Chữ và nghĩa: "... chồng lúa chiêm"

02/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Chắc là nhiều người sẽ nghĩ ngay tới câu tục ngữ "Gió Đông là chồng lúa chiêm". Nhưng cũng ít ai phát hiện ra sự lạ lùng này: Lúa chiêm có cần lấy chồng không nhỉ? Vô lý thật.

Nhưng kết hợp này, tưởng vô lý, nhưng ngẫm ra lại có lý. Đọc cả hai câu "Gió Đông là chồng lúa chiêm/ Gió may, gió bấc là duyên lúa mùa", ta hiểu dân gian muốn chuyển tải một kinh nghiệm. Theo cách giải thích của Việt Chương (Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai, 2003) thì "Gió Đông là gió từ Biển Đông thổi vào, mát mẻ, nên thích hợp cho vụ lúa tháng Năm. Qua tháng Năm trở đi, nếu thấy có gió bấc se lạnh từ phương Bắc đổ về thì lúa mùa năm đó trúng lớn" (quyển thượng, trang 619).

Còn theo Nguyễn Đức Dương (Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) thì "Gió Đông là thứ gió ưa thích nhất đối với lúa chiêm, gió bấc là thứ gió ưa thích nhất đối với lúa mùa" (trang 412).

Với nông dân miền Bắc, lúa chiêm thường cấy vào tháng Chạp âm lịch. Lúc này, trời còn lạnh, cây lúa bén rễ phát triển chậm. Khi bắt đầu sang tiết Xuân, có gió nồm (gió Đông) thổi về từ biển mang hơi ấm, mưa rào xuất hiện: "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên". Đây chính là tác nhân thời tiết ảnh hưởng mạnh mẽ cho cây lúa phát triển nhanh, qua thì con gái, có đòng, trổ bông, ngậm sữa và vào hạt.

Chữ và nghĩa: "... chồng lúa chiêm" - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Coi gió Đông như là "chồng" là một cách nói ví von, tạo ấn tượng. Dù là kết hợp lạ, nhưng người nghe thấy "hạt nhân chân lý" qua hình ảnh liên tưởng ngộ nghĩnh và thú vị này.

Trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, không thiếu những cấu trúc được tạo dựng từ việc mượn một vai nào đó trong quan hệ con người để "gán" cho đối tượng cần nói. Chẳng hạn câu tục ngữ "Cơm tẻ (là) mẹ ruột". Cơm tẻ (cơm nấu bằng gạo tẻ) là thức ăn thông dụng, cơ bản, rất cần thiết trong mỗi bữa ăn. Vai trò của nó đến nỗi xứng đáng được coi là "mẹ của ruột". Không có "mẹ" này thì ruột không có thức ăn tạo dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Hoặc là câu "Thật thà là cha quỷ quái". Câu trên là "mẹ", câu này là "cha". "Quỷ quái" là một đối tượng "hết sức tai ác và ranh mãnh", ai cũng sợ. "Thật thà" chỉ một phẩm chất của ai đó ngay thẳng, chân thực, không dối trá, rất đáng quý. Hai khái niệm này đối nghịch nhau làm nên một hàm ý. Theo Nguyễn Đức Dương (sách đã dẫn, trang 808) nghĩa câu này là "Thật thà quá (giữa thời buổi đầy rẫy giả dối) là cha đẻ của bao trò quỷ quái". Nhưng dân gian lại tồn tại một cách hiểu hoàn toàn khác: Sự thật thà, trung thực được coi là cao hơn, quý hơn, đáng trân trọng hơn bất kỳ sự khéo léo đến mức quỷ quái của ai đó. "Khôn ngoan chẳng lọ thật thà". Suy cho cùng, thật thà là giá trị cốt lõi của cuộc sống.

Lại có câu "Tre già (là) bà lim". "Bà" ở đây là người có tuổi, có cương vị, cũng là người có phẩm chất, kinh nghiệm hơn mọi người trong nhà". "Bà" vào vai "tre già" để khẳng định một giá trị "(Cây) tre được để thật già (mới dùng) thì thân của nó còn bền hơn cả lim (một loại gỗ rất bền tốt, PVT) gấp trăm lần" - (Nguyễn Đức Dương, sách đã dẫn, trang 882).

Lại có câu "Người gầy thầy cơm". "Thầy" ở đây được hiểu là "người có khả năng, trình độ cao hơn người khác". Nét nghĩa này được tận dụng để tạo nên tục ngữ "Những người gầy gò thường ăn khoẻ".

***

Trong các câu tục ngữ vừa xét, ta thấy "chồng", "mẹ", "cha", "bà" đều là những người khác nhau trong ngôi thứ gia đình lại được đưa vào như một thành tố tạo nên tục ngữ. Nó phản ánh một hiện tượng "mượn" một đối tượng có thực trong cuộc đời để xây dựng cấu trúc và làm nên ngữ nghĩa tục ngữ, làm cho câu nói giàu hình ảnh, thêm sinh động, dễ tiếp thu. Căn cứ để "mượn" đó, trước hết là phải có sự hiệp vần và cả câu có sự hài âm, hài thanh, dễ đọc, dễ nhớ. Đó cũng là một nét độc đáo của tiếng Việt ta đấy.

Chồng, cha, con, mẹ, thầy, bà

Đưa vào tục ngữ nhìn ra cuộc đời.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link