03/06/2020 06:58 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một chiều Hè oi bức, tranh thủ đi tản bộ đôi chút trên đường phố, tôi có ghé vào Cửa hàng Rau sạch “Bác Tôm” (6 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội). Tôi chợt nhìn thấy trên quầy hoa quả có một loại dưa có tên dưa lưới. Tôi nhớ là đã thấy, thậm chí đã ăn loại dưa này không chỉ một lần. Nhưng cái tên dưa thì quả thật, tôi mới biết lần đầu (lạc hậu thật!).
Nghe tôi thắc mắc, cô nhân viên bán hàng giải thích: “Đây là một loại dưa, ruột giống dưa vàng và dưa hồng (một loại dưa có thịt vàng, hơi giống thịt quả dưa hấu còn non), nhưng ăn giòn và ngọt hơn”. Chắc ngon hơn nên giá dưa lưới (82 ngàn đồng/kg) đắt hơn dưa hồng bên cạnh (tới 10 ngàn đồng. Tôi không quan tâm nhiều tới chuyện ngon hay không ngon, đắt hay rẻ mà ngạc nhiên với cái tên vừa lạ vừa ngộ này.
Tra Từ điển tiếng Việt bản mới nhất của Trung tâm Từ điển học (NXB Đà Nẵng, 2020) thì có tới 9 từ “dưa và kết hợp dưa + X”, có liên quan tới loại “cây thuộc loại bầu bí, có nhiều loài, quả dùng để ăn” này. Nhưng tôi chợt nhận ra, mỗi loại dưa lại được dân gian định danh theo những tiêu chí nhận diện khác nhau.
Hướng định danh dựa theo ngoại hình của quả dưa chiếm số lượng nhiều nhất.
Dựa vào hình dáng, kích thước có: dưa chuột (quả tương đương con chuột cỡ vừa), dưa gang (quả dài hơn dưa chuột, tầm một gang tay), dưa lê (quả hơi tròn, hơi giống quả lê).
Dựa vào màu sắc thịt quả khi chín có: dưa đỏ, còn gọi dưa hấu (dưa quả to, vỏ màu xanh sẫm và bóng, khi chín ruột có màu đỏ), dưa hồng (dưa khi chín thịt có màu vàng nhạt hoặc sẫm).
Dựa vào biểu hiện của vỏ ngoài khi chín có dưa bở (vỏ dưa nứt thành nhiều đường ngang dọc, lộ thịt phía trong màu trắng, bở bung ra như khoai luộc);
Dựa vào trạng thái cây dưa trong quá trình sinh trưởng có dưa leo (cây thân leo, có tay leo (tua) bám vào giàn hoặc bờ rào, bờ giậu) v.v…
Dưa lưới có 2 loại:
1) Dưa lưới ruột vàng (vỏ quả có màu xanh thẫm, trên vỏ đan xen những gân sáng trắng dày, đan vào nhau giống như chiếc lưới (đồ đan bằng các loại sợi, có nhiều hình dáng và công dụng khác nhau, thường dùng để ngăn chắn, đánh bắt cá, chim…), thịt quả màu vàng tươi).
2) Dưa lưới ruột xanh (vỏ quả có màu nâu khi chín, trên vỏ cũng có rất nhiều gân màu trắng xám đan nhiều lớp, thịt dưa màu xanh lá non, càng vào ruột dưa (vị trí gần hạt dưa) màu sắc cùi lại càng nhạt dần).
Về hình dáng, dưa lưới có hình tròn, hoặc oval hơi thuôn dài. Chính vì vỏ quả dưa này khi chín có vân lưới nên đặc tính đó được chọn để gọi tên.
Việc dựa vào đặc điểm ngoại hình của sự vật để đặt tên là xu hướng định danh thông dụng ở nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Các từ thuộc lĩnh vực khác “mô phỏng” hiện trạng như thế có khá nhiều, như báo đốm (loại báo có lông đốm đen và trắng), đỉa hẹ (đỉa nhỏ, to chừng bằng lá hẹ), hươu cao cổ (hươu có cổ rất cao và dài), lợn bướu (lợn rừng có sừng, nom như bướu hai bên má), mèo mướp (mèo có bộ lông màu xám tro, có vệt vằn đen như vỏ ngoài quả mướp), ngựa vằn (ngựa lông màu trắng có vằn đen), cà dái dê (cà tím có quả to và dài, trông giống như bộ phận sinh dục của con dê), cải xoăn mào gà (cải lá xoăn giống như mào gà), cau lùn (cau thấp cây), đậu trứng cuốc (đậu có hạt vân giống như vân trứng cuốc) v.v…
Dưa lưới có tên khoa học là “cucumis melo”, là một loại cây họ bầu bí (cucurbitaceae) trồng ở miền nhiệt đới, được nhập vào Việt Nam từ châu Phi và Ấn Độ cũng chưa lâu lắm (hiện được trồng nhiều ở TP.HCM, Bình Dương...). Có lẽ vậy nên cái tên “dưa lưới” này chưa xuất hiện trong các cuốn từ điển từ mới tiếng Việt.
Lưới kia bắt cá ngoài ao
Được dân gian mượn đặt vào tên dưa.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất