Trong đó, tác giả Lâm Hồng Long là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh từ đợt đầu tiên (năm 1996) với những tác phẩm đẹp một cách hoàn hảo. Có thể kể đến bức Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn, Mẹ con ngày gặp lại (hay còn gọi là Ngày hội ngộ) đều có bố cục chặt chẽ, chi tiết sinh động và giàu tính khái quát, từ lâu đã được công chúng trong nước, bạn bè quốc tế biết đến.
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với tác phẩm ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu. Đợt trao tặng Giải thưởng lần này, ông là tác giả nhiếp ảnh duy nhất được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh…
Ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh, còn có 12 nhà báo nữa của TTXVN được trao tặng Giải thưởng Nhà nước gồm: Văn Bảo; Vũ Tạo; Đinh Ngọc Thông; Văn Sắc; Trần Bỉnh Khuôl; Trương Hanh Phong, Võ An Khánh, Lương Nghĩa Dũng, Chu Chí Thành, Lê Minh Trường, Hữa Kiểm, Lâm Tấn Tài.
Để có được những tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian đó, những người cầm máy đã xả thân không tiếc máu xương trên khắp các mặt trận, thu được "khoảnh khắc vàng" quý báu. Họ đã để lại cho TTXVN kho tàng vô giá, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc bằng hàng ngàn, hàng vạn tấm ảnh với những khoảnh khắc còn sống mãi…
(Còn tiếp)
Theo TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất