'Vua chó mèo' Bảo Sinh: Chưa phải lúc đề xuất cấm thịt chó!

22/04/2015 10:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việc kêu gọi chấm dứt mổ chó lấy thịt, không ăn thịt chó trong chiến dịch “Về đi Vàng ơi!” của Liên minh Bảo vệ chó châu Á đã nhận được nhiều tranh luận. Trong đó có ý kiến kêu gọi “Luật hóa” việc tiêu thụ chó.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà thơ dân gian Bảo Sinh, người đầu tiên và duy nhất hiện nay lập Khách sạn chó mèo do chính ông làm giám đốc (bởi thế thường có biệt danh vui là "vua chó mèo"). Bảo Sinh là người theo dõi vấn đề bảo vệ chó và đấu tranh cho việc “không ăn thịt chó” hàng chục năm qua.  

Dư luận chưa đủ độ “chín”

Theo ông Bảo Sinh, nguồn cơn của mọi sự tranh cãi hiện nay (của phía bảo vệ chó và phía ủng hộ ăn thịt chó) là do các bên tham gia tranh luận đều có phần thái quá, đôi khi cố tình không hiểu cái lý của phía bên kia.

Điều này khiến những cuộc cãi vã không đầu không cuối càng ngày càng trở nên gay gắt và cùn mòn. Hơn thế, từ những biến chuyển trong nhận thức về bảo vệ chó, một số ý tưởng đang có phần ảo tưởng khi cho rằng nên trình một triệu chữ ký lên Quốc hội đề xuất ra luật cấm tiêu thụ thịt chó như Thái Lan vừa qua.


 Nhà thơ Bảo Sinh, Giám đốc Khách sạn chó mèo

Bảo Sinh cho biết: Việc vận động lấy chữ ký cam kết không ăn thịt chó, tôi cũng đã thực hiện ròng rã 4 năm nay. Trong dự án nhỏ riêng của mình, tôi chỉ lấy chữ ký tay và họ tên người ký (thông tin cá nhân là không cần thiết). Bởi với tôi, những chữ ký đó chỉ như lời xác tín của người ký rằng họ sẽ không ăn thịt chó. Cứ thế, tôi muốn vận động sự thay đổi từng người, từng người...”

Đến nay, ông có vài vạn chữ ký cam kết không ăn thịt chó. Và ông không định gửi tập cam kết này đi bất cứ đâu để gây sức ép tới bất cứ đơn vị nào. Vì, ông cho rằng dư luận chưa đủ độ “chín” để có thể áp dụng một sự thay đổi trên diện rộng.

Bảo Sinh tâm niệm, đối tượng của việc ứng xử tử tế với chó không phải là con chó mà là con người. Niềm vui lớn nhất của ông là nhìn những đứa trẻ tới Khách sạn chó mèo nâng niu, chăm chút những con vật. Các cháu buồn khi con vật ốm, đau khi con vật mất. Ông tin những công dân nhỏ biết yêu thương, chăm sóc con vật khi lớn lên sẽ không vô cảm với đồng loại.

“Nhưng, bên cạnh tình thương, tôi nghĩ chúng ta cũng nên tôn trọng cả quyền cơ bản của con người: quyền tự do. Khi những cá thể trong cộng đồng chưa đủ lớn, tôi đánh giá dư luận với việc ăn thịt chó lúc này mới chỉ 50/50, thì việc ra lệnh cấm bằng văn bản hành chính là điều không nên. Hay đúng hơn, nếu làm vậy, ta sẽ đi từ thái cực tệ hại này tới thái cực khác nghiêm trọng hơn. Nên, tôi sẽ phản đối bất cứ lệnh cấm ăn thịt chó nào nếu ban hành thời điểm này” – Bảo Sinh khẳng định.


Những người yêu chó mèo khóc thương thú cưng trong ngày cầu siêu tại Khách sạn chó mèo. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

“Luật hóa” bảo vệ chó là tất yếu

Về cuộc tranh cái xung quanh việc ăn thịt chó, Bảo Sinh ủng hộ những tổ chức đang kêu gọi lấy chữ ký bảo vệ chó. Tuy nhiên, chỉ dừng ở góc độ thúc đẩy nhận thức cộng đồng về ứng xử với chó và các đề xuất luật về phúc lợi động vật mà không va chạm với văn hóa ẩm thực của người Việt.

Tuy vậy, về lâu dài, trong bối cảnh khi chúng ta đang hòa mình vào văn minh nhân loại, ý thức bảo vệ chó nói riêng và động vật nói chung đang chuyển biến từng ngày. Theo Bảo Sinh, luật cấm ăn thịt chó và tiêu thụ các sản phẩm từ chó là điều tất yếu trong tương lai, khi những ý kiến ủng hộ đủ lớn.

“Nhiều người sẽ nói tôi nói nước đôi, song tính thời điểm là điều tối quan trọng. Những gì phải đến sẽ đến, những gì chưa thể đến thì đừng cố ép. Xin đúc kết những ồn ào hiện nay bằng một câu thơ của mình: Sống như Tây, nghĩ như ta/ Cội nguồn đau khổ chính là ở đây” – nhà thơ dân gian chốt lại.

Thăm dò ý kiến

Bạn đồng ý hay phản đối việc ăn thịt chó?


Phạm Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link