Bóng tối của giấc mơ Mỹ

11/06/2013 09:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Giấc mơ Mỹ đôi khi vẫn được hiểu như một khái niệm ám chỉ tới những người nhập cư vào Mỹ với khát vọng đổi đồi qua những cơ hội mà đất nước này mang lại.

Hầu hết các bài diễn văn ở hai đại hội đảng Dân chủ và Cộng hòa tổ chức cuối năm ngoái đều cố gắng đề cập tới giấc mơ Mỹ ấy. Ví như câu chuyện của Marco Rubio thuộc về một gia đình nhập cư từ Cuba nay thành đạt và có vị trí: ông là Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Florida.  

Hoặc giấc mơ Mỹ đôi khi cũng để dành cho những người đi lên từ tột cùng của nghèo khó, như một trong những người giàu nhất nước Mỹ hiện nay là Warren Buffet, hay tỉ phú Bill Gates.


Đó có lẽ là những câu chuyện đẹp nhất, hoặc nằm trong số đẹp nhất, tạo ra động lực cho hàng triệu người muốn tìm đến Mỹ bằng mọi giá.

Người ta ước tính, ngày nào cũng có người Mexico bỏ mạng trên con đường tìm cách xâm nhập trái phép vào Mỹ vốn đã có 11 triệu người đã và đang tồn tại ở đây mà không được thừa nhận.

Phần lớn những người này không được phép làm giấy tờ tùy thân, không được cấp bằng lái xe, và dĩ nhiên một tấm thẻ xanh (công nhận quyền cư trú vĩnh viễn) là ước mơ xa vời với họ.

Lái xe một vòng qua hạt Silver Spring, Rockville ở bang Maryland tôi vẫn thường bắt gặp những chợ lao động người nhập cư trái phép. Nó cũng chẳng khác là bao với chợ lao động ở Việt Nam, bởi những người đàn ông gốc Mỹ Latin đứng ngồi nhốn nháo ở đó chỉ chờ một chiếc xe hơi nào đó chạy qua, hạ cửa kính xuống là họ sẽ ùa ra quây lại.

Những người may mắn hơn không phải chực chờ như thế, được thuê làm những công việc mà người Mỹ bản địa (nhất là người da trắng) hầu như không chịu làm: công nhân xây dựng cầu đường.

Hoặc đôi khi họ tìm kiếm được một công việc nào đó nhàn nhã hơn như trong các tiệm rửa xe với mức thù lao từ 5-8 đô cho một giờ làm việc.

Các bang miền Nam nước Mỹ như Florida chẳng hạn là cửa ngõ của dân nhập cư bất hợp pháp, nhưng đôi khi giấc mơ Mỹ buộc họ tới tận các bang miền Trung Bắc, vào làm trong các nhà máy sản xuất đồ nội thất, như ở bang Wisconsin.

Thiên đường mua sắm của người Mỹ trung lưu hay thượng lưu là những khu mua sắm sầm uất trong khi những người nhập cư tìm tới các cửa hàng bán đồ cũ, tìm kiếm những chiếc áo quần cũ.

Nhập cư vào Mỹ, lấy thẻ xanh bằng một bản hợp đồng hôn nhân ngày càng trở nên đắt đỏ, từ chỗ mức chi phí được cho là chỉ 5 ngàn đã tăng lên vài chục ngàn USD và luôn sống trong lo sợ khi chính phủ Mỹ ngày càng để ý tới những vụ kết hôn giả.

Chỉ mới đây thôi, tôi gặp Veronica, người gốc Peru, trong một trung tâm huấn luyện, đào tạo kỹ năng, được nghe giới thiệu là cô mất gần một năm đi xin việc đều thất bại.

Ở một đất nước mà tỉ lệ thất nghiệp lên tới gần 8%, ước muốn được làm một công việc ưa thích không hề đơn giản. Veronica phải đi học tiếng Anh, kiếm thêm tấm bằng để cạnh tranh với hàng trăm người khác  trên thị trường trông trẻ tại nhà.

Và nếu biết rằng, có khoảng 40 triệu người đang sống trong mức nghèo khổ ở đây, liệu giấc mơ Mỹ có tan vỡ?

Thử hỏi, bỏ ra hàng chục ngàn đô để mua một tấm vé đến nước Mỹ có phải là điều điên rồ?

Chúc anh chị nhiều niềm vui. Hẹn gặp ở thư sau.

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link