04/12/2016 11:38 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin Lãnh tụ Fidel Castro Ruz, mà ở Cuba mọi người thường vẫn gọi một cách ngắn gọn và thân thiết là Fidel, như cách người Việt Nam gọi Bác Hồ, từ trần ngày 25/11/2016, làm tôi bàng hoàng, dẫu biết trước ông đã mang trọng bệnh từ vài năm nay.
Bàng hoàng bởi cả gia đình tôi đều coi Cuba như tổ quốc thứ hai của mình, đơn giản vì vợ chồng tôi cùng hai con đều được đào tạo và công tác tại Cuba trong hàng chục năm ròng.
Giờ đây, tất cả những kỷ niệm về Fidel Castro, về đất nước và con người Cuba, bỗng ùa về như một cuốn phim.
Một nhà hùng biện và thuyết khách tuyệt vời
Hình ảnh đầu tiên hiện về với tôi là hình ảnh Fidel diễn thuyết trước hàng triệu người dân Cuba ở Quảng trường Cách mạng.
Trong 14 năm học tập và công tác tại “đất nước mang hình con cá sấu”, không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe Fidel diễn thuyết, và cũng giống như những người Cuba khác, lần nào tôi cũng bị thôi miên bởi ngọn lửa cách mạng hừng hực mà ông truyền tải. Ông có thể nói liền một mạch từ sáng đến tối về bất cứ đề tài nào, từ chính trị, lịch sử, kinh tế đến văn hóa, xã hội, tôn giáo, thể thao mà người nghe vẫn luôn bị cuốn hút.
Nhà báo Lưu Vạn Kha ghi sổ tang tại Lễ viếng lãnh tụ Fidel Castro tại Đại sứ quán Cuba ở Việt Nam
Không chỉ là sự hùng hồn, ông còn rất dí dỏm, hài hước, khiến người nghe đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông có thể dẫn hàng trăm số liệu chính xác trong các phát biểu của mình, dù là về tình hình Cuba hay quốc tế mà không cần bất cứ một thứ giấy tờ gì. Những ai có may mắn được phỏng vấn hoặc nói chuyện với ông, tất cả đều bị ông thuyết phục.
Nhà văn người Colombia, Gabriel Garcia Marquez, giải thưởng Nobel văn học, đồng thời cũng là một trong những người bạn thân của nhà lãnh đạo Cuba, đã viết: “Tài nói chuyện của Fidel ở mức kỳ ảo. Ba giờ liên tục là mức trung bình của một cuộc nói chuyện với ông. Và cứ ba giờ một trôi qua như thế thì một ngày chỉ như một làn gió thổi”.
Thế nên, chỉ sau lần đầu gặp mặt, huyền thoại bóng đá thế giới Maradona đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt của Fidel, sẵn sàng đối đầu với bất cứ ai nếu người đó dám đụng đến thần tượng của mình. Fidel có thể dành nhiều ngày để trả lời phỏng vấn đối với những nhà báo và nhân vật nổi tiếng mà cuốn sách “100 giờ với Fidel” của nhà báo Ignacio Ramonet (Le Monde Diplomatique) là một ví dụ.
Tôi có vinh dự vài lần được gặp Fidel khi đi theo hoặc làm phiên dịch cho một số đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Cuba.
Ấn tượng sâu sắc nhất là tôi luôn nhìn thấy ở ông một nhà cách mạng vĩ đại, có lòng tin tuyệt đối vào lý tưởng và con đường đi của của mình, một chính trị gia cực kỳ uyên bác, nhưng cũng là một người rất chân thành, đôn hậu và có một tình cảm đặc biệt yêu mến đối với Việt Nam.
Fidel: Tình đoàn kết với Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối
Một trong những hình ảnh sống động đến với tôi lúc này là những cuộc mít tinh, biểu tình của người dân Cuba ủng hộ Việt Nam trong những ngày đất nước chúng ta chiến đấu để giành độc lập tự do.
Có một chi tiết ít được nhắc tới do sự nhạy cảm chính trị của một thời đã qua nhưng giờ đây đã có thể nói được, đó là sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đi thăm Liên Xô và Trung Quốc năm 1972 để thương lượng về vấn đề Việt Nam, và sau đó là cuộc bỏ bom 12 ngày đêm bằng B52 xuống Hà Nội, chủ tịch Fidel đã dũng cảm tuyên bố: “Lúc này thái độ đối với Việt Nam là hòn đá thử vàng của phẩm chất những người cộng sản”.
Cần phải nhớ bối cảnh của câu nói đó vì Liên Xô và Trung Quốc cũng là hai nước viện trợ lớn nhất cho Cuba, một bên là vũ khi, một bên là đồ dùng và nhu yếu phẩm.
Tôi đã được trực tiếp nghe những lời gan ruột đó của Fidel trong một cuộc mít tinh khổng lồ tại đường Rampa, con đường lớn nhất ở trung tâm thủ đô La Habana trong những ngày tháng đó. Và tôi cũng không thể quên tuyên bố của Fidel: Vì Việt Nam chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà đúng khi Mỹ mở cuộc bao vây phong tỏa cảng Hải Phòng, hai con tàucủa Cuba - Jigue và Imias – đã vượt qua bom mìn để mang hàng viện trợ đến Việt Nam.
Cũng có thể nói trong những năm Việt Nam chống Mỹ cứu nước, không có một nơi trên thế giới có một phong trào đoàn kết với Việt Nam lớn mạnh và sâu rộng như ở Cuba. Mạng lưới Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam phát triển không chỉ ở thành phố mà ở cả nông thôn, không chỉ ở cấp thành phố, tỉnh hay quận, huyện mà xuống tận cấp phường, khu phố. Cũng ít nước nào trên thế giới mà những cái tên như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Định lại được nhắc nhiều đến thế như ở Cuba.
Không chỉ thế. Cuba còn có Làng Bến Tre, Trường Nguyễn Văn Trỗi, Trường Võ Thị Thắng và hàng trăm cơ sở mang tên các anh hùng, liệt sỹ của Việt Nam ở khắp đất nước của Cuba.
Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam (9/1963) và cũng là nước đầu tiên đặt sứ quán bên cạnh MTGPMN Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).Không chỉ ủng hộ Việt Nam về chính trị, Cuba cũng hết lòng giúp đỡ Việt Nam về kinh tế. Trong những năm chiến tranh ác liệt, mối năm Cuba tặng nhân dân ta 100 tấn đường. Vẫn còn đó 5 công trình kinh tế-xã hội mà Cuba tặng nhân dân Việt Nam sau kháng chiến thành công: Khách sạn Thắng Lợi, Trại gà Lương Mỹ, Trại bò Mộc Châu, Đường Xuân Mai-Ba Vì và Bệnh viện Đồng Hới-Quảng Bình. Những người Việt Nam cũng không quên hình ảnh những công nhân Cuba tham gia xây dựng Đường Hồ Chí Minh và một số công trình kinh tế-xã hội khác.
Nhà báo Lưu Vạn Kha (Nguyên phóng viên thường trú TTXVN tại Cuba)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất