25/12/2024 06:41 GMT+7 | Văn hoá
"Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan". Tổ hợp này là thành ngữ hay tục ngữ? Nếu căn cứ vào văn bản tường minh (3 khái niệm đứng độc lập cạnh nhau) thì chưa thể xếp tổ hợp trên vào loại nào (thành ngữ hay tục ngữ) một cách chính xác.
Ba khái niệm chỉ 3 đối tượng khác nhau. Một chỉ "con của thầy cô giáo dạy ta (hoặc dạy ai đó)". Một chỉ "vợ của bạn mình". Một chỉ "phụ nữ (nào đó) đang làm cùng cơ quan". Ta thường nghe mọi người nói, đại loại: "Cậu hãy dừng mọi chuyện với cô nàng H. đi nhé. Người ta đang bàn tán, dị nghị đấy". "Chơi đâu thì chơi, nhưng nói chung, với "con thầy, vợ bạn, gái cơ quan" thì nên tránh xa. Đụng vào rách việc lắm đấy!"
Tại sao lại có sự phân biệt tới mức coi đó là điều kiêng kị nhỉ? Có người giải thích: Đây là những đối tượng không nên đi xa hơn trong quan hệ bình thường, tức là không vượt quá ranh giới tình cảm "citizen" (công dân). Yêu đương với họ là điều phải tránh, dư luận đàm tiếu, sẽ mang tiếng không hay.
Không hẳn thế! Trong 3 đối tượng trên, chỉ có tỏ tình, tán tỉnh yêu đương vợ bạn mới là điều tối kị (phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác, nhất là gia đình đó là của bạn thân tình). Còn chuyện học trò nào đó yêu thương (và đi xa hơn, kết hôn) với con của thầy giáo, chàng trai chưa vợ (hay đơn thân) yêu và (xây tổ ấm) với cô gái cùng cơ quan thì là "chuyện thường ngày ở huyện" chứ? Việc này đâu có sai mà cấm đoán?
Thậm chí, không ít ông thầy nhiệt liệt tán thành chuyện sinh viên (mình đang dạy) nên duyên cùng con gái, không ít người thân (hay đồng nghiệp) ra tay vun vào nhằm tác thành cho cặp đôi cùng phòng, cùng cơ quan (vui mấy lần vui). Trong vở kịch "Tiền tuyến gọi" (tác giả: Giáo sư Trần Quán Anh, sau được đạo diễn Phạm Kỳ Nam dựng thành phim cùng tên năm 1969), có nhân vật Nghị, Giáo sư Y khoa, vì yêu mến học trò của mình (bác sĩ quân y Lê Khiêm) mà rất muốn anh kết hôn với Hương Giang (cô con gái yêu của ông). Ông coi đó là niềm mong muốn, ước ao vì điều này hài hòa giữa tình nhà, sự nghiệp và đất nước. Còn chuyện người cùng cơ quan nên vợ nên chồng thì xưa nay nào có thiếu gì?
Như vậy, tổ hợp 3 danh từ chỉ người trên cần phải hiểu theo một cách khác.
Đó là lời nhắc nhở với những đàn ông, đặc biệt là những người đã có gia đình nên thận trọng trong quan hệ với "con thầy, vợ bạn, gái cơ quan". Tiếp xúc, trao đổi công việc là một chuyện. Song việc "vượt ngưỡng" tình cảm sẽ gây hệ lụy không hay.
Bình thường, chơi (và chơi thân) với con thầy, dễ bị mọi người "để mắt", có thể bị quy là lợi dụng cho việc học hành hay việc tiến thân, còn khi đã có vợ rồi lại có biểu hiện yêu đương sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ thầy trò thiêng liêng cao quý, làm cho hình ảnh, thanh danh người thầy bị tổn thương, một thái độ được coi là bất kính. Tán tỉnh ve vãn vợ của bạn, phá vỡ hạnh phúc gia đình người ta là một hành động vô trách nhiệm, thật đáng lên án (ngay cả khi anh là trai tân, chưa vợ). Còn mở rộng "quan hệ bồ bịch" với các cô gái cùng cơ quan (dù cô ấy đã có chồng hoặc chưa) đều bị đồng nghiệp, dư luận không đồng tình và chê cười (mất đi tính trong sáng và làm vẩn đục môi trường trong lành vốn có).
Tựu trung, có thể hiểu thông điệp của tổ hợp (như một tục ngữ) này là: "Quan hệ với con thầy, vợ bạn, gái cơ quan là một vấn đề hệ trọng. Bất luận trong trường hợp nào (có vợ hay chưa có vợ) người đàn ông phải cân nhắc để có cách ứng xử phù hợp. Đi quá giới hạn sẽ ảnh hưởng tới tư cách, đạo đức của mình (xét theo những chuẩn mực đạo đức hay lẽ thường cuộc đời cần tuân thủ). Ai đó có quan hệ linh tinh "ngoài luồng" nơi này nơi kia là đáng trách, nhưng với 3 đối tượng (mà ta nói ở trên) còn đáng trách hơn.
Họ đều phụ nữ cả thôi
Nhưng không khéo sẽ lôi thôi, khó lường.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất