Chữ và nghĩa: Cây sữa và cây hoa sữa

30/10/2024 06:50 GMT+7 | Văn hoá

"Cây sữa hay cây hoa sữa?". Nếu hỏi một người Hà Nội nào đó thì đa số sẽ trả lời "Cây hoa sữa chứ làm gì có cây sữa?". Nhưng thực tế, "cây sữa" (tên khoa học: Alstonia scholaris) mới là tên chính danh của một loại cây đô thị đang được trồng làm bóng mát tại nhiều thành phố ở nước ta. Nhưng mấy ai quen với cách gọi cây sữa mà chỉ có cây hoa sữa.

Hoa sữa, cây hoa sữa đã đi vào văn học nghệ thuật với những lời thơ rất đẹp trong âm nhạc: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" (lời bài hát Hoa sữa của Hồng Đăng); "Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du/Những đêm hoa sữa thơm nồng" (lời bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp).

Nhân chuyện này, tôi muốn bàn về một vài hiện tượng gọi tên sự vật "lệch ra khỏi hệ thống" của tiếng Việt.

Chữ và nghĩa: Cây sữa và cây hoa sữa - Ảnh 1.

Cây hoa sữa. Ảnh: Internet

Ta biết, khi gọi tên một sự vật cùng chủng loại (cây, hoa, rau) người Việt có thể bỏ danh từ "chỉ khối" đứng trước.Ví dụ, với các loại rau, ta vẫn nói: Muống, mùng tơi, dền, đay, cải… thay cho rau muống, rau mùng tơi, rau dền, rau đay, rau cải… mà người nghe vẫn hiểu đó là những rau gì. Cũng như vẫn nói: Bằng lăng, liễu, me, sấu, xà cừ… thay cho cây bằng lăng, cây liễu, cây sấu, cây xà cừ… Nhưng có một số trường hợp, ta phải viết thêm một thành tố bổ sung. Chẳng hạn, ta phải viết "cây hoa giấy" chứ không thể "tỉnh lược" thành "cây giấy". Cây hoa giấy (hoặc cây bông giấy, tên khoa học: Bougainvillea) là một cây cảnh rất quen thuộc được du nhập từ Nam Mỹ vào Việt Nam. Khi nói về cây này, tiếng Việt bắt buộc phải có chữ "hoa" đi kèm. Cây hoa sữa, cây hoa giấy nghiễm nhiên trở thành cái tên định danh quen thuộc.

Mặc dù, cấu trúc chung của các danh từ chỉ cây là "cây + tên riêng", chứ không thêm chữ "hoa" hoặc "quả" vào làm gì (các loại cây có thể có hoa, có quả, đó là việc khác). Nhưng rồi ta nói "cây hoa giấy", "cây hoa sữa" như những từ bình thường khác. Nó bình thường và quen thuộc không chỉ từ áp lực theo thói quen cộng đồng, mà còn là một giải pháp tránh nhầm lẫn trong giao tiếp. "Cây giấy" dễ tạo liên tưởng tới từ "giấy" (vật liệu được làm thành tờ để viết, vẽ, in ấn hoặc để gói bọc). Cũng như nói "cây sữa" cũng sẽ làm người nghe liên tưởng tới "sữa" (để uống, để nuôi con). Trong khi đó, đặc trưng nổi bật, dễ nhận thấy của cây hoa sữa là hoa của nó nở nhiều vào mùa Thu, lúc chiều tối và tỏa ra một mùi thơm đặc biệt, khó quên (chứ không phải là từ đặc điểm "nhựa của nó chảy ra trắng như sữa", đặc điểm này ít người biết).

Hoặc về các loại rau (vốn rất đa dạng trong tiếng Việt), có một số loài phải thêm thành tố "rau" đứng trước trong kết hợp. Người ta nói "rau má" (cây thân cỏ, bò lan trên mặt đất, phiến lá tròn có khía tai bèo, dùng làm rau ăn hoặc làm thuốc) chứ không nói "má"; nói "rau muối" (cây thân cỏ mọc hoang, lá và thân có phủ một lớp phấn mịn màu trắng, trông như muối, có thể làm rau ăn) chứ không nói "muối" (sẽ bị lẫn mới muối ăn, một gia vị có vị mặn); nói "rau rút" (cây ở nước, thân nổi nhờ có những phao xốp màu trắng, lá kép lông chim, hoa màu vàng, dùng làm rau ăn) chứ không nói ngắn gọn là "rút". Tương tự, sẽ có "rau khúc" thay vì "khúc", "rau tàu bay" thay vì "tàu bay", "rau sam" thay vì "sam"…

Như vậy, sẽ có một số danh từ chỉ hoa, chỉ rau, chỉ cây mà trong tiếng Việt phải thêm thành tố đứng trước (hoa, rau, cây) nhằm làm rõ sự vật, tránh nhầm lẫn. Thành tố đó tưởng thừa nhưng lại cần và được coi là "độ dư cần thiết" giúp cho tổ hợp định danh rõ hơn, chính xác hơn.

Anh về Hà Nội mùa Thu

Nhớ cây hoa sữa Nguyễn Du thơm nồng.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link