01/07/2020 06:56 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói tới “da cam” hay “màu da cam”, chắc mọi người Việt Nam chúng ta sẽ liên tưởng ngay tới tổ hợp từ “chất độc da cam” (trước đây thường gọi là “chất độc màu da cam”).
Đây là tên gọi của một chất hóa học có tác dụng diệt cỏ và làm rụng lá cây (thành phần có chất dioxin) được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến dịch Ranch Hand, một phần của chiến tranh hóa học của Mỹ thực hiện trong Chiến tranh Việt Nam, kéo dài khoảng 10 năm (1961-1971). Chiến dịch "khai quang" đó đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, cuộc sống, sức khỏe của con người (trực tiếp tới hàng triệu người Việt Nam và hàng vạn lính Mỹ tham chiến). Trong bài này, chúng tôi không có ý định bàn về những vấn đề hóa học, chính trị - xã hội mà chỉ trao đổi về mặt ngôn ngữ học.
“Chất độc da cam” (hay “chất độc màu da cam” như cách gọi trước đây) là chuyển ngữ từ tổ hợp tiếng Anh “Agent orange”. Chất độc này có màu trắng. Sở dĩ nó được gọi là (màu) "da cam" vì các thùng phuy đựng dung dịch lỏng đó được các công ty sản xuất của Mỹ sơn các vạch có màu "orange".
“Orange” là danh từ từ tiếng Anh chỉ: 1. cây cam, 2. quả cam và cũng là tính từ chỉ "màu của quả cam (chín)". Nhưng khi chỉ màu của quả cam, người Việt lại thêm chữ "da" thành ra màu “da cam”. Đây chính là điều đáng nói về vấn đề gọi tên một vài sự vật trong tiếng Việt.
Bởi gọi tên màu sắc các loại quả, người Việt căn cứ vào ngoại hình của chúng ở giai đoạn đã chín (không lấy màu sắc của quả trong giai đoạn đang phát triển, còn non chưa chín, thường là màu xanh). Đó chính là vỏ ngoài của quả. "Da" chỉ dùng để chỉ "lớp mô bọc ngoài cơ thể người và một số động vật" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Chẳng hạn ta vẫn nói: người da đỏ, bệnh ngoài da, da gà, bánh da lợn, sần sùi da cóc, mình đồng da sắt (thành ngữ).
Với lớp mỏng bọc bên ngoài của quả cây, người Việt dùng "vỏ" để gọi chứ không dùng "da". Chúng ta vẫn nghe nói, đại loại: "Con nhớ gọt vỏ táo rồi hãy ăn"; "Bóc vỏ quýt phải có móng tay nhọn"; "Măng cụt này vỏ mỏng, thịt dày và ngọt lắm"... Không ai nói "Bóc da quýt mà ăn" hay "Da quả sầu riêng này dày quá" v.v…
Thực ra, dùng các từ có thành tố "da" để định danh màu một số sự vật trong tiếng Việt còn có vài trường hợp nữa: “màu da bò” (có màu vàng hơi pha nâu như màu lông trên da con bò), “màu da lươn” (có màu nâu vàng giống như màu da con lươn)... Những màu mô phỏng này hoàn toàn đúng với kết quả quan sát, phản ánh một cách tri nhận sự vật của người Việt.
Xét cho cùng, về bản chất, "vỏ" (thực vật) cũng giống "da" (động vật), đều chỉ "phần bọc ngoài" của sự vật nào đó. Nhưng "hoán đổi" hai từ này cho nhau lại chỉ diễn ra một chiều (từ động vật hay người sang thực vật hay sự vật khác). Màu da cam không phải là trường hợp duy nhất. Ta còn thấy các màu: da xanh trong bưởi da xanh (một loại bưởi có gốc ở tỉnh Bến Tre, khi chín vỏ vẫn giữ màu xanh (đậm hơn) hoặc hơi ngả vàng - chứ không giống loại bưởi khác khi chín có màu vàng hay vàng sẫm); da trời, màu xanh da trời (có màu xanh nhạt như màu của nền trời), da đồng (màu của dụng cụ bằng đồng như nồi, mâm, lư, đỉnh...) v.v.
Mô phỏng màu của sự vật trong cuộc sống, tự nhiên để tạo nên các tổ hợp từ mới là một phương thức định danh rất phổ biến trong tiếng Việt. Có hàng loạt từ kiểu đó: màu bã chè, màu bã trầu, màu cánh chả, màu cánh gián, màu cháo lòng, màu cứt ngựa, màu đu đủ, màu gan gà, màu huyết dụ, màu lá mạ, màu lông chuột, màu nõn chuối, màu nước dưa, màu su hào, màu rêu, màu tàn thuốc lá, màu tiết dê, màu trứng cuốc, màu trứng sáo, màu vàng rơm... Từ nhập ngoại có màu Boóc đô (màu rượu vang vùng Bordeaux, Pháp), màu Dunhill (màu đỏ giống như vỏ bao thuốc lá Dunhill) v.v.
Đây có thể nói là những biểu hiện riêng, như một "đặc sản" ngôn từ độc đáo của tiếng Việt. Ngôn ngữ khác cũng có nhưng không phổ biến. Tiếng Nga có từ apel'sin (апельсин: cây cam, quả cam) nhưng màu da cam lại là oranzhevyj (оранжевый: một từ riêng biệt, không liên quan tới từ "cây cam, quả cam" tiếng Nga, chỉ màu gần với tông màu cam). Còn tiếng Anh, như đã nói là có sự chuyển nghĩa tương tự: màu da cam (orange) cũng giống như cây cam, quả cam (orange). Nhưng nếu ai đó dịch ngược màu da cam sang tiếng Anh mà đem sắp xếp lần lượt 3 thành tố "màu + da + cam" và chuyển ngữ 3 từ tương đương của tiếng Anh "color + skin + orange" (chẳng hạn thành color of orange skill), hoặc "màu + vỏ + cam" theo thứ tự "color + peel + orange" thành color of orange peel thì không một người Anh nào có thể chấp nhận. Về vấn đề dịch "word by word" này, GS Cao Xuân Hạo từng nói: "Dịch chính xác từng từ một rồi cộng lại theo cấu trúc nguyên ngữ đã có là cách tốt nhất để tiến tới dịch sai hoàn toàn".
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất