Chữ và nghĩa: Chửa con so 'làm lo' hay 'làm cho' láng giềng?

27/05/2020 06:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Chửa con so làm lo láng giềng”, không hiểu sao tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) lại thống kê tục ngữ có chữ “lo” này. Vì căn cứ vào câu chữ, ta sẽ hiểu là: Cô gái nào đẻ con so sẽ đem lại nỗi lo cho hàng xóm, láng giềng (của cô ấy).

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Đây là một câu thành ngữ quen thuộc và được thống kê trong nhiều cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Về cơ bản, ngữ nghĩa của thành ngữ này cũng được giải thích tương tự nhau.

Và, Nguyễn Đức Dương đã cắt nghĩa câu này như sau: “Có mang đứa con đầu lòng dễ làm cho hàng xóm thấp thỏm lo âu (vì không biết có sinh nở mẹ tròn con vuông không). Hay dùng để chỉ rõ bao mối nguy chết người mà giới nữ hay phải đối mặt khi có chửa con so”.

“So” trong tiếng Việt là thành tố kết hợp hạn chế, có nghĩa “được thai nghén hoặc được đẻ ra lần đầu” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2020). Ta thường nghe nói “Cô ấy đẻ con so vất vả trăm bề”, “Trứng gà (con) so nên hơi nhỏ”…

“Con so” (đẻ lần đầu) phân biệt với “con rạ” (đẻ lần thứ hai trở đi). Phụ nữ chửa hay đẻ con so đều ở hoàn cảnh đặc biệt, với nhiều lo âu bỡ ngỡ, vất vả và gặp nhiều khó khăn, thậm chí gặp những rủi ro khó lường. “Vượt cạn” là từ dùng để chỉ sự sinh nở khó nhọc của họ. Việc này được liên tưởng tới chuyện vượt sông, vượt biển của ai đó.

Nhưng khác là việc vượt sóng gió nơi sông rộng khơi xa kia thường là của cánh đàn ông, còn vượt cạn là của phụ nữ mà chỉ có một mình. Ôi chuyện “mang nặng đẻ đau” thật gian nan nghìn trùng. Vì vậy, không hiếm những trường hợp các cô gái gặp tai biến, rủi ro khi sinh đẻ.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Sinh lần đầu (đẻ con so) nguy cơ cao hơn nhiều, do chưa biết cơ địa, tình trạng sức khoẻ, trạng thái thai nhi của bà mẹ… Ngày xưa, do điều kiện cuộc sống, do hiểu biết còn hạn hẹp, do việc chăm sóc y tế còn kém và lạc hậu, thì không ít sản phụ phải trải qua những trắc trở (có những trắc trở bây giờ giải quyết quá đơn giản vì y học tiến bộ hơn nhiều về mọi phương diện). Thậm chí, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong mẹ hoặc con, hoặc cả mẹ và con.

Dân gian còn có câu “người chửa cửa mả”. Câu này cũng được Nguyễn Đức Dương giải thích: “Người đang mang thai, theo người xưa, vốn như thể đang đứng ngay trước cánh cửa dẫn đến nhà mồ của chính họ. Hay dùng để khuyên những ai đang mang thai hãy đi đứng cho cẩn thận (vì mọi mối nguy đang rình rập họ trên từng bước đi).”

Có lẽ ông liên hệ tới câu “người chửa cửa mả” này nên nghĩ rằng, người đẻ con so có rất nhiều nguy cơ dẫn đến rủi ro, có khi rất nguy hiểm. Và nỗi lo đó ảnh hưởng ngay tới hàng xóm (làm lo láng giềng). Kể ra, ai đó, nhất là ở nông thôn, chòm xóm, anh em ngày xưa, có sản phụ như vậy cũng thật ái ngại. Nhà kia gặp nạn thì láng giềng không thể “bình chân như vại” được. “Khổ chung hàng xóm nỗi đau này!”.

Nhưng tôi nghĩ, Nguyễn Đức Dương đã thống kê nhầm, dẫn đến giải thích nhầm câu tục ngữ, hoặc chí ít đã bỏ qua một biến thể quan trọng khác.

Đó là trong dân gian vẫn tồn tại câu tục ngữ “Đẻ con so LÀM CHO láng giềng”. Vì mọi người cho rằng, phụ nữ đẻ con so phải chuẩn bị nhiều thứ, cả về tinh thần và thể chất. Tinh thần phải vui vẻ, thoái mái. Còn sức khỏe, phải kiêng kị, phải lo sao ăn uống đủ chất, thường xuyên theo dõi diễn biến thai nhi (ngày xưa không có quy trình khám thai, siêu âm, can thiệp sớm như bây giờ), chuẩn bị vật dụng cần thiết cho việc sinh: quần áo, chăn màn, tã lót cũ (của trẻ đã sinh trước để lấy “khước”).

Và đặc biệt, theo các cụ, sản phụ không được lười nhác, ít vận động. Vì nếu cứ ăn no ngủ kỹ không chịu đi lại, luôn động chân động tay là dễ dẫn đến đẻ khó, sản giật. Theo quan niệm đó, sản phụ phải tham gia lao động tới mức cao nhất có thể. Không ít các bà mẹ trẻ vẫn phải làm mọi việc, như cơm nước, chợ búa, băm bèo thái khoai... tối mắt tối mũi trong lúc mang thai, có khi sắp đến ngày đẻ vẫn còn làm việc nặng nhọc: Xay, giã, gánh lúa, đập đất… “Làm cho láng giềng” với hàm ý, các cô nàng mang bầu cần phải lao động (coi đó là điều kiện cần thiết), nếu nhà chưa đủ việc thì sang láng giềng mà làm hộ người ta, cốt rèn luyện thân thể, lấy sức và tạo điều kiện thuận lợi khi sinh.

Tất nhiên, khoa học bây giờ, mặc dù khuyên sản phụ vận động sao cho phù hợp, nhưng cũng khuyến cáo tuyệt đối không được lao động quá sức. Điều này rất không tốt cho họ thực hiện “hành trình vượt cạn” vô cùng vẻ vang nhưng cũng vô cùng “phong ba bão táp”.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link