12/10/2022 07:25 GMT+7
Đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên (ngày 9/10/2022) đã đem không khí lạnh tràn về khắp miền Bắc và một phần miền Trung nước ta. Chắc nhiều người liên tưởng tới bài thơ Hoa cau của Trần Đăng Khoa: “Nửa đêm nghe ếch học bài/ Lưa thưa vài giọt mưa ngoài hàng cây/ Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau”.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Bài thơ ngắn gọn, chỉ có bốn câu, nếu tinh ý, ta sẽ nhận ra tất cả các sự tình trong bài (ếch học bài, mưa lưa thưa vài giọt, hoa cau rụng đầy vại nước) đều bắt nguồn và liên quan tới một hiện tượng “trời trở gió heo may”.
Ở câu thơ trên, nhà thơ có thể thay “trở gió” bằng “nổi gió” (vần và nhịp vẫn ổn). Nhưng như thế thì câu thơ quá bình thường và không có gì để nói. Chữ “trở” có mặt trong câu thơ chính là tác nhân tiêu điểm, làm ngữ nghĩa diễn đạt khác hẳn.
Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2022) cho là “trở” là động từ có nhiều nghĩa. Nhưng có một nghĩa liên quan tới vấn đề ta đang bàn: “[Diễn biến] chuyển sang chiều hướng khác, thường là xấu đi”. Theo hướng này, tiếng Việt xuất hiện một loạt từ ghép có tiền tố “trở” với những nét nghĩa khác nhau.
Trở bệnh: (Ai đó) đang khỏe mạnh bỗng nhiên mắc bệnh (Bà ấy trở bệnh chừng hai tháng nay rồi).
Trở chứng: Bỗng nhiên sinh ra tật xấu hoặc thay đổi theo chiều hướng xấu (Đang tự nhiên xe trở chứng chết máy; Con trâu trở chứng phá ách; Ông ấy trở chứng bỏ nơi làm việc…).
Trở giọng: (Ai đó) bỗng nhiên thay đổi khẩu khí, lời lẽ khác hẳn với cách nói trước đó (Cô nàng trở giọng nói ngang nói bừa).
Trở mặt: (Ai đó) đột nhiên đối xử ngược hẳn lại so với sự tử tế trước đó (Nó trở mặt như trở bàn tay; Khi lấy được hàng rồi, ông ta liền trở mặt…).
Trở mùi: (Đồ ăn) chuyển mùi khó chịu, bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu, biến chất (Bánh chưng trở mùi rồi, bỏ đi thôi; Chai nước mắm ngon thế mà trở mùi, phí quá).
Trở quẻ: Thay đổi thái độ hoặc trạng thái đột ngột, theo chiều hướng xấu đi, gây khó khăn, phiền phức (Ngựa ta trở quẻ, hất văng người cưỡi xuống đất)…
Như vậy, “trở” là một diễn biến ngược so với hiện tại. Cũng có cái “trở” bình thường (trở dạ, trở mình, trở tay), nhưng đa số “trở” là bất bình thường, mang nghĩa trái với chiều đang có của sự tình (đang gió nam chuyển gió bấc, đang ấm áp chuyển sang lạnh, (ai đó) đang yên đang lành lại thay đổi thái độ làm tình hình xấu đi…). Đây chính là một nét nghĩa cơ bản, góp phần làm nên ngữ nghĩa chung của thành ngữ “trái gió trở trời” quen thuộc mà chúng ta đang dùng.
“Trái gió” là “xuất hiện gió mới, khác hẳn với gió đang có”. “Trở trời” có 2 nghĩa: “1. Thay đổi thời tiết, thường là xấu đi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe hay đời sống sinh hoạt của mọi người; 2. (Ai đó) mệt, ốm nhẹ do thời tiết thay đổi”. Dựa vào nghĩa đó, dân gian đã tạo nên thành ngữ “trái gió trở trời” ( hoặc“trái nắng trở trời”), dùng để chỉ “sự chuyển đổi thời tiết bất thường, dễ sinh đau ốm”. Đây cũng là lời nhắc nhở mọi người (đặc biệt đối với người già yếu, người neo đơn) cần thận trọng trước diễn biến bất ổn của khí hậu, thời tiết vẫn thường xảy ra quanh ta.
Phòng khi trái gió trở trời
Những khi ấm lạnh có người chăm nom
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất